Nhiều câu hỏi day dứt về nợ công

Nhiều câu hỏi xung quanh dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) đã được nêu ra tại phiên họp sáng 20-3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH).

(SGGPO).- Nhiều câu hỏi xung quanh dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) đã được nêu ra tại phiên họp sáng 20-3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH).

Chưa rõ trách nhiệm, thẩm quyền trong chuỗi vay – trả nợ công

Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách (TCNS) Nguyễn Đức Hải cho biết, Thường trực Ủy ban TCNS nhận thấy, về cơ bản, nội dung của dự thảo luật đã thể hiện tương đối bao quát các vấn đề liên quan đến quản lý nợ công, luật hóa nhiều nội dung hiện đang được quy định tại các văn bản dưới luật, các quy định về cơ bản phù hợp thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, đối chiếu với yêu cầu đặt ra, với tính chất là đạo luật điều chỉnh nội dung phức tạp, liên quan trực tiếp đến việc huy động, quản lý sử dụng các nguồn lực, đến an ninh tài chính quốc gia, Thường trực Ủy ban TCNS cho rằng, một số vấn đề cần được tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh.

Trong đó, để đáp ứng yêu cầu quản lý nợ công trong tình hình mới, dự án Luật cần phân định rõ hơn thẩm quyền, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong quy trình quản lý, giám sát, phân bổ, sử dụng, trả nợ, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng quản lý nợ công. Đồng thời, cân nhắc, bổ sung các quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan quản lý; đối tượng, điều kiện cấp bảo lãnh, kiểm soát rủi ro đối với bảo lãnh Chính phủ, vay về cho vay lại vốn vay nước ngoài; giám sát sử dụng vốn vay; phương thức, điều kiện tái cơ cấu nợ...

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải

“Nhiều quy định quan trọng khác cũng chưa được luật hóa như các nội dung liên quan đến vốn đối ứng cho các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ, phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương”, Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh. Luật tiếp tục giao Chính phủ quy định nhiều nội dung như cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ, hướng dẫn cho vay lại, cơ chế quản lý Quỹ tích lũy trả nợ, cho vay lại chính quyền địa phương từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ trong khi lẽ ra cần cụ thể hóa, quy định này trong Luật các nội dung này.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp  Lê Thị Nga bày tỏ băn khoăn: “Từ khi có Luật Quản lý nợ công 2009 đến nay, nợ công không những không giảm mà còn tăng nhanh. Như thế là do luật có vấn đề hay do thực hiện luật? Luật lần này có giải quyết được tình trạng đó không? Lâu nay vẫn tồn tại sự tranh cãi rất lớn về cách tính nợ công. Nhiều khoản không nằm trong 3 loại đã quy định, nhưng Nhà nước vẫn phải trả tới đây có tính vào nợ công hay không”?

Trách nhiệm, thẩm quyền của các ngành quản lý nhà nước, tạo ra “sự chia cắt trong quản lý, giám sát vốn vay ODA” cũng là vấn đề bà Lê Thị Nga và nhiều ủy viên UBTVQH quan tâm.

Không tính nợ DNNN tự vay tự trả

Công nhận thực tế rất bức xúc là áp lực nợ công ngày càng lớn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải thích về bất cập này: “Chúng ta quyết chi tiêu theo nhu cầu, trong khi năng lực tăng trưởng thấp; số nợ tuyệt đối vẫn thế, nhưng tỷ lệ nợ tăng nhanh”. Theo người đứng đầu ngành tài chính, tỷ lệ bội chi được quyết định trên cơ sở dự toán tăng trưởng GDP, dự toán nguồn thu, nhưng dự toán này nhiều năm qua luôn thấp hơn thực tế; trong khi giải ngân ODA thực tế lại luôn cao vượt mức. “Đúng là có sự chia cắt trong quyết định, giám sát ODA cho nên nhiều khi ngành tài chính phải lo khắc phục hậu quả”, ông Đinh Tiến Dũng thẳng thắn.

Liên quan đến cách tính nợ công, ông Đinh Tiến Dũng nói: “Các khoản Chính phủ vay về cho vay lại sẽ tính là nợ công; riêng các khoản tự vay tự trả của DNNN mà không trả được thì có thể cho DN phá sản theo luật định và Chính phủ chỉ chịu trách nhiệm về phần mà Chính phủ bảo lãnh”. Cũng theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, đa số nước được tham khảo cũng không tính nợ của DNNN vào nợ công (trong 40 nước chỉ 4 nước có tính, nhưng họ cũng chỉ tính nợ của những DN công ích, thuần túy thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao và kinh phí hoạt động được đưa vào dự toán NSNN).

ANH PHƯƠNG 

Tin cùng chuyên mục