Ba mục tiêu được khẳng định trong Tuyên bố chung là: “đạt được phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”, “thiết lập quan hệ Mỹ - Triều Tiên mới” và “xây dựng một cơ chế hòa bình lâu dài và ổn định trên bán đảo Triều Tiên”. Tuyên bố chung này đưa ra những đường lối chỉ đạo cho các cuộc đàm phán tiếp sau đó giữa Triều Tiên và Mỹ.
Tuy nhiên, do thiếu lòng tin, nên các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa Mỹ - Triều Tiên, nhằm mục tiêu duy trì tiến bộ đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh Singapore, đã không diễn ra tốt đẹp. Cả hai bên đều bám lấy lập trường bất đồng căn bản liên quan đến định nghĩa về “phi hạt nhân hóa”. Theo trang tin Chinafocus, Triều Tiên tin rằng điều đó có nghĩa là phi hạt nhân hóa toàn bộ bán đảo Triều Tiên, trong đó có vũ khí hạt nhân mà Mỹ triển khai ở Hàn Quốc và Nhật Bản và việc xây dựng “khu vực phi hạt nhân ở Đông Bắc Á” trong tương lai. Tuy nhiên, Mỹ cho rằng việc “phi hạt nhân hóa” chỉ áp dụng với Triều Tiên. Kịch bản có lợi nhất đối với Mỹ là phi hạt nhân hóa Triều Tiên khi ông Donald Trump kết thúc nhiệm kỳ đầu tiên vào tháng 1-2021.
Do hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất thiếu nhiều chi tiết về tiến trình phi hạt nhân hóa, nên mọi chú ý nay đều dồn về thỏa hiệp có thể có giữa hai bên, chẳng hạn như phản ứng “có qua có lại” từ phía Mỹ nếu Triều Tiên sẵn sàng đóng cửa các cơ sở hạt nhân của họ. Với những diễn biến diễn ra trước thềm hội nghị, giới quan sát cho rằng hai bên sẽ đạt được một thỏa thuận cả gói trên quy mô nhỏ, định rõ lộ trình và thời gian biểu ban đầu cho kế hoạch “phi hạt nhân hóa để đổi lấy an ninh”. Như vậy, có lẽ Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 diễn ra sẽ đạt được bước tiến nhất định, làm cho Mỹ và Triều Tiên trở nên gần gũi hơn. Điều được kỳ vọng nhất là sự phối hợp giữa hai nước sẽ dẫn đến việc Triều Tiên dỡ bỏ hết lò phản ứng cũ ở Yongbyon và địa điểm phóng thử ở Tonchhanni, cũng như có thể chuyển giao cho Mỹ danh sách các cơ sở hạt nhân của họ. Sau đó, ông Donald Trump và ông Kim Jong-un sẽ tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên và Mỹ sẽ không ngăn cản việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với bất kỳ dự án nào.
Ngoài vấn đề hạt nhân, điểm mấu chốt mà dư luận đang theo dõi là liệu Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 có kết thúc với việc tạm dừng cuộc tập trận quân sự chung giữa Mỹ và Hàn Quốc hay không. Tổng thống Donald Trump từng tuyên bố vấn đề này là không thể thương lượng, điều có thể nhận thấy từ các phát biểu của ông sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên tại Singapore. Trên thực tế, tất cả các biện pháp mà Mỹ yêu cầu Triều Tiên thực hiện phải là không thể đảo ngược, trong khi đó tất cả các cam kết của Mỹ lại có thể đảo ngược. Điều đó có nghĩa là một khi Triều Tiên vi phạm thỏa thuận để tái khởi động chương trình hạt nhân, Mỹ có thể lập tức áp đặt các biện pháp trừng phạt khắt khe hơn đối với họ và tiến hành các cuộc tập trận quân sự Mỹ - Hàn Quốc quy mô lớn hơn.
Phải thừa nhận rằng cho đến nay, ông Donald Trump có thể là Tổng thống Mỹ đầu tiên sẵn sàng đối thoại và đàm phán trực tiếp với Triều Tiên. Do đó, ông Kim Jong-un có thể hiểu rằng đây là cơ hội hiếm có để giải quyết vấn đề hạt nhân và củng cố vai trò lãnh đạo của mình. Theo trang mạng ippreview, bất luận Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 có kết quả ra sao, Triều Tiên nhiều khả năng sẽ tiếp tục con đường phát triển kinh tế. Ở hội nghị thượng đỉnh Mỹ -Triều Tiên ở Singapore, ông Kim Jong-un đã cố gắng gửi đi tín hiệu mạnh mẽ tới Hàn Quốc, Trung Quốc và Mỹ cho thấy quyết tâm của nước này trong việc phát triển kinh tế. Với chính sách “cây gậy và củ cà rốt” của Trung Quốc và sự hỗ trợ của Hàn Quốc, Triều Tiên được khích lệ nhiều hơn để đạt được tiến triển tại hội nghị lần này.