Cụ thể hóa giải pháp đột phá để phát triển đường sắt

Bày tỏ nhất trí cao với việc hoàn thiện dự thảo Luật Đường sắt, trình Quốc hội tại kỳ họp tới, song các ý kiến tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sáng nay 15-3 đề nghị cụ thể hóa những giải pháp đột phá để phát triển đường sắt thành một phương thức giao thông chủ đạo.

(SGGPO).- Bày tỏ nhất trí cao với việc hoàn thiện dự thảo Luật Đường sắt, trình Quốc hội tại kỳ họp tới, song các ý kiến tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sáng nay 15-3 đề nghị cụ thể hóa những giải pháp đột phá để phát triển đường sắt thành một phương thức giao thông chủ đạo.

Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Vũ Hồng Thanh nhận định: “Ngành đường sắt vừa qua chưa được quan tâm đầu tư thích đáng, nhưng nội dung dự thảo lại chưa rõ các chính sách ưu đãi đầu tư. Đúng là cần có giải pháp đột phá, nhưng đột phá như thế nào? Nếu không nêu được cụ thể vào đây thì cũng phải xác định nguyên tắc rồi dẫn chiếu đến các luật liên quan như Luật Đất đai, Luật Đầu tư…”.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cũng bình luận: “Chính sách phát triển đường sắt nêu trong dự thảo lần này đã cố gắng cụ thể thêm một bước, nhưng vẫn còn chung chung với những từ ngữ kiểu “tập trung, chính sách, ưu tiên”… Chưa thấy rõ đột phá ở đâu”?

Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Vũ Hồng Thanh

Cung cấp thêm thông tin, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển sau đó cho biết, vốn đầu tư cho đường sắt giai đoạn 2005-2015 bình quân chỉ chiếm 4,4% so với toàn ngành giao thông vận tải (năm 2015, cơ cấu phân bổ vốn đầu tư lần lượt là: Đường sắt 1,6%; đường bộ 92,9%; đường thủy nội địa 1,9%; hàng hải 3,3%; hàng không 0,3%). Trong Nghị quyết 26/2016/QH14 ngày 10-11-2016 của Quốc hội về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, vốn bố trí cho đường sắt cũng rất hạn chế, thậm chí rất ít so với nhu cầu. “Tới đây khi phân bổ đầu tư trung hạn, rất cần phải tính toán, cân đối lại để phát triển đầy đủ, toàn diện cả các loại hình đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không”, ông nói.

Đáng lưu ý, vấn đề đảm bảo an toàn đường sắt, phòng tránh các vụ tai nạn đáng tiếc thường xảy ra tại các giao cắt giữa đường sắt với đường ngang dân sinh được nhiều Ủy viên UBTVQH cho ý kiến. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiéu niên và Nhi đồng, ông Phan Thanh Bình nói: “Dự luật có giao trách nhiệm cho chính quyền các địa phương trong vấn đề này. Vậy các địa phương có quyền lợi không, hay chỉ có trách nhiệm? Nếu chỉ trách nhiệm thì kinh phí được bố trí từ đâu”?

 Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga yêu cầu Bộ Giao thông – Vận tải tổng hợp, phân tích cụ thể các vụ tai nạn đường sắt có liên quan đến giao cắt dân sinh để có cơ sở quyết định chính xác. “5 năm qua xảy ra bao nhiêu vụ? Ở giao cắt nào, thuộc trách nhiệm của ai? Đã xử lý được những tổ chức cá nhân nào?”, bà Lê Thị Nga phát biểu. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng góp ý về việc dự thảo Luật có chỗ quá chung chung, nhưng cũng có chỗ lại quá cụ thể, dẫn đến không bao quát đầy đủ các trường hợp trong thực tế: “Dự thảo nghiêm cấm các hành vi “đi, đứng, nằm, ngồi” trên đường sắt, thế di chuyển bằng cách bò trên đường sắt thì có cấm không”?

Bày tỏ kỳ vọng 5-10 năm tới đường sắt sẽ trở thành một phương thức giao thông chủ đạo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, tỷ lệ đầu tư cho ngành này rất không tương xứng và cần phải thay đổi ngay khi xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm tới. Để giải quyết các “điểm đen” về an toàn đường sắt, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Hơn 4000 đường dân sinh trái phép mà vẫn để như vậy, chứng tỏ chế tài chưa nghiêm. Tới đây địa phương nào để mở đường dân sinh trái phép, gây tai nạn nghiêm trọng thì người đứng đầu thậm chí phải bị cách chức mới giải quyết được tình trạng này”.  Đồng ý dành cho đường sắt mức ưu đãi đầu tư, thuế… cao nhất, nhưng Chủ tịch Quốc hội lưu ý các cơ quan soạn thảo, thẩm tra phải dẫn chiếu sang các luật về đầu tư và thuế để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. 

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục