Chủ nhiệm Ủy ban Tư Pháp: Muốn ổn định, không động đến ai mà chống được tham nhũng thì quá khó!
SGGPO
Chủ nhiệm UB Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nói: “Không có phương án nào mỹ mãn, đáp ứng được tất cả các yêu cầu đề ra, mà phải so bó đũa chọn cột cờ. Nếu muốn ổn định, không động đến ai cả mà vẫn chống được tham nhũng thì quá khó”!
Phiên họp thứ 27 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc sáng nay, 10-9, tại Nhà Quốc hội.
Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, UBTVQH đã cho ý kiến lần thứ 3 về một số vấn đề lớn còn có nhiều ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên thảo luận nội dung này.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên thảo luận
Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp (UBTP) của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, hầu hết các nội dung lớn của dự thảo Luật đã được UBTVQH cho ý kiến thống nhất. Riêng quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thì vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau. UBTVQH giao cho Cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu để xây dựng 2 phương án, gồm: thu hồi thông qua thủ tục xem xét, giải quyết tại tòa án (phương án 1) và thu thuế thu nhập cá nhân (phương án 2).
UBTP và Cơ quan trình dự án đề nghị chọn phương án 1 thể hiện tại dự thảo.
Theo đó, đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập chuyển kết luận xác minh và các tài liệu có liên quan để yêu cầu tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định về tính hợp lý của việc giải trình. Tòa án sẽ ra quyết định thu hồi tài sản, thu nhập tăng thêm nếu người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc hoặc bác yêu cầu của Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập trong trường hợp người có nghĩa vụ kê khai đã giải trình hợp lý về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm.
“Theo phương án này, UBTVQH phải ban hành Pháp lệnh quy định về trình tự, thủ tục giải quyết cũng như việc thi hành thì phán quyết của tòa án mới thi hành được”, bà Lê Thị Nga lưu ý.
Là người đầu tiên phát biểu tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh: “Phương án 1 hay thì hay rồi, đồng thời thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật đối với hành vi tham nhũng. Nhưng liệu có khả thi không? Trước mỗi kỳ bầu cử thường dồn dập đơn thư, nay thêm quy định này, dự kiến số đơn thư còn tăng cao nữa. Các cơ quan chuyên trách liệu có làm nổi không? Quan trọng hơn, các cơ quan cấp dưới có kiểm soát được tài sản của lãnh đạo và đủ dũng khí để chuyển vấn đề ra Toà hay không”?
Băn khoăn của ông Nguyễn Hạnh Phúc cũng được nhiều ý kiến khác tại phiên họp chia sẻ. Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nhận định: “Tôi cũng thấy đây là phương án văn minh, được nhân dân ủng hộ. Điểm mới của phương án lần này là giải quyết theo tủ tục tố tục hành chính, chứ không phải dân sự; song hiệu quả xử lý án hành chính hiện nay cũng đã rất lâu và khó khăn. Một phương án nghiêm minh nhưng không khả thi thì cũng không hiệu quả”.
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải phát biểu tại phiên thảo luận
Bên cạnh vướng mắc lớn nhất này, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề nghị rà soát thêm nhiều nội dung khác, cũng quan trọng không kém. Bà Hải dẫn chứng: “Điều 20 về quy tắc ứng xử của cán bộ quản lý trong dự thảo khiến tôi thấy lo ngại. Theo quy định tạo dự thảo, thì vợ con, họ hàng ruột thịt của người làm lãnh đạo không được kinh doanh trong lĩnh vực người đó phụ trách. Vậy phải chăng vợ con, họ hàng của ông Giám đốc Sở Công Thương phải ngừng hết không được kinh doanh mua bán hải sản trong địa bàn toàn tỉnh đó hay sao? Như thế có vi phạm quyền tự do kinh doanh của người dân không”?
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định lưu ý, nếu chọn phương án 1, UBTVQH cần phải xây dựng và thông qua một pháp lệnh ngay trong năm 2019, để đến năm 2020 có hiệu lực đồng thời với Luật. “Liệu có kịp không, nội dung sẽ thế nào?” - người đứng đầu Ủy ban Pháp luật đặt câu hỏi.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên thảo luận
Cho biết vấn đề đã được bàn thảo qua rất nhiều hội nghị, hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu sốt ruột: “Những băn khoăn đã nêu là không mới, đề nghị cho ý kiến đề xuất phương án cụ thể, chứ chỉ nêu băn khoăn mãi thì rất khó”.
Được yêu cầu giải trình thêm, Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga nói: “Không có phương án nào mỹ mãn, đáp ứng được tất cả các yêu cầu đề ra, mà phải so bó đũa chọn cột cờ. Nếu muốn ổn định, không động đến ai cả mà vẫn chống được tham nhũng thì quá khó!”.
Lấy ví dụ hai chính sách từng có bị phản ứng rất gay gắt là cấm đốt pháo và buộc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, bà Nga cho rằng nếu có sự đồng thuận cao thì một chủ trương mới và khó đến đâu cũng có thể thực hiện được.