Nhà lãnh đạo Trung Quốc đề cập đến sáng kiến "Vành đai - Con đường" (Nhất đới nhất lộ) mà Trung Quốc thực thi sẽ mở ra một kênh rộng mở năng động hơn trong hợp tác châu Á - Thái Bình Dương và khẳng định phát triển kinh tế bao trùm hơn để mang lại lợi ích cho người dân. Sự cản trở toàn cầu hóa kinh tế ngày nay chủ yếu do sự thiếu bao trùm phát triển.
"Đã nói là phải làm" là kim chỉ nam từ xa xưa, vì lẽ đó Trung Quốc tin rằng tăng cường phát triển châu Á - Thái Bình Dương đòi hỏi phải hành động thực sự, theo Chủ tịch Trung Quốc.
Theo nhà lãnh đạo Trung Quốc, là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, Trung Quốc đã có những bước đi định hướng, tăng cường cải cách cơ cấu về cung ứng và đang theo đuổi sự phát triển chất lượng cao hơn, công bằng hơn và bền vững hơn với những thành tựu đáng kể, tăng 7,2%/ năm, đóng góp 30% cho tăng trưởng toàn cầu, trở thành động lực chính của tăng trưởng toàn thế giới.
Ông Tập Cận Bình cho biết, Trung Quốc đã nỗ lực loại bỏ hàng rào thể chế, thông qua cải cách toàn diện với 360 sáng kiến và 1.500 biện pháp, những khuôn khổ cải cách đã được thực hiện ở nhiều lĩnh vực quan trọng, chuyển đổi mô hình ngoại thương và đầu tư nước ngoài.
Ông nhấn mạnh: "Chúng tôi đã phát triển về thể chế văn hóa và nhiều biện pháp khác để tạo đầu mối cho sự phát triển. Tạo thay đổi lớn từ cơ sở hạ tầng, mô hình thương mại cho đến hiện thực hóa. Trung Quốc lấy con người làm trung tâm của phát triển để đem lại lợi ích cho cá nhân, mọi người. Thu nhập cá nhân tăng, giảm khoảng cách giàu nghèo, và khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Chính phủ Trung Quốc quyết tâm để người dân thoát nghèo".
Ông Tập Cận Bình cho biết, trong vòng 5 năm vừa qua, ông đã đến nhiều vùng nghèo khó của Trung Quốc để nhận thức vấn đề cốt lõi nhằm giải quyết toàn diện nhất. Trong vòng 5 năm qua đã có nỗ lực đưa thu nhập bình quân đầu người của người dân Trung Quốc đã đạt được 2 con số thể hiện nỗ lực xóa đói giảm nghèo.
"Tháng 10 vừa qua, Đại hội thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đưa ra các chương trình hành động để phát triển Trung Quốc thành một xã hội thịnh vượng toàn diện vào năm 2020, trở thành xã hội chủ nghĩa hiện đại vào năm 2035 và đến năm 2050 sẽ trở thành nơi của sự phồn thịnh tự cường dân chủ, văn hóa cao, tươi đẹp", ông Tập Cận Bình nói.
Chủ tịch Trung Quốc nói thêm, cần tăng cường khai thác mọi tiềm lực phát triển, loại bỏ tư tưởng cổ hủ, thúc đẩy sáng tạo trong xã hội. Sang năm Trung Quốc kỷ niệm 40 năm tiến hành cải cách và từ đó sẽ có nhiều hành động kiên quyết hơn. Trung Quốc cần tìm các mô hình phát triển mới để đáp ứng tốc độ phát triển cao cả chất và lượng; đề cao chất lượng của nền kinh tế tạo sự ổn định trong tăng trưởng.
"Trên chặng dường này, chúng tôi cũng nỗ lực tạo cuộc sống tốt đẹp hơn đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân. Chúng tôi sẽ tiếp tục tạo cơ sở công bằng để đảm bảo sự an toàn, hạnh phúc của người dân. Đảm bảo đến năm 2020 người dân sống tại khu vực nông thôn Trung Quốc sẽ thoát nghèo. Mỗi người trong hơn 1 tỷ người dân Trung Quốc đều có cuộc sống tốt đẹp hơn. Không ai bị bỏ lại phía sau... Trung Quốc cam kết đảm bảo sự công bằng và hòa bình tạo ra khuôn khổ hợp tác quốc tế dựa trên bình đẳng, cùng có lợi, mong muốn xây dựng một nền chính trị và kinh tế thế giới ngày càng công bằng hơn", Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định.