Không tiếp tục trì trệ cải cách hành chính
Tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Thị Thu Hoa nhận xét trong 7 tháng đầu năm 2018, kinh tế TPHCM tiếp tục phát triển. Theo bà Hoa, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng cao hơn cùng kỳ (ước đạt 594.635 tỷ đồng, tăng 12,5% so cùng kỳ), góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế chung của TP. Cùng đó, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài TPHCM thu hút được tăng 70% so với cùng kỳ...
Đánh giá cao những kết quả TPHCM đạt được trong thời gian qua, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cũng chỉ ra những tồn tại cụ thể cần tập trung khắc phục.
“TPHCM đã thực hiện các cơ chế, chính sách, tạo mọi điều kiện và không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Song, công tác cải cách hành chính vẫn còn rất trì trệ”, đồng chí Nguyễn Thành Phong đánh giá.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong dẫn chứng về việc một doanh nghiệp ngành cơ khí thuộc chương trình kích cầu nhưng thời gian giải quyết vốn để doanh nghiệp mở rộng quy mô mất hơn 1,5 năm. Tương tự, Công ty cơ khí Lập Phúc muốn đầu tư mở rộng nhà xưởng trên đất của doanh nghiệp nhưng Sở KH-ĐT lại giải quyết rất chậm trễ.
“Tôi đánh giá rất cao tâm huyết, mong muốn của chủ doanh nghiệp Lập Phúc vào việc đầu tư phát triển lĩnh vực cơ khí”, đồng chí Nguyễn Thành Phong bày tỏ và chia sẻ sản phẩm cơ khí của doanh nghiệp này “rẻ hơn sản phẩm từ Trung Quốc nhưng chất lượng đến từ Nhật Bản”.
Từ một số dẫn chứng trên, đồng chí Nguyễn Thành Phong cho rằng cơ khí là một ngành công nghiệp chủ lực của TPHCM nhưng sự quan tâm, hỗ trợ giải quyết cũng như tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển còn rất nhiều tồn tại. Vì vậy, theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, việc lắng nghe, tháo gỡ các khó khăn đối với các doanh nghiệp cần được tập trung thực hiện.
Đồng chí Nguyễn Thành Phong khẳng định trước mắt sẽ cùng Giám đốc Sở Công thương lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp công nghệ thông tin, thực phẩm, hóa nhựa... có quy mô lớn (từ 100 tỷ đồng trở lên) để có các giải pháp phù hợp, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, đặc biệt các ngành công nghiệp chủ lực của TPHCM phát triển.
Cũng liên quan đến công tác cải cách hành chính, người đứng đầu chính quyền TPHCM đưa ra câu chuyện cụ thể của người dân quận 1.
Theo đó, một số người dân quận 1 phản ánh tầng hầm chung cư 145 Nguyễn Trãi (quận 1) bị chiếm dụng, giữ xe gây nguy cơ cháy nổ, mất an toàn cho cư dân, dù được phản ánh nhiều năm vẫn không được giải quyết.
“Nhiều cơ quan, đơn vị đã không kịp thời giải quyết kịp thời các mong đợi của người dân, dù người dân phản ánh nhiều lần”, đồng chí Nguyễn Thành Phong bức xúc và khẳng định công tác cải cách hành chính còn rất trì trệ, cần đẩy mạnh hơn nữa. Việc thực hiện cần theo hướng khi giải quyết các công việc của dân cần đặt vào vị trí của người dân.
Đồng chí Nguyễn Thành Phong cho biết lãnh đạo UBND TPHCM sẽ làm việc với các sở và yêu cầu giám đốc các sở phải ký cam kết cụ thể với Thường trực UBND TPHCM đối với một số công việc cụ thể, nhất định không để tình trạng chậm trễ kéo dài.
Gắn công việc với địa chỉ cá nhân cụ thể
Trước đông đảo lãnh đạo các sở, ngành và các Ủy viên UBND TPHCM, đồng chí Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh đến các giải pháp về quản lý, điều hành nhằm tạo hiệu quả cao công việc.
Theo đó, Thường trực UBND TPHCM quán triệt quy chế làm việc mới của Thường trực UBND TPHCM và Ủy viên UBND TPHCM với những điều khoản bổ sung; trong đó có rà soát, đánh giá thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm.
“Tôi sẽ mạnh dạn báo cáo và đề nghị Thường trực Thành ủy TPHCM chuyển đổi công việc đối với những đồng chí không hoàn thành nhiệm vụ”, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cương quyết và cho rằng phải thẳng thắn với nhau nếu làm không xong công việc được giao thì cần phải chuyển sang việc khác.
“Tôi sẽ mạnh dạn báo cáo và đề nghị Thường trực Thành ủy TPHCM chuyển đổi công việc đối với những đồng chí không hoàn thành nhiệm vụ”, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong |
Việc xác định sản phẩm chủ lực đã được lãnh đạo TPHCM đặt ra từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa thấy hình hài. Lần này, thời hạn được gia hạn đến hết quý 3-2018. Trách nhiệm cá nhân đối với đầu việc này thuộc về Giám đốc Sở Công thương Phạm Thành Kiên.
Vì vậy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong lưu ý, đến thời hạn nêu trên mà vẫn không hoàn thành thì sẽ đề nghị phân công lại công việc đối với Giám đốc Sở Công thương.
Người đứng đầu chính quyền TPHCM cũng nhấn mạnh đến những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mà các ngành, các cấp cần thực hiện trong thời gian tới. Đặc biệt là việc cần tập trung thực hiện 7 chương trình đột phá.
Đề cập cụ thể đến từng chương trình, đồng chí Nguyễn Thành Phong nêu đích danh cá nhân chịu trách nhiệm trong việc chỉ đạo và triển khai thực hiện.
Đơn cử, đối với chương trình nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của TPHCM đáp ứng yêu cầu hội nhập sẽ do Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong làm trưởng ban chỉ đạo; Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm làm phó ban. Cơ quan thường trực của chương trình là Sở KH-ĐT và Giám đốc Sở KH-ĐT Sử Ngọc Anh sẽ phải chịu trách nhiệm cá nhân trong việc triển khai thực hiện. Đặc biệt, chương trình này sẽ chịu sự chỉ đạo, giám sát của Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân.
Tương tự, đối với từng chương trình còn lại đều do lãnh đạo UBND TPHCM chỉ đạo, cơ quan thường trực là các sở liên quan và lãnh đạo sở tương ứng phải chịu trách nhiệm về kết quả triển khai thực hiện. Đồng thời, ở từng chương trình đột phá sẽ có 1 thành viên của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM tham gia chỉ đạo, giám sát.
“Việc thực hiện 7 chương trình đột phá lần này có sự khác biệt là có sự tham gia, giám sát và chỉ đạo của các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM”, đồng chí Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh. |
Công khai thông tin việc chuyển đổi 26.000ha đất nông nghiệpChủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu các sở, ngành liên quan phải khẩn trương hoàn tất các báo cáo, tờ trình để UBND TPHCM trình HĐND TPHCM tại kỳ họp bất thường dự kiến diễn ra trong tháng 9-2018. Trong đó có tờ trình về phương án ứng vốn thực hiện dự án đường vành đai 3, tờ trình về chính sách thu hút tài năng đặc biệt, đề án huy động tổng các nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2018-2022... Đây là những đầu việc cụ thể triển khai Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Do đó, các đơn vị liên quan phải thực hiện đảm bảo tiến độ, nhằm tận dụng các cơ chế, chính sách đặc thù mà Trung ương trao cho TPHCM. Liên quan đến việc chuyển đổi hơn 26.000ha đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp và các loại hình khác, TPHCM sẽ công bố cụ thể về lộ trình, kế hoạch chuyển đổi trong từng năm. Đến nay, TPHCM đã xác định được hơn 3.440 dự án ở tất cả các lĩnh vực sẽ được thực hiện tại 26.000ha đất này. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong khẳng định sẽ công khai, minh bạch các thông tin này để người dân nắm bắt, giám sát. |