Chợ truyền thống đuối sức

Liên tục nhiều năm gần đây, sức mua tại các chợ truyền thống tụt giảm nhanh khiến việc kinh doanh của tiểu thương bị co cụm, mất dần sức cạnh tranh. Trong khi đó, lĩnh vực kinh doanh hiện đại với chuỗi các cửa hàng tiện lợi (CHTL), siêu thị và trung tâm thuơng mại (TTTM) được xem như “nấm mọc sau mưa” nhờ tốc độ tăng trưởng doanh thu khả quan. Vì vậy, nếu các chợ không có sự chuyển đổi phù hợp, chắc chắn sẽ bị tụt hậu so với nhiều loại hình kinh doanh khác.

Liên tục nhiều năm gần đây, sức mua tại các chợ truyền thống tụt giảm nhanh khiến việc kinh doanh của tiểu thương bị co cụm, mất dần sức cạnh tranh. Trong khi đó, lĩnh vực kinh doanh hiện đại với chuỗi các cửa hàng tiện lợi (CHTL), siêu thị và trung tâm thuơng mại (TTTM) được xem như “nấm mọc sau mưa” nhờ tốc độ tăng trưởng doanh thu khả quan. Vì vậy, nếu các chợ không có sự chuyển đổi phù hợp, chắc chắn sẽ bị tụt hậu so với nhiều loại hình kinh doanh khác.

Khách hàng tham quan và mua sắm tại chợ hiện đại kết hợp với TTTM Sense Market. Ảnh: Thanh Vũ

Động lực phát triển

Báo cáo ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) năm 2016 của Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel cho thấy, doanh thu của siêu thị mini và CHTL ở khu vực thành thị đang tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, kênh tạp hóa vẫn duy trì vị trí thống trị kênh mua sắm ngành hàng tiêu dùng nhanh tại cả khu vực thành thị và nông thôn của Việt Nam trong năm 2016, chiếm hơn 60% thị phần, nhưng doanh thu tăng trưởng vẫn thấp hơn kênh siêu thị mini và CHTL.

Thị phần của siêu thị mini và CHTL tại 4 thành phố lớn (gồm TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ) tăng từ 2% lên 3%, nhưng giá trị (doanh thu) ngành hàng tiêu dùng nhanh tăng đến 36% (chỉ tính đối với khách hàng mua về tiêu dùng tại nhà) so với năm 2015. Theo đánh giá của Kantar Worldpanel, nhìn chung mô hình bán lẻ nhỏ và thuận tiện đang là nguồn tăng trưởng chính của thị trường bán lẻ trong năm 2016.

Thị phần cửa hàng bách hóa và tiệm tạp hóa tại thành thị tăng thêm 1% so với năm 2015 lên 61%. Tại nông thôn, thị phần của kênh bán lẻ này tăng từ 75% lên 76%. Đáng chú ý, giá trị của tiệm tạp hóa và chợ truyền thống không tăng trưởng trong năm qua. Trong khi đó, giá trị cửa hàng bách hóa tăng 11%, còn giá trị siêu thị, đại siêu thị không những không tăng mà còn giảm 1% vào năm ngoái.

Những con số này hoàn toàn trùng hợp với thực tế. Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, tổng giám đốc một trong những doanh nghiệp (DN) phân phối hàng đầu tại TPHCM (đề nghị giấu tên), cho biết mặc dù nắm trong tay một chuỗi siêu thị, nhưng việc phát triển hệ thống các CHTL (bao gồm cả việc phát triển thêm cửa hàng) mới là nguồn thu chính nhằm đảm bảo kế hoạch tăng doanh thu hàng năm. Theo tính toán của vị tổng giám đốc này, hiện mức độ tăng bình quân của các CHTL là 100%/năm, trong khi tại các siêu thị tăng rất thấp, thậm chí không tăng. Do vậy, trong định hướng phát triển chuỗi phân phối đến năm 2020, DN này đang tập trung nhiều nguồn lực để đa dạng hóa mô hình CHTL bằng cách đầu tư nâng cấp hệ thống logisctic, mở thêm nhiều cửa hàng mới, nâng cấp các cửa hàng hiện hữu để tiến tới chuẩn hóa việc cung ứng hàng hóa theo mô hình truy suất nguồn gốc, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Thực tế cũng cho thấy, các CHTL đang nắm trong tay nhiều lợi thế, như không cần diện tích rộng nhưng hàng hóa vẫn rất dồi dào, phong phú, có thể luồn sâu vào khu dân cư, dẫn đến việc “châm” hàng diễn ra dễ dàng và nhanh gọn hơn. Mặt khác, với dân số hơn 90 triệu dân; trong đó, người trẻ tuổi chiếm tỷ trọng lớn, kênh phân phối hiện đại còn chiếm tỷ lệ thấp so với kênh phân phối truyền thống nên còn nhiều dư địa để các loại hình kinh doanh, trong đó có CHTL phát triển.

Quan sát của chúng tôi cho thấy, trong lĩnh vực kinh doanh CHTL đang có sự phân chia khá rõ ràng cho các chủ đầu tư. Cụ thể, các DN phân phối trong nước như Saigon Co.op, Satra, Vingroup, Hapro, Vissan… đang dẫn đầu trong việc phát triển chuỗi CHTL chuyên kinh doanh các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, công nghệ phẩm. Với chuỗi các CHTL, mở cửa 24 giờ/ngày, chủ yếu kinh doanh các loại thực phẩm công nghệ, hóa phẩm…, phần thắng đang thuộc về các thương hiệu có vốn đầu tư nước ngoài.

Khắc phục tình trạng chợ “trong vắng, ngoài đông”

 

* Theo Sở Công thương, TPHCM hiện có 240 chợ truyền thống. Trong định hướng phát triển hệ thống thương mại bán buôn, bán lẻ đến năm 2025, TPHCM sẽ không xây thêm các chợ mới ở khu vực nội thành. Nâng sức cạnh tranh của mạng lưới các chợ truyền thống, vừa tạo điều kiện cho tiểu thương mua bán vừa tránh tình trạng lãng phí đất đai, tiền của đang trở thành một trong những vấn đề bức thiết của hội nhập kinh tế, mở cửa thị trường. Tuy nhiên, làm thế nào, bắt đầu từ đâu… cần có sự nghiên cứu thấu đáo từ nhiều phía để sớm gỡ khó cho các chợ.

 

Cùng với chuỗi CHTL, các chủ đầu tư trong nước và nước ngoài cũng không ngừng đầu tư để phát triển thêm siêu thị hoặc nâng cấp các siêu thị, TTTM hiện hữu để thu hút khách. Cuối năm 2016 vừa qua, Tập đoàn Central Group (Thái Lan), nhà đầu tư chuỗi siêu thị Big C ở Việt Nam, đã phát đi thông tin từ nay đến năm 2021, Central Group Việt Nam sẽ đầu tư khoảng 30 triệu USD để nâng cấp 13 trong tổng số 34 trung tâm bán lẻ Big C hiện hữu, trở thành các TTTM bán lẻ cao cấp, hiện đại và đa dịch vụ.

Ông Phidsanu Pongwatana, Giám đốc điều hành MM Mega Market Việt Nam, cho biết bên cạnh 19 điểm bán hiện nay, dự kiến từ năm 2018, mỗi năm công ty sẽ phát triển thêm 5 trung tâm phân phối mới, trong đó ưu tiên phát triển tại TPHCM và Hà Nội. Các thương hiệu khác như Lotte Mart, Aeon, Emart, Auchan… cũng đang theo đuổi kế hoạch nâng số lượng các điểm bán tại nhiều tỉnh, thành của Việt Nam.

Với Saigon Co.op - nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam cũng đang tích cực phối hợp với các đối tác trong và ngoài nước để phát triển và đa dạng các loại hình kinh doanh. Ngày 4-3 vừa qua, Công ty SCID, DN thuộc Saigon Co.op, đã đưa vào hoạt động chợ ẩm thực và khu mua sắm Sense Market tại Khu B Công viên 23-9, quận 1, TPHCM. Đây là mô hình kinh doanh mới kết hợp giữa chợ truyền thống và kênh mua sắm hiện đại, vừa đáp ứng nhu cầu mua sắm, giải trí của khách hàng trong nước, cũng như nhu cầu thưởng thức ẩm thực các món ngon châu Á của khách du lịch quốc tế. Bà Nguyễn Thị Tranh, Tổng Giám đốc Công ty SCID, cho biết trong thời gian tới, mô hình này có thể triển khai và phát triển tốt tại TPHCM.

Trong bối cảnh các DN bán lẻ đang tìm mọi cách để “nối dài cánh tay” nhằm kéo khách hàng, thì tại các chợ truyền thống đang mất dần sức cạnh tranh của mình. Chị Kim Vân, từng là chủ một sạp vải lớn tại chợ An Đông, cho hay đã có thời điểm chị phải thuê tới 5 người phụ bán vải. Nhưng gần đây, mãi lực xuống dốc không phanh nên chị Vân tìm cách sang sạp cho người khác để cắt lỗ. Tương tự, nhiều tiểu thương tại chợ Bến Thành cũng cho rằng, hầu hết các chủ sạp hiện nay đều tham gia vào việc bán hàng để “lấy công làm lời”. “Có những ngày không có khách nào đến mua mở hàng khiến tôi bị sốc nặng, nhưng nay tình trạng này đã trở nên phổ biến. Phải đối mặt với thực tế thôi!”, chị Ngọc, chủ sạp hàng mỹ phẩm số 701 ở chợ Bến Thành, nói.

Khó khăn là vậy, song sức mua ở khu vực các chợ loại 1 vẫn được xem là khá tốt, còn tại các chợ loại 2, loại 3 của TP, sức mua yếu hơn nhiều, hiện chỉ còn mỗi ngành hàng thực phẩm tươi sống, hàng tạp hóa là hoạt động xuyên suốt. Điển hình như trường hợp chợ Văn Thánh được xây dựng và đưa vào sử dụng từ nhiều năm qua nhưng ngôi chợ này lại rơi vào tình trạng “trong vắng, ngoài đông”. Hầu hết tiểu thương ở ngành hàng thực phẩm tươi sống đều đã “bỏ chợ” để ra ngoài tìm điểm bán, còn các ngành hàng khác thì lác đác chỉ có một vài người kinh doanh.

Khi chúng tôi hỏi, có khi nào nghĩ đến việc chuyển đổi mô hình từ hộ kinh doanh lên DN? Câu trả lời nhận được đều cho rằng, cơ hội đó đã qua nhiều năm rồi, nay họ chỉ lo bán hàng thật gọn nhẹ để có thể tự trả lương cho… chính mình.

Uyển Chi

Tin cùng chuyên mục