Tự chủ tài chính để tạo ra sản phẩm giáo dục chất lượng cao

Ngày 23-2, đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM đã có buổi làm việc với Sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM về tự chủ, xã hội hóa (XHH) và định hướng phát triển ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) thành phố đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030.
Tự chủ tài chính để tạo ra sản phẩm giáo dục chất lượng cao

Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng:

Ngày 23-2, đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM đã có buổi làm việc với Sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM về tự chủ, xã hội hóa (XHH) và định hướng phát triển ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) thành phố đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030.

Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng phát biểu tại buổi làm việc với Sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Mới có 5 đơn vị tự chủ đảm bảo chi phí hoạt động

Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, toàn TPHCM hiện có 2.168 cơ sở giáo dục (trong đó đơn vị công lập là 1360) với tổng số 1,76 triệu học sinh. Về tự chủ biên chế, tổ chức, năm 2016 ngành giáo dục thành phố mới có 14 trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, trường chuyên biệt, trường mầm non được phân cấp tuyển dụng.

Về tự chủ tài chính theo Nghị định 43/2006/ NĐ-CP, gần 100% đơn vị thực hiện tự chủ, nhưng tự chủ đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động chỉ có 5 đơn vị (chiếm 0,4%), còn lại mới tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động. Thực hiện chủ trương XHH giáo dục, những năm qua TPHCM đã huy động nhiều nguồn lực trong khối trường công lập để chăm lo, phát triển giáo dục. Trong đó, phụ huynh học sinh tự nguyện đóng góp bình quân hàng năm khoảng 450 tỷ đồng để hỗ trợ các hoạt động giáo dục, cải thiện cơ sở vật chất, mua sắm nhỏ...

Cùng với việc quan tâm tạo điều kiện cho các trường ngoài công lập phát triển, hoạt động hiệu quả, TPHCM đã thực hiện thí điểm mô hình trường học tiên tiến - chất lượng cao với mức học phí cao hơn, triển khai hiệu quả chương trình tích hợp dạy toán, các môn khoa học bằng tiếng Anh; đồng thời dạy tin học và ngoại ngữ theo chuẩn của quốc tế…

Tuy nhiên, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hồng Sơn cho rằng còn nhiều hạn chế, khó khăn trong thực hiện chủ trương tự chủ tài chính và XHH giáo dục tại TPHCM do chính sách, cơ chế còn thiếu, chưa đồng bộ, chậm hướng dẫn. Điều này khiến các trường công lập, giáo viên chưa phát huy hết khả năng, sự sáng tạo.

Thêm quyền cho các trường tự chủ tài chính

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hoài Nam cho rằng việc tự chủ tài chính hoàn toàn đối với các trường công lập rất khó khăn và TPHCM cần tháo gỡ về cơ chế, điều chỉnh mức thu học phí phù hợp với yêu cầu phát triển giáo dục. Với quy định mức thu học phí thấp như hiện nay và chỉ cho phép thu mức cao nhất là 400.000 đồng/học sinh/tháng thì các trường không thể tự chủ hoàn toàn về tài chính.

Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT TP cũng nêu nhiều vấn đề nan giải về áp lực tăng dân số cơ học quá nhanh nên tốc độ xây trường, lớp không theo kịp, sĩ số lớp học còn cao. Nhiều trường thiếu cơ sở vật chất để tổ chức học 2 buổi/ngày cũng như tăng cường các hoạt động ngoại khóa, dạy kỹ năng sống, rèn luyện thể lực cho học sinh… Đó là chưa kể nhiều giáo viên dạy tiếng Anh giỏi bậc tiểu học hoặc giáo viên trung học đạt chuẩn tiếng Anh theo khung tham chiếu châu Âu, nhưng không được trả lương cao hơn, xứng đáng với trình độ, năng lực đã bỏ nghề…

Lắng nghe các ý kiến và kiến nghị của ngành GD-ĐT TPHCM xung quanh vấn đề tự chủ - XHH, định hướng phát triển ngành đến giai đoạn 2020 - 2030, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng cho rằng đầu tiên cần xác định vai trò lãnh đạo của Sở GD-ĐT, sự chủ động của từng trường học và sau đó cần thành phố hỗ trợ điều kiện gì để đạt được các mục tiêu đặt ra. Không chỉ trăn trở vì thực tế học sinh thành phố vẫn còn thiếu điều kiện phát triển toàn diện do thiếu cơ sở vật chất, hay đã học 2 buổi nhưng vẫn phải học thêm, không còn thời gian vui chơi, giải trí, đồng chí Bí thư Đinh La Thăng còn lưu ý về tỷ lệ học sinh béo phì ở thành phố khá cao do học sinh ít rèn luyện thân thể.

Đồng chí Đinh La Thăng nhấn mạnh: Đầu tư cho giáo dục chính là đầu tư cho phát triển bền vững và trong điều kiện cho phép, TPHCM luôn ưu tiên đầu tư cho sự nghiệp giáo dục tốt nhất. Đẩy mạnh thực hiện tự chủ, XHH giáo dục để huy động các nguồn lực từ xã hội, tạo ra sản phẩm giáo dục chất lượng cao, đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, chủ trương này không được ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, gây xáo trộn tâm lý hoặc lo ngại, búc xúc cho phụ huynh học sinh. Như thế, phải thực hiện theo lộ trình tự chủ từng phần đến toàn phần trên cơ sở công khai, minh bạch, tạo được sự đồng thuận cao của xã hội, nhất là phụ huynh học sinh. Khi TPHCM có thêm nhiều trường tốt, chất lượng đào tạo đảm bảo thì mới thu hút được người học, kể cả các tỉnh, thành khác. Mục tiêu cuối cùng là sản phẩm giáo dục phải tốt hơn, đạt chuẩn và đời sống giáo viên cũng tốt hơn, thu nhập cao hơn.

Bên cạnh việc chỉ đạo các sở, ngành của TPHCM quan tâm tháo gỡ khó khăn về thực hiện cơ chế tự tài chính, nhân sự, điều chỉnh mức thu học phí phù hợp… tạo điều kiện thuận lợi cho ngành giáo dục thực hiện tự chủ, đồng chí Đinh La Thăng còn đề nghị Sở Tài chính cấp ngân sách ổn định để Sở GD-ĐT chủ động nguồn chi thường xuyên cho hoạt động giáo dục. Đồng thời, đồng chí Đinh La Thăng cũng yêu cầu ngành giáo dục nghiên cứu cơ chế, chính sách trả lương cho giáo viên, không cào bằng, phải đãi ngộ xứng đáng mới thu hút được người giỏi. Ngành phải có lộ trình giảm tải chương trình cho học sinh vì hiện nay các em phải học và thi quá nhiều. Từ nay đến năm 2020 chấm dứt dạy thêm, học thêm tràn lan gây tiêu cực và trái quy định. Cần phối hợp các đơn vị liên quan, triển khai các giải pháp nâng cao tỷ lệ học sinh thành phố biết bơi, nhất là địa bàn huyện Cần Giờ.

KHÁNH BÌNH

Tin cùng chuyên mục