Theo kế hoạch, hôm nay 13-1, Bộ VH-TT-DL, Tổng cục TDTT, LĐBĐ Việt Nam (VFF) và Công ty VPF, điều hành V-League, sẽ cùng tham gia trả lời những câu hỏi đến từ cộng đồng bóng đá trong cuộc đối thoại theo sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Sự kiện này được kỳ vọng là “Hội nghị Diên Hồng” thật sự của bóng đá Việt Nam sau vô số các cuộc hội thảo khác từng được tổ chức nhưng không đi được đến đâu.
Khác biệt nằm ở chỗ, các cuộc hội thảo trước đây về bóng đá mất quá nhiều thời gian để nêu vấn đề, thiếu các giải pháp và hoàn toàn không có hình thức giám sát quá trình giải quyết những vấn đề được nêu. Ngược lại, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lần đối thoại này không đặt ra các vấn đề quá rõ ràng mà ai cũng thấy ở bóng đá Việt Nam hiện nay, thay vào đó là những câu hỏi và các cơ quan có trách nhiệm với nền bóng đá phải có câu trả lời cũng như phương án thực hiện. Nói cách khác, đây là hình thức “truy đến cùng” trách nhiệm của các đơn vị quản lý, điều hành, qua đó giúp cho quá trình giám sát cũng minh bạch hơn.
Tổng hợp từ các câu hỏi, bóng đá Việt Nam hiện đang có 3 nhóm vấn đề chính cần giải quyết. Thứ nhất, đó là sự vận hành của “xương sống nền bóng đá”, tức là V-League. Giải đấu này đang đi ngược thông lệ chung của thế giới khi mà số lượng CLB nhiều gấp đôi so với các giải thấp hơn, tạo nên một hình tháp ngược. Vì số CLB nhiều nên chi phí tổ chức giải tốn kém, khán giả lại không đến sân và doanh thu từ bán vé không đáng kể. Rõ ràng, V-League đang phát triển không bình thường.
Thứ hai, là gốc rễ của nền bóng đá: hệ thống đào tạo. Hiện các CLB đang tham gia V-League về lý thuyết đều có đủ các tuyến trẻ theo quy định nhưng nghịch lý là họ chỉ tham gia các giải đấu trẻ quốc gia theo kiểu chiếu lệ, phần trách nhiệm tìm kiếm tài năng gần như “khoán trắng” cho các “lò” đào tạo bóng đá vốn chỉ mang chức năng “dạy” chứ không phải “hành”. Vì điều này mà có nhiều tài năng trẻ ở tuổi U.17, U.19 hoàn toàn mất dạng sau giai đoạn trưởng thành.
Cuối cùng, đó là tầm nhìn chiến lược của Tổng cục TDTT và VFF, 2 cơ quan tham mưu cho Chính phủ các vấn đề về bóng đá. Nếu như chúng ta đang có các đội U.16, U.19 vươn lên đẳng cấp châu Á thì cấp độ U.23 và đội tuyển quốc gia, trình độ chỉ mới dừng lại ở tốp 4 Đông Nam Á. Khả năng hoàn thành mục tiêu lọt vào tốp 20 năm 2020 và tốp 10 châu Á năm 2030 như Chiến lược phát triển bóng đá mà Chính phủ đã phê duyệt gần như không thể. Từ năm 2009 đến nay, đã có đến 3 lần đội tuyển bị loại ngay từ vòng bảng SEA Games và AFF Cup. Nhiều ý kiến cho rằng, việc đặt nặng thành tích tại các giải đấu khu vực khiến cho tầm nhìn của bóng đá Việt Nam bị hạn chế, tác động xấu đến quá trình đầu tư của các CLB cũng như hệ thống đào tạo. Nói cách khác: “đỉnh” không cao thì không có lý do gì xây “chân đế” cho to.
Tóm lại, điểm chung của 3 vấn đề trên đó là về mặt hình thức thì đúng bài bản nhưng quá trình thực hiện thì luôn theo kiểu “giật gấu vá vai” và nặng căn bệnh thành tích. Nó là hệ quả của việc có quá nhiều người nói nhưng ít người làm trong bộ máy quản trị nền bóng đá hiện tại.
Với việc có đến 6 đội tuyển tham dự các VCK châu Á trong năm 2018, rõ ràng bóng đá Việt Nam có nhiều tiềm năng. Những vấn đề tồn tại cũng đã được nhận diện một cách chính xác. Các nguồn lực xã hội và mối quan tâm của Đảng, nhà nước, người dân cho thấy bóng đá vẫn là môn thể thao số 1, cái cần thiết bây giờ là tìm ra những người có đủ khả năng giải quyết các câu hỏi cũng như một bộ máy giám sát đủ mạnh để thúc đẩy tiến trình đó một cách cụ thể hơn. Hy vọng tại cuộc đối thoại lần này, sẽ có những câu trả lời thẳng thắn, bởi có như vậy thì mới xác định được đâu là cơ quan chịu trách nhiệm chính và đâu sẽ là những người sẽ thực hiện công việc hậu đối thoại.