Công nhân lo lắng về bữa ăn giữa ca

Sáng 16-3, đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM cùng thường trực HĐND TPHCM đã có buổi gặp gỡ, tiếp xúc với hơn 100 cử tri thanh niên công nhân (CN) đang làm việc tại các doanh nghiệp trong các KCX-KCN trên địa bàn TPHCM và trên địa bàn quận Bình Tân, huyện Bình Chánh.

(SGGPO). – Sáng 16-3, đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM cùng thường trực HĐND TPHCM đã có buổi gặp gỡ, tiếp xúc với hơn 100 cử tri thanh niên công nhân (CN) đang làm việc tại các doanh nghiệp trong các KCX-KCN trên địa bàn TPHCM và trên địa bàn quận Bình Tân, huyện Bình Chánh.

Tham dự buổi tiếp xúc còn có đại diện các sở, ban, ngành TPHCM.

Đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm thăm hỏi thanh niên công nhân

"TPHCM phát triển được như ngày hôm nay, có sự đóng góp của hơn 1 triệu anh chị em CN đang chung sức xây dựng thành phố. Bên cạnh đó, việc một phần lớn CN là người ở các tỉnh, thành về TPHCM lao động, sinh sống hiện đang gặp rất nhiều khó khăn về nơi ăn ở, điều kiện sinh hoạt… Câu hỏi luôn được Thường trực HĐND TPHCM đặt ra với các cấp lãnh đạo TPHCM là làm sao cho cuộc sống của CN được tốt hơn, đầy đủ hơn?" - Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm mở đầu câu chuyện gặp gỡ.

Tại buổi tiếp xúc, các ý kiến CN đều xoay quanh các vấn đề bức thiết của đời sống, sản xuất như vệ sinh an toàn lao động, đảm bảo sức khỏe và các quyền lợi thiết thân của CN như nhà ở, an toàn vệ sinh thực phẩm, BHXH, BHYT.

Được nói lên chính kiến của mình, nhiều CN lao động tại huyện Bình Chánh cho rằng hiện nay bữa ăn giữa ca tại các doanh nghiệp chưa đảm bảo chất lượng dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm. “Sức khỏe của CN chúng em phụ thuộc rất lớn vào chất lượng bữa ăn giữa ca. Mặc dù hiện nay doanh nghiệp đã thực hiện bữa ăn giữa ca nhưng chất lượng không đồng đều làm ảnh hưởng đến sức khỏe CN. Chúng em rất mong các cấp lãnh đạo quan tâm nhiều hơn đến việc kiểm tra giám sát, có quy định pháp luật cụ thể về chất lượng bữa ăn giữa ca để doanh nghiệp thực hiện nghiêm đồng thời cho CN tham gia giám sát” – chị Phan Thị Liên - CN Công ty Quạt Việt Nam nêu nguyện vọng.

Các ý kiến của nhiều CN khác cũng bày tỏ sự lo lắng về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, bởi nó liên quan trực tiếp đến bữa ăn hằng ngày của CN. Với đồng lương ít ỏi, sau giờ làm việc nhiều CN buộc phải mua rau, mua cá ở chợ lề đường và không thể mong các sản phẩm này có được chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Nguyện vọng của CN là mong muốn có hiều hơn các siêu thị mini tại huyện Bình Chánh cũng như khu vực có đông CN.

Qua phản ảnh của CN, đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị các cơ quan liên quan cũng như LĐLĐ TPHCM phải thường xuyên kiểm tra chất lượng vệ sinh tại các bếp ăn công nghiệp, cũng như các bếp ăn tại doanh nghiệp để đảm bảo sức khỏe cho người lao động.

Anh Nguyễn Tiến Dũng - CN Công ty Giày Vĩnh Phong cho rằng vấn đề khám sức khỏe hàng năm cho CN lao động doanh nghiệp có thực hiện, tuy nhiên anh mong muốn có quy định bắt buộc thêm trong chương trình khám sức khỏe định kỳ CN được hỗ trợ làm thêm một số xét nghiệm để tầm soát các bệnh nguy hiểm để CN có thể sớm phát hiện và điều trị kịp thời.

Liên quan đến nhà ở xã hội, CN Bùi Cẩm Tiên cho biết bản thân 2 vợ chồng là CN hơn 10 năm, tích lũy được ít tiền nhưng vẫn không thể mua nhà với giá cao như hiện nay. “Em đọc báo thấy Bí thư Thành ủy có quyết tâm thực hiện xây nhà ở giá rẻ cho CN, chúng em rất mừng. Tuy nhiên, chúng em rất mong lãnh đạo thành phố sớm triển khai thực hiện, cho CN mua trả góp hàng tháng trong vòng từ 10 đến 15 năm với số tiền đóng phù hợp với thu nhập của người CN để ước mơ có được căn nhà của chúng em thành hiện thực” – chị Cẩm Tiên nêu nguyện vọng.

Đỗ Ngọc Hân - CN Công ty Đỉnh Cao (quận Bình Tân) cho biết thu nhập bình quân của CN hiện nay chỉ khoảng 4,5 triệu đồng/người/tháng. Mức lương này về cơ bản chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của bản thân và gia đình nói chi đến chuyện tích lũy mua nhà ở. Đảng và Nhà nước quan tâm đến việc xây dựng nhà ở xã hội cho người lao động là rất phù hợp với nguyện vọng của CN. Vì vậy, tôi kiến nghị thành phố có thêm nhiều giải pháp thực hiện cải cách chế độ tiền lương để CN có thể tích lũy mua nhà khi có thể. Bởi nhiều CN phải mất gần ½ tháng lương cho việc thuê nhà ở.

Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Trần Trọng Tuấn khẳng định: Nhu cầu chỗ ở của CN rất lớn, trong khi khả năng tài chính của CN lại eo hẹp mà nhiều khu có diện tích từ 40 m2 trở lên có giá thành từ 350 triệu/căn. Vấn đề đặt ra, thành phố có xây được những căn nhà 100 triệu hay không? Vì vậy, Sở đã tham mưu cho thành phố để làm được những khu nhà này (có diện tích 25m2/căn). Sắp tới TPHCM sẽ triển khai những dự án này tại huyện Nhà Bè, Bình Chánh. “TPHCM đã và đang thi công 30 dự án nhà ở xã hội với qui mô khoảng 45.000 căn và đến năm 2020 sẽ hoàn thành khoảng 30.000 căn với nhiều diện tích, mức giá và các tiện ích xã hội khác phù hợp với thu nhập của CN ”- Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Trần Trọng Tuấn cho biết.

Về vấn đề tăng ca, anh Phan Kim (Công ty Phú Đạt, huyện Bình Chánh) phản ánh hiện nay thời gian làm việc tăng ca tại công ty anh cũng như nhiều công ty khác khá nhiều. Có nhiều ngày phải làm đến hơn 20 giờ đêm. Điều này khiến CN không còn nhiều thời gian để nghỉ ngơi tái tạo sức lao động, học tập, giải trí hay dành cho gia đình. Tuy nhiên, nếu không tăng ca thì thu nhập không đủ sống. Thay mặt CN, anh Kim mong lãnh đạo thanh phố có chính sách giảm thời gian tăng ca nhưng vẫn đảm bảo thu nhập cho CN.

Cảm ơn lãnh đạo thành phố đã dành thời gian cho CN nói lên tâm tư nguyện vọng của mình, chị Ngô Thị Mỹ Kha, CN Công ty TNHH Lạc Tỷ cho rằng Luật Lao động năm 2012 đã xây dựng một chương những quy định riêng đối với lao động nữ về thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, tiền lương, chế độ thai sản… đảm bảo việc làm cho lao động nữ. Nhưng thực tế, vẫn còn tình trạng một số doanh nghiệp hạn chế tuyển dụng lao động nữ vì chi phí doanh nghiệp tăng cao do phải thực hiện các chế độ, chính sách đối với lao động nữ.

Chị Thanh kiến nghị khi sửa đổi Luật Lao động cần quy định chính sách ưu tiên đối với tuyển dụng lao động nữ trong doanh nghiệp, cũng như các chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp có đông lao động nữ.

Nhiều CN cũng bức xúc vấn đề BHXH, BHYT khi chủ doanh nghiệp bỏ trốn. CN Lê Thị Gấm phản ánh trên địa bàn quận Bình Tân hiện nay có tình trạng một số doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, thua lỗ, chủ doanh nghiệp bỏ trốn nhưng không giải quyết các chế độ cho người lao động. Việc xử lý tài sản của doanh nghiệp để giải quyết kịp thời các chế độ lương, BHXH cho người lao động còn gặp nhiều khó khăn.

Đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến đóng góp của thanh niên CN gửi đến Thường trực HĐND TPHCM. Những ý kiến của thanh niên CN sẽ được HĐND TPHCM ghi nhận và gửi đến các cơ quan chức năng giải quyết và sẽ có chương trình giám sát.

“Riêng việc xây dựng các khu nhà ở xã hội, nhà giá rẻ, đảm bảo quyền lợi về trường học cho con CN và các chế độ BHXH, BHYT, các sở, ngành cần phải triển khai nhanh và có sự giám sát chặt chẽ. Đây không chỉ là nhiệm vụ mà còn là tình người trong xã hội” – đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh.


Thái Phương

Tin cùng chuyên mục