TPHCM triển khai 7 chương trình đột phá gắn với cơ chế đặc thù

* Bí thư Nguyễn Thiện Nhân gợi ý các giải pháp thu hút nguồn vốn 

Sáng 2-1, UBND TPHCM tổ chức hội triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách TPHCM năm 2018.

 

Năm 2017, TPHCM đã đạt được những kết quả nổi bậc trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại
Năm 2017, TPHCM đã đạt được những kết quả nổi bậc trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Thành Phong đánh giá năm 2017, TPHCM đã đạt được những kết quả nổi bậc trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại. Tình hình kinh tế - xã hội năm 2017 tiếp tục chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả mang tính toàn diện góp phần nâng cao chất lượng đời sống nhân dân trên địa bàn.

Tham dự hội nghị có các đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy; Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP; Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP; Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Cùng tham dự có lãnh đạo các sở ban ngành, UBND 24 quận - huyện.

Tuy nhiên, TPHCM còn nhiều khó khăn, hạn chế cần tập trung nỗ lực, khắc phục cải thiện. Ngoài chỉ tiêu sẽ đánh giá vào năm 2018 là chỉ số cải cách hành chính, 2 chỉ tiêu chưa đạt là tốc độ tăng trưởng kinh tế, tổng sản phẩm nội địa GRDP và thành lập mới doanh nghiệp. Cạnh đó, tình trạng ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường, các vấn đề về an toàn thực phẩm vẫn còn diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.

TPHCM triển khai 7 chương trình đột phá gắn với cơ chế đặc thù ảnh 1 Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân thăm hỏi các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG
 Đồng chí Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, bước sang năm 2018, TPHCM rất vui mừng được Bộ Chính trị ban hành kết luận số 21 (ngày 24-10-2017), được Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm chỉ đạo quan tâm chỉ đạo, thực hiện đầy đủ các quy trình thủ tục theo quy định để Quốc hội ban hành Nghị quyết 54/2017/QH14 thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.
“Đây là động lực quan trọng để TPHCM tăng tốc và phát triển trong những năm tới”, đồng chí Nguyễn Thành Phong khẳng định và cho biết TP quán triệt và triển khai phương châm hành động của Chính phủ “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”.
TPHCM triển khai 7 chương trình đột phá gắn với cơ chế đặc thù ảnh 2 Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG
 TP còn tập trung cả hệ thống chính trị tiếp tục triển khai 7 chương trình đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ X, gắn với việc thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế TP.

Bên cạnh đó, TPHCM sẽ thực hiện các giải pháp bảo đảm môi trường đầu tư thuận lợi, khuyến khích đổi mới sáng tạo; tập trung phát triển một số kết cấu hạ tầng trọng điểm, gắn với chỉnh trang đô thị, kéo giảm ùn tắc, tai nạn giao thông; giảm ngập nước, ô nhiễm môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, chăm lo đời sống nhân dân.

TPHCM cũng tập trung mạnh mẽ trong công tác cải cách thủ tục hành chính. Đẩy nhanh tiến trình xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, giữ vững ổn định chính trị, an toàn xã hội.

Người đứng đầu chính quyền TPHCM đề nghị hội nghị tập trung thảo luận, đánh giá toàn diện kết quả đạt được trong năm 2017 và phân tích rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế để thảo luận, đề ra những giải pháp thiết thực nhất, khả thi nhất để triển khai thực hiện, hoàn thành mục tiêu nhiệm vụ của năm 2018.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP, nhận xét kinh tế TPHCM có quy mô lớn nhất cả nước nên nhiệm vụ đảm bảo tốc độ tăng trưởng và phát triển là nhiệm vụ vất vả đối với TP. Do đó, đồng chí đặt ra nhiều yêu cầu cụ thể đối với chính quyền TP như đẩy mạnh thực hiện việc cải cách hành chính; đẩy mạnh phân cấp, sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế và gắn liền với đó là công tác đánh giá cán bộ để bố trí, sử dụng phù hợp hơn.

"Chúng ta phải hoàn thiện cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước lãnh đạo, nhân dân làm chủ và giám sát", Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh và yêu cầu công tác này phải được tiếp tục rà soát, đảm bảo thực hiện. Ngoài ra, việc tiếp thu ý kiến của người dân phải được đẩy mạnh thực hiện.
Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Thành ủy đã có quy định về việc tiếp thu ý kiến của người dân qua 4 nguồn thông tin. Qua công tác này sẽ có các thông tin hữu ích phục vụ cho công tác phòng chống tham nhũng, đánh giá cán bộ.

Tại hội nghị Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm, cũng khẳng định trong năm 2018, TPHCM đặt ra 20 chỉ tiêu quan trọng, trong đó tổng sản phẩm nội địa (GRDP) sẽ phấn đấu đạt từ 8,3 - 8,5%.

“Năm 2018 là năm bản lề thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ X, năm đầu tiên tập trung thực hiện kết luận số 21 của Bộ Chính trị và nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM”, đồng chí Lê Thanh Liêm nhấn mạnh.

Do đó, để hoàn thành các mục tiêu trên, thủ trưởng các sở - ban - ngành, đồng chí Lê Thanh Liêm lưu ý đến một số giải pháp như yêu cầu chủ tịch UBND các quận - huyện, chủ tịch HĐTV, tổng giám đốc, giám đốc các doanh nghiệp trực thuộc TP tập trung thực hiện có hiệu quả kết luận số 21 của Bộ Chính trị, nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.

TPHCM sẽ tổ chức rà soát quy hoạch chung, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, quy hoạch sử dụng đất,… ưu tiên bố trí quỹ đất để đầu tư phát triển công nghiệp 4.0; công nghiệp hỗ trợ, trung tâm tài chính, đất dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo.

Trong lĩnh vực phát triển đô thị, TP sẽ tập trung xây dựng các khu đô thị tạo động lực phát triển các huyện ngoại thành. Tập trung đầu tư hoàn thành các tuyến đường vành đai, tuyến đường xuyên tâm, hình thành hệ thống kết nối giao thông trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị, tuyến tàu điện ngầm, mở rộng khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái…

TPHCM cũng xác định tiếp tục đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6; tinh giản biên chế, xác định rõ vị trí việc làm, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức; phân công nhiệm vụ rõ ràng, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Đẩy mạnh cải cách hành chính giữa các cơ quan nhà nước và trong nội bộ từng cơ quan gắn với phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực, hướng đến xây dựng chính quyền điện tử phục vụ tốt nhất quá trình triển khai đô thị thông minh.

Về công tác an sinh và phúc lợi xã hội, đồng chí Lê Thanh Liêm cam kết thực hiện các giải pháp để bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, chăm lo đời sống nhân dân. Giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.

“TPHCM sẽ làm tốt hơn nữa công tác thông tin truyền thông, tạo sự đồng thuận xã hội góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2018”, đồng chí Lê Thanh Liêm nhấn mạnh. 

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân gợi ý các giải pháp thu hút nguồn vốn

Tại hội nghị triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách TP năm 2018 diễn ra vào sáng 2-1, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM gợi ý đối với chính quyền TPHCM về nhiều giải pháp tạo vốn phát triển TP.

“Giải pháp tạo vốn đầu tiên là quy hoạch hợp lý”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh và khẳng định giải pháp này không phải thuộc trách nhiệm của Sở KH-ĐT mà thuộc Sở QH-KT, thuộc Sở Công thương. Đồng chí phân tích, nếu công tác quy hoạch được thực hiện được tốt, đặc biệt quy hoạch các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, quy hoạch xây dựng, quy hoạch giao thông… sẽ thu hút được nhà đầu tư.

Thứ hai, phương thức hợp tác công tư (PPP), mà trước mắt là thực hiện đầu tư tuyến đường vành đai 3. Dự án này có tổng vốn đầu tư lên đến 1 tỷ USD, chỉ do nhà nước hoặc tư nhân tự thực hiện sẽ không thể hoàn thành mà phải thực hiện theo phương thức PPP.

Thứ ba, chuyển từ đầu tư nhà máy sang thuê dịch vụ. “Thay vì lập công ty môi trường, đầu tư nhà máy để xử lý rác thì TP kêu gọi đầu tư nhà máy xử lý rác và trả tiền dịch vụ xử lý rác”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân dẫn chứng. Tương tự, trong lĩnh vực xử lý nước thải, TP không phải xây dựng nhà máy xử lý mà chỉ cần ra “đầu bài” về yêu cầu xử lý nước thải và trả tiền dịch vụ để tư nhân tham gia đầu tư nhà máy.

Nếu TP đưa giá cả hợp lý, sẽ tạo được sự cạnh tranh, thu hút đầu tư và tư nhân sẽ làm tốt hơn so với nhà nước đầu tư… và ngân sách nhà nước sẽ không phải nặng gánh đầu tư xây dựng nhà máy.

Thứ tư, TP kêu gọi doanh nghiệp xây dựng cầu và sau đó, TP sẽ trả chậm chi phí đầu tư trong vòng 5-7 năm. Với cách làm hiện nay, TP bỏ một số vốn lớn chỉ xây được 1 cây cầu. Tuy nhiên, khi triển khai hiệu quả giải pháp trên thì với số tiền ấy, TP có thể xây dựng cùng lúc nhiều cây cầu.

“Tôi đã trao đổi và có doanh nghiệp đồng ý thực hiện theo cách này”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khẳng định và yêu cầu sắp tới ngành giao thông tổ chức hội nghị, mời các doanh nghiệp cầu đường có khả năng tham gia thực hiện dự án theo phương thức này.

Cụ thể hơn, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu, từ nay đến năm 2020 cần triển khai thí điểm xây dựng cùng lúc 3 cây cầu kết nối từ quận 1 sang khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2). TP sẽ hoàn trả chi phí đầu tư cho nhà đầu tư trong vòng 5 năm.

Thứ năm, phải có nguồn vốn từ quỹ đất. Trong kế hoạch năm 2018 của UBND TP không có chương trình đấu giá quỹ đất nên Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu bổ sung. Trong đó, chính quyền TP phải lên kế hoạch từ nay đến năm 2020 công tác đấu giá đất thu về bao nhiêu và kế hoạch sử dụng nguồn tiền từ đấu giá đất này như thế nào. Đây là nguồn thu lớn cho nên phải có cơ quan quản lý chặt chẽ.

Thứ sáu, đấu thầu dự án nhằm giảm chi phí. Đây phải trở thành nguyên tắc và từ năm 2018 phải chấm dứt chỉ định thầu, trừ trường hợp đặc biệt và khi chỉ định phải có báo cáo, thực hiện chặt chẽ.

Thứ bảy, cơ chế, chính sách đặc thù của Quốc hội cho phép TPHCM thu thuế, phí và lệ phí vượt khung; cũng như được phép thu thêm thuế, phí và lệ phí ngoài danh mục. Đây cũng là nguồn thu mà TPHCM cần tính toán triển khai thực hiện.

Thứ tám, bên cạnh việc tăng phí, thuế thì phải giảm thất thu ngân sách. Trong đó, điều quan quan trọng là phải biết được doanh thu thật của doanh nghiệp. Hiện nay nhiều nơi không biết được doanh thu do chi trả bằng tiền mặt, không hóa đơn nên không nắm chính xác được doanh thu, không tính đầy đủ thuế. Vì vậy, TP phải quan tâm khuyến khích thanh toán không qua tiền mặt nhằm góp phần chống thất thu thuế.

Thứ chín, vay vốn ngân hàng, phát hành trái phiếu đô thị. Trong công tác phát hành trái phiếu thì phải tạo niềm tin. “Trong chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ mới đây, chúng tôi đã làm việc với công ty tài chính quốc tế. Họ sẵn sàng hỗ trợ TPHCM đánh giá tín nhiệm về tín dụng của TP để làm căn cứ để TP vay vốn ngân hàng, phát hành trái phiếu”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân thông tin.

Cũng tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhận xét kinh tế TPHCM có quy mô lớn nhất cả nước nên nhiệm vụ đảm bảo tốc độ tăng trưởng và phát triển là nhiệm vụ vất vả đối với TP. Đồng chí đặt ra nhiều nhiệm vụ, kế hoạch cần triển khai thực hiện trong năm 2018 như đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính; đẩy mạnh phân cấp, sắp xếp bộ máy và giảm biên chế ở những chỗ cần thiết. Đồng thời, công tác khâu đánh giá cán bộ phải được thực hiện phù hợp, thực chất hơn...

Đề cập đến công tác quản lý ở địa phương, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho biết quận Bình Tân có dân số 741.000 người, hơn cả tỉnh Bắc Cạn.

“Bộ máy thì như một quận mà vận hành như một tỉnh. Số lượng người quá lớn như vậy” - đồng chí Nguyễn Thiện Nhân bình luận và bày tỏ đối với các địa bàn này, TPHCM sẽ tính toán lại thu nhập cho phù hợp.

Cụ thể, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu cần tính toán lại mức phụ cấp trách nhiệm đối với lãnh đạo ở những địa phương như thế này khi thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.

Trong công tác hỗ trợ khởi nghiệp, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân dẫn chứng kinh nghiệm ở nước ngoài về mô hình khởi nghiệp 2 đầu (nơi có chi phí lao động rẻ và nơi có thị trường phát triển).

Từ đó, liên hệ với TP, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ về ý tưởng thành lập khu đô thị sáng tạo phía đông TP trên cơ sở kết nối các quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức. Đây là nơi tập hợp công nghệ cao nhiều nhất TP, nơi nghiên cứu đại học lớn nhất TP và nơi có triển vọng là khu đô thị lớn nhất TP.

“TPHCM có quy mô trên 10 triệu dân, tiềm lực kinh tế đứng đầu cả nước nhưng muốn đi nhanh phải có cốt lõi, chính là khu đô thị phía đông bao gồm quận 2, quận 9 và Thủ Đức”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh và phân tích, ở khu vực này có mật độ ứng dụng khoa học kỹ thuật cao nhất, mật độ nghiên cứu khoa học lớn nhất, điều kiện tốt nhất nên phù hợp với mô hình khu đô thị sáng tạo.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cũng cho biết, trong chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ mới đây, Ngân hàng Thế giới đã đồng ý hỗ trợ TPHCM nghiên cứu về mô hình này. Do đó, TP sẽ hình thành một nhóm nghiên cứu, triển khai và nếu TP triển khai tốt thì trong vòng 5-7 khu đô thị này sẽ giúp cho TP có đột phá.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân còn nhấn mạnh đến yêu cầu tiếp tục hoàn thiện cơ chế đảng lãnh đạo, nhà nước lãnh đạo, nhân dân làm chủ và giám sát. Trong đó, phải có các chương trình giám sát trọng điểm, trọng tâm; đồng thời đẩy mạnh thực hiện việc tiếp thu ý kiến của người dân.

Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Thành ủy đã có quy định về việc tiếp thu ý kiến của người dân qua 4 nguồn thông tin, gắn với đó, phải đánh giá cán bộ cho sát. Nếu cán bộ nào, vị trí nào chưa phù hợp thì bố trí sắp xếp lại, nếu có vi phạm thì đề nghị xem xét kỷ luật.

“Về chủ đề lãnh đạo của hai năm tới, chúng tôi thấy có thể là đột phá về thể chế, trách nhiệm của lãnh đạo, sáng tạo và giám sát của nhân dân, doanh nghiệp. Qua công tác này sẽ có các thông tin hữu ích phục vụ cho công tác phòng chống tham nhũng, đánh giá cán bộ”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân gợi ý.
Vấn đề nhức nhối về xử lý rác đã vào quỹ đạo

Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhắc đến các điểm nhức nhối của năm 2017 như rác thải, kẹt xe, ngập nước… Từ đó, đồng chí yêu cầu trong năm nay phải tập trung chấn chỉnh.

Theo đồng chí, đầu năm 2017, rác thải là vấn đề nhức nhối của TP nhưng đến nay đã ổn định, bớt mùi hôi thối. HĐND TP đã có nghị quyết giảm tỷ lệ chôn lấp rác trên địa bàn từ 76% xuống còn 50% vào 2020. Kế đến, UBND TP tổ chức thành công hội nghị kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực xử lý rác, rất nhiều nhà đầu tư đã đến và bày tỏ sự quan tâm. UBND TP đã có kế hoạch trình Thường trực Thành ủy, khoảng đầu tháng 3-2018 sẽ tiến hành mời thầu, tháng 6-2018 sẽ triển khai.

Nếu chọn xong nhà thầu xây dựng khu xử lý rác theo công nghệ mới, từ nay trở đi rác không còn là vấn đề lớn nữa, sẽ không còn hôi thối nữa, bớt ô nhiễm đi, chi phi xử lý rác cũng sẽ giảm. Như vậy, vấn đề nhức nhối này đã đưa vào quỹ đạo để giải quyết căn cơ.

Còn với kẹt xe, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhận xét, TP đã có giải pháp giải quyết kẹt xe ở sân bay Tân Sơn Nhất và cảng Cát Lái, điều tiết thông minh ở hầm Thủ Thiêm.

Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp ngắn hạn nên phải thực hiện các giải pháp dài hạn như khép kín đường vành đai 2, đầu tư xây dựng đường vành đai 3, vành đai 4. Do đó, chính quyền TP phải có kế hoạch về vốn để triển khai, đầu tư xây dựng hoàn thiện các tuyến vành đai này. Nếu không có các tuyến đường vành đai này thì TP khó có thể giải quyết được tình trạng kẹt xe.

Ngoài ra, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng yêu cầu các sở ngành phải lưu ý về sự đồng bộ trong công tác quy hoạch, cấp phép xây chung cư, cao ốc ở trung tâm để tránh gây thêm căng thẳng về kẹt xe.

Đối với ngập nước, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân lưu ý không phải cứ nâng đường lên là hết ngập mà phải cách cho nước thoát. Đây là vấn đề khó khăn, hoạt động có chu kỳ nên giải pháp phải thích ứng có chu kỳ và TP phải rà soát, điều chỉnh quy hoạch thoát nước cho phù hợp.

Tin cùng chuyên mục