Đãi ngộ đúng mức cá nhân và tổ chức tham gia phản biện chính sách

Ngày 17-2, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với Hội đồng Trung ương Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Đãi ngộ đúng mức cá nhân và tổ chức tham gia phản biện chính sách

(SGGPO).- Ngày 17-2, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với Hội đồng Trung ương Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng đề nghị Liên hiệp các Hội cần tạo môi trường và các điều kiện thuận lợi để trí thức đi đầu trong việc để truyền bá, phổ biến những tinh hoa trí thức của nhân loại, góp phần thiết thực vào việc nâng cao dân trí và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất và đời sống.     

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu. Ảnh TTXVN

Báo cáo Thủ tướng, ông Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, thời gian qua, Liên hiệp các Hội đã đẩy mạnh hoạt động tư vấn, phản biện, đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện, dự án luật quan trọng; các dự án đầu tư trọng điểm ảnh hưởng lớn đến xã hội; các dự án, đề án mang tính chiến lược như Dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam; Đề án Quy hoạch Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn đến 2050… Liên hiệp các Hội cũng đã cử nhiều chuyên gia tham gia các đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về một số đề án, dự án quan trọng.

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận những đóng góp to lớn của đội ngũ trí thức Việt Nam đối với sự phát triển của đất nước, trong đó có Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, một tổ chức tập hợp đông đảo các trí thức.

Thủ tướng cho rằng, trong bối cảnh Chính phủ đang nỗ lực xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động phục vụ người dân thì việc lắng nghe ý kiến của người dân, của giới trí thức là rất cần thiết.

Thủ tướng khẳng định, Thủ tướng, các phó thủ tướng Chính phủ luôn lắng nghe bất cứ nhà khoa học nào có ý tưởng xây dựng đất nước. 

Thủ tướng đánh giá cao những tham mưu đề xuất của Liên hiệp các Hội trong việc xây dựng chủ trương, đường lối của Đảng, cơ chế chính sách của Nhà nước; tư vấn, giám định, phản biện xã hội các chủ trương, chính sách và chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Thủ tướng cũng khẳng định yêu cầu cần thiết của việc đưa Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trở thành nhân tố quan trọng hướng tới mục tiêu khoa học công nghệ là động lực phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện đại, hội nhập quốc tế sâu rộng, góp phần phát triển bền vững đất nước.   

Về hoạt động thời gian tới, Thủ tướng cho rằng, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cần làm tốt hơn công tác tập hợp đội ngũ trí thức, kể cả trí thức Việt kiều; đề xuất, tham mưu cho Đảng, Chính phủ những vấn đề quan trọng về đường lối, chủ trương, chính sách phát triển kinh tế xã hội của đất nước cũng như tư vấn, giám định, phản biện xã hội về đường lối, chính sách, về các chương trình, dự án kinh tế xã hội cả Trung ương và địa phương.  

Đối với đề xuất của nhiều nhà khoa học, chuyên gia về việc cần có quy trình để lấy ý kiến các nhà khoa học và trí thức ngay từ đầu đối với việc xây dựng các dự thảo chính sách, các dự án, đề án lớn của Nhà nước, Thủ đề nghị cần xây dựng một quy trình rõ ràng, cụ thể hơn với một thời gian cần thiết. Cùng với đó là xây dựng cơ chế đãi ngộ đúng mức, thích đáng cho những cá nhân và tổ chức tham gia phản biện chính sách, dự án, nhất là xây dựng luật pháp. Có như vậy, các dự án, chính sách, luật pháp sau khi ban hành mới hội tụ đầy đủ các yếu tố thực tế, khoa học, sát dân, vì dân.        
  
Quan tâm xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng trí thức khoa học công nghệ, nhất là những chính sách ưu đãi đối với các nhân tài hoạt động khoa học công nghệ. Đặc biệt là tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học nói chung, trong đó có các nhà khoa học trẻ có các đề tài, công trình có sự đột phá, khơi khơi dậy được niềm đam mê nghiên cứu khoa học của giới trẻ, nhất là học sinh, sinh viên.    
        
Thủ tướng cũng đã giải đáp các kiến nghị của Liên hiệp các Hội về cơ chế tài chính; về xây dựng chương trình xây dựng truyền thông phổ biến kiến thức khoa học công nghệ đến năm 2020 và các nội dung khác.  

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam hiện có 141 hội thành viên; 430 tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc; 101 cơ quan báo chí, tập hợp hơn 2,8 triệu hội viên, trong đó có 1,5 triệu hội viên là tri thức, tương đương khoảng 1/3 trí thức cả nước.  


BTV

Tin cùng chuyên mục