Chủ động đề xuất chiến lược phát triển kinh tế đất nước

Sáng 11-2, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm, làm việc với Ban Kinh tế Trung ương
Chủ động đề xuất chiến lược phát triển kinh tế đất nước

Làm việc với Ban Kinh tế Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng:

(SGGP).- Sáng 11-2, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm, làm việc với Ban Kinh tế Trung ương.

Theo báo cáo của Ban Kinh tế Trung ương, từ khi tái lập (tháng 12-2012) đến nay, Ban Kinh tế Trung ương trong điều kiện vừa ổn định tổ chức bộ máy vừa triển khai các công việc, đã thể hiện rõ tinh thần quyết liệt, chủ động, sáng tạo trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ là cơ quan tham mưu chiến lược về kinh tế - xã hội của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu chụp ảnh chung với các đồng chí lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương

Lần đầu tiên, Ban Kinh tế Trung ương được tin tưởng giao chủ trì chuẩn bị 7 đề án quan trọng trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị trong năm 2017. Đây là những đề án hết sức quan trọng, có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tập trung vào việc tổng kết, đánh giá toàn diện kết quả thực hiện một số chủ trương, chính sách lớn của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua, trên cơ sở đó đề ra những chủ trương, chính sách và giải pháp phù hợp, có hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển nêu tại Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

Sau khi nghe báo cáo và ý kiến đóng góp của đại diện các ban, bộ, ngành, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh những kết quả đạt được trên các lĩnh vực công tác của Ban Kinh tế Trung ương sau hơn 4 năm tái lập, đặc biệt là năm 2016 vừa qua. Hoạt động của Ban Kinh tế Trung ương ngày càng toàn diện, nhuần nhuyễn, chất lượng cao hơn và có thêm kinh nghiệm. Cơ ngơi làm việc, đội ngũ cán bộ ngày càng được kiện toàn, trong đó 57% có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, lãnh đạo ban đều là những đồng chí có trình độ, kinh nghiệm công tác trên các lĩnh vực. Ban Kinh tế Trung ương ngày càng có nhiều sản phẩm, đề án, báo cáo, thông tin tư liệu cho thấy hoạt động khá toàn diện, cả nghiên cứu, thẩm định, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát...

Về phương hướng nhiệm vụ sắp tới, Tổng Bí thư nhấn mạnh vai trò, chức năng nhiệm vụ của Ban Kinh tế Trung ương là cơ quan tham mưu chiến lược về kinh tế - xã hội của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Với những kết quả và kinh nghiệm đã có thời gian vừa qua, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Ban Kinh tế Trung ương cần hoạt động toàn diện hơn, chất lượng cao hơn, với tinh thần tích cực, chủ động, quyết liệt hơn, không chỉ chờ giao việc mới làm, mà phải chủ động đề xuất.

Tổng Bí thư đề nghị Ban Kinh tế Trung ương làm tốt hơn nữa công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện những mặt tốt để khuyến khích biểu dương, những điển hình tiên tiến, mô hình tốt để nhân rộng; đồng thời phê phán, xử lý những tiêu cực, tham gia tích cực vào công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí. Qua giám sát đã phát hiện được gì? Đề xuất xử lý ra sao? Nhất là đối với tình trạng doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ, các hiện tượng tiêu cực trong làm ăn kinh tế... Thông qua các vụ việc cụ thể, cần phát hiện, đề xuất những vấn đề mang tầm chiến lược; đồng thời thể hiện quan điểm, ý kiến của Ban Kinh tế Trung ương về những vấn đề lớn.

Tổng Bí thư lưu ý, Ban Kinh tế Trung ương cần quan tâm hơn nữa công tác hướng dẫn, tuyên truyền các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Trung ương, nhằm tạo đồng thuận cao trong xã hội, góp phần đưa các chủ trương, đường lối của Đảng vào thực tế cuộc sống, biến nghị quyết thành hiện thực. Mặt khác, qua thực tế khảo sát, nghiên cứu, phát hiện cái mới, đề xuất bổ sung đường lối, chủ trương ở tầm chiến lược; phê phán, uốn nắn những nhận thức lệch lạc, sai trái.

NGỌC MINH

Tin cùng chuyên mục