Chặng đua cuối cùng vào Nhà Trắng

Cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton đã chấp nhận sự đề cử của đảng Dân chủ, trở thành ứng viên tổng thống chính thức của đảng Dân chủ vào sáng 29-7 (giờ Việt Nam). Đây cũng là thời điểm đánh dấu giai đoạn nước rút trong cuộc đua vào Nhà Trắng, khi cả 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa đều có các ứng viên chính thức.
Chặng đua cuối cùng vào Nhà Trắng

Cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton đã chấp nhận sự đề cử của đảng Dân chủ, trở thành ứng viên tổng thống chính thức của đảng Dân chủ vào sáng 29-7 (giờ Việt Nam). Đây cũng là thời điểm đánh dấu giai đoạn nước rút trong cuộc đua vào Nhà Trắng, khi cả 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa đều có các ứng viên chính thức.

Cùng nhau mạnh mẽ hơn

Theo CNN, phát biểu trong đêm bế mạc Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ lần thứ 48 ở thành phố Philadelphia, bang Pensylvania, bà Hillary Clinton tuyên bố chấp nhận sự đề cử làm ứng viên tổng thống, đồng thời cảnh báo cử tri cả nước đang đối mặt với “thời khắc phán xét” nghiêm trọng về nguy cơ suy thoái kinh tế, bạo lực và khủng bố. Tuy nhiên, bà Clinton cam kết nước Mỹ “tiến bộ là điều khả thi” khi cho rằng sẽ dùng năng lực của mình để thực hiện điều đó. Bà Clinton khẳng định: “Chúng ta sẽ phải quyết định rằng tất cả cùng nhau làm việc mới cùng tiến lên”. Đó cũng chính là câu phương châm mới trong chiến dịch tranh cử sắp tới “Cùng nhau mạnh mẽ hơn” (Stronger together). Bà Clinton cam kết, nếu trở thành Tổng thống Mỹ sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm với mức lương cao hơn; không quan tâm đến việc tước quyền sở hữu súng của người dân nhưng muốn ban hành những cải cách để ngăn chặn những vụ xả súng. “Chúng ta phải hàn gắn sự chia rẽ trong đất nước, không chỉ về vấn đề súng mà còn về chủng tộc, nhập cư và nhiều hơn nữa”, bà Clinton nói.

Bà Hillary Clinton và ông Tim Kaine, ứng viên tổng thống và phó tổng thống đảng Dân chủ

Phản bác lại quan điểm của đối thủ về tôn giáo và nhập cư, bà Clinton tuyên bố nếu trở thành tổng thống bà sẽ không cấm tôn giáo nào và cũng không xây dựng tường để ngăn người nhập cư. Bà Clinton cho rằng, ông Trump muốn người Mỹ lo sợ về tương lai và sợ hãi lẫn nhau nhưng nước Mỹ biết làm gì trước những thách thức như đã từng làm. Bà Clinton nói: “Chúng tôi sẽ tạo điều kiện để hàng triệu người nhập cư có khả năng trở thành công dân Mỹ, đóng góp vào nền kinh tế”.

Theo bà Clinton, bản tính dễ bị khiêu khích của ông Trump khi bị phóng viên hỏi câu hỏi hóc búa sẽ không thích hợp để trở thành tổng thống. “Hãy tưởng tượng, ông ấy ở trong Phòng Bầu dục phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng thực sự. Một người đàn ông như thế không phải là một người có thể tin tưởng để làm chủ các loại vũ khí hạt nhân”, bà Clinton nói.

Cử tri Mỹ khao khát thay đổi

Theo báo Washington Post, mặc dù được cho là người có nhiều kinh nghiệm trong chính trường so với ứng viên Tổng thống Donald Trump nhưng bà Clinton vẫn gặp nhiều bất lợi vì bà vẫn là người đại diện cho một trật tự chính trị cũ trong thời điểm các cử tri Mỹ khát khao thay đổi. Hơn nữa, nhiều người lo ngại bà Clinton sẽ tiếp tục hầu hết tất cả chính sách của Tổng thống Barack Obama.

Ngoài ra, vấn đề sử dụng e-mail cá nhân khi còn là Ngoại trưởng Mỹ cũng là một tì vết của bà Clinton. Vấn đề này không được đề cập trong bài phát biểu chấp nhận đề cử của bà khi mà FBI từng kết luận rằng hành động của bà Clinton là “cực kỳ bất cẩn”. Theo ông Kyle Kondik, chuyên gia chính trị tại Đại học Trung tâm Virginia, một câu hỏi dai dẳng với cử tri Mỹ về vấn đề sử dụng e-mail cá nhân lẽ ra phải được đề cập đến trong bài phát biểu của bà Clinton. “Tôi không nghe thấy bất kỳ kiểu thừa nhận nào về vấn đề này”, ông Kondik nói với AP.

Sau bài phát biểu của bà Clinton, ông Trump gửi một loạt các tin nhắn Twitter, trong đó có nói rằng bà không thích hợp để trở thành tổng thống vì những gì ông gọi là “từ chối đề cập đến vấn đề Hồi giáo cực đoan” khi bà Clinton chủ trương cho phép nhiều người tị nạn vào Mỹ. Theo ông Trump, người Hồi giáo cực đoan đang là mầm móng của nhiều bất ổn trong xã hội Mỹ nhưng bà Clinton lại không nói đến một từ.

THỤY VŨ tổng hợp

Tin cùng chuyên mục