Nhiều vấn đề nóng của văn chương một lần nữa được đưa ra thảo luận, mổ xẻ, nhằm đưa ra cái nhìn chân xác hơn về văn học đương đại.
Xin… đừng tặng thơ
Nhà thơ Vũ Quần Phương ngậm ngùi đọc 2 câu thơ được truyền trong giới: “Gặp nhau tay bắt mặt mừng. Tặng gì thì tặng xin đừng tặng thơ” và kết luận, làm thơ đã trở thành niềm say mê của cả cộng đồng nhưng việc đọc thơ sao lại im ắng quá, đó là nghịch lý đang hiện hữu.
Mặt bằng chung của thơ đương đại, về hiện tượng thơ thì nhiều mà tác phẩm có chất lượng, đi vào lòng công chúng lại ngày càng hiếm… “Sau những than vãn bạn đọc ngoảnh mặt với thơ, người sáng tác cũng nên đối diện với sự thật là nhà thơ đã quan tâm đúng điều bạn đọc quan tâm chưa?”, nhà thơ Vương Trọng thẳng thắn nhận định. Thời kỳ thông tin đại chúng, giữa một đại dương mênh mông các tác phẩm thơ, các nhà thơ, việc tìm ra một tác giả thơ nổi bật, đại diện cho văn chương nước nhà, tác giả tiên phong trong sáng tạo như “mò kim đáy bể”…
Nhà thơ Mai Nam Thắng cố tìm trong ngồn ngộn những thi phẩm đa thanh, đa sắc, để dẫn ra những câu thơ hay, những tứ thơ độc đáo về tình yêu, nỗi đau, nỗi buồn, sự cô đơn bản thể... Còn nhà thơ Mai Nam Thắng cho rằng, đó là sự dễ dãi của thơ ca, khán giả mỏi mòn trông đợi những bài thơ, tập thơ thực sự đem đến những nỗi niềm lớn, những chia sẻ tha nhân, những quan tâm thấm đẫm tâm can của đông đảo công chúng và tìm kiếm những cảm hứng liên quan đến số phận dân tộc, đời sống xã hội... thì lại càng hiếm. Đó là điều đáng tiếc của thơ trẻ hôm nay. Thơ ca phải thấm đẫm tinh thần dân tộc và mang tính nhân loại sâu sắc thì mới có sức sống và có đất sống. Điều đó đòi hỏi nhà thơ trước hết phải là một công dân trách nhiệm. Đất nước, cộng đồng phải là mối quan tâm lớn nhất của nhà thơ.
Những con số biết nói…
Không nở rộ như thơ, nhưng tiểu thuyết, thể loại vẫn luôn được coi là một trong những thể loại “rường cột” của văn học, một hình thức nghệ thuật đặc biệt có khả năng lưu giữ hình ảnh lịch sử và là chứng tích tâm hồn người Việt Nam, cũng lâm vào tình trạng “có rừng mà không thấy cây to” như tác giả Bùi Việt Sỹ nhận định. “Có lẽ vì thế mà vấn đề “Đổi mới tư duy tiểu thuyết” mặc dù được đặt ra từ cuộc hội thảo năm 2002 do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, nhưng đến nay vẫn đầy tính thời sự. Bởi 16 năm qua, tiểu thuyết Việt Nam tuy có nhiều đóng góp và đổi mới ở nhiều phương diện, nhưng tư duy tiểu thuyết cũng như sự cách tân vẫn chưa có những chuyển biến đáng kể”, nhà thơ Hữu Thỉnh chia sẻ. Giải thưởng hàng năm của Hội Nhà văn Việt Nam vẫn hiếm những tiểu thuyết được tôn vinh. Qua năm cuộc thi tiểu thuyết (từ 1998 đến nay) đã có gần 1.000 tiểu thuyết được in ra hoặc còn trong dạng bản thảo. Đó là một con số biết nói. Nhưng vì sao gần 20 năm đầu thế kỷ XXI, tiểu thuyết tuy tăng trưởng về số lượng nhưng chất lượng chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu chính đáng của công chúng. Phải chăng vấn đề cốt yếu vẫn là “đổi mới tư duy tiểu thuyết”?
Nhà văn Lê Thành Nghị nhắc lại một quan niệm của nhà văn Ma Văn Kháng đúc kết: “Tiểu thuyết là một bí ẩn”. Theo ông, tiểu thuyết - một thể loại có quá nhiều ngẫu nhiên ngoại biệt, đôi khi không chiều theo quy luật, chứa rất nhiều những may rủi, tình cờ; một cuộc truy tìm cái đẹp vật vã trần thế nhưng cũng rất siêu thoát thăng hoa, nhưng không phải cứ muốn là được… “Người đọc tiểu thuyết không chỉ theo dõi một câu chuyện qua sự dẫn dắt bằng ngôn từ nghệ thuật điêu luyện, mà còn qua câu chuyện, họ muốn được rút ra bài học nhân sinh sâu sắc nào đó, có thể là từ ý nghĩa triết lý của câu chuyện, có thể là vấn đề đạo đức thiết thân với mỗi con người, có thể là bài học về nhân cách con người”, nhà văn Lê Thành Nghị nhấn mạnh.
Cùng chia sẻ góc nhìn này, nhiều ý kiến đồng tình khi cho rằng, khác với truyện ngắn hay những thể loại văn học khác, tiểu thuyết cần một cường độ lao động đặc biệt. Viết tiểu thuyết thật sự là cuộc vật lộn đi tìm cái đẹp. Đổi mới tư duy tiểu thuyết chính là đổi mới tư duy của người viết, là lấy con người làm đích cuối cùng cho mọi sáng tạo nghệ thuật.
Không chỉ tiểu thuyết, thơ mà cả nền văn học nói chung đang trong cuộc cạnh tranh sinh tử với truyền hình, điện ảnh và đang bị đẩy xa khỏi vị trí trung tâm văn hóa. Mối trăn trở tiểu thuyết đang đi về đâu là một câu hỏi lớn không dễ trả lời ngay lập tức. Những tiếng chuông báo động cũng được gióng lên khi thực tế một cuốn tiểu thuyết dù hay nhưng in ra với số lượng 1.000 bản không dễ bán hết trong một năm... Nhà phê bình Bùi Việt Thắng tin rằng: “Tương lai của tiểu thuyết, tiểu thuyết đang đi về đâu nằm chính trong tay các nhà văn!”. Trong khi nhà thơ Lê Thành Nghị cũng một mực khẳng định: “Mặc dù ta biết nền văn chương quốc gia nào cũng có những nhà văn già lỗi lạc. Nhưng trẻ bao giờ cũng là một tồn tại cường tráng cho hiện tại và tương lai…”.