Chuyển giao công nghệ để nông dân làm giàu

Chuyển giao công nghệ để nông dân làm giàu

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đề ra mục tiêu “Thu nhập của người dân nông thôn tăng 1,8 - 2 lần so với năm 2010”. Để đạt mục tiêu này, việc chuyển giao công nghệ cho nông dân nhằm góp phần tăng năng suất lao động, nâng cao tính cạnh tranh sản phẩm và để nông dân làm giàu từ nông nghiệp là nhu cầu cấp thiết.

Giá trị sinh ra tiền

Việt Nam đã và đang hội nhập. Đất nước ngày nay tuy có nhiều thành tựu to lớn, nhưng đang đối mặt với nguy cơ tụt hậu với nhiều bất cập trên diện rộng, vướng mắc trong “bẫy thu nhập trung bình”. Trong bối cảnh đó, tư duy phát triển bền vững và vai trò trí thức xây dựng, phát triển đất nước như thế nào?

Những năm qua, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và đời sống người dân có nhiều cải thiện, phát triển. Nhưng nhìn chung vẫn đơn thuần dựa vào bán tài nguyên thiên nhiên và xuất khẩu thô. Sản phẩm có sức cạnh tranh thị trường thế giới của Việt Nam vẫn quá ít. Trong bức tranh kinh tế Việt Nam, nông nghiệp vẫn chưa được khai thác đúng tiềm năng. Nông dân vẫn trong tình trạng biết đến đâu làm đến đó, còn khoa học - kỹ thuật đưa vào nông nghiệp rất hạn chế. Đơn cử như mặt hàng gạo, tuy là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 trên thế giới nhưng Việt Nam chủ yếu là xuất thô với giá rẻ. Vấn đề chủ yếu nằm ở khâu phân phối, phát triển thị trường tiêu thụ - đảm bảo đầu ra cho nông dân và áp dụng khoa học kỹ thuật.

Mặt trái của hội nhập đang bộc lộ là môi trường bị phá hoại, cả môi trường thiên nhiên và đặc biệt môi trường văn hóa. Xây dựng kinh tế bền vững là quan tâm của cả loài người, không riêng của Việt Nam. Hai vấn đề cốt lõi trong tư duy phát triển kinh tế là giá trị và tiền. Nhưng hiện nay, mọi kế hoạch kinh tế của Việt Nam thường theo phương thức “tiền sinh tiền” và thiếu quan tâm xây dựng giá trị sáng tạo để “giá trị sinh ra tiền”. Trong bối cảnh hiện nay, cần đi vào giá trị trong kinh tế. Xây dựng giá trị chứ không phải giữ tiền.

Nhiều hộ nông dân ở TPHCM đã chuyển sang trồng lan, thu nhập tăng so với các loại cây nông nghiệp khác. Ảnh: VIỆT DŨNG

Thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Việt Nam sau một thời gian phát triển các khu công nghiệp công nghệ thấp, nhiều địa phương đang “lỡ cỡ” trong cuộc đua phát triển công nghiệp. Làm sao cạnh tranh nổi khi hoạt động nghiên cứu sản xuất vẫn nằm trong môi trường xin - cho, với công nghệ thế giới đã thải loại? Việt Nam đang tụt hậu với các nước ở mức độ báo động. Chúng ta có thể đua kịp và vượt lên bằng cách đi theo mãi, làm gia công mãi được không?

Điều mà nhà nông ở nước ta còn thiếu và cái nhà nông cần là được chuyển giao công nghệ thích ứng, được hướng dẫn và có đầu ra cho nông sản. Một “bệnh viện nông dân” từ xa giải đáp các thắc mắc, tư vấn, hỗ trợ cho nông dân; một hệ thống phân phối khoa học là rất thiết thực. Khi nào đời sống nông dân thật sự cải thiện đàng hoàng, thị trường nông sản phẩm phát triển ổn định thì Việt Nam mới thật sự có sự phát triển bền vững. Với hướng đi này, Việt Nam hoàn toàn có thể định vị được vị trí tích cực và giá trị của mình trên bản đồ thế giới hội nhập.

Đoàn kết, xây dựng mái nhà chung

Việc phát triển như ra ngoài biển rộng, chúng ta phải cần hợp lực với nhau, định hướng đi phải đúng. Ở nước ta hiện nay, tình trạng phổ biến là mạnh ai nấy làm. Tư duy phê phán người khác mạnh hơn là tư duy xây dựng. Đây chính là điểm yếu khiến chúng ta chưa hội tụ, chưa tập hợp được sức mạnh tập thể, tạo ra quyết tâm chung. Đã đến lúc chúng ta cần kêu gọi nhau, động viên nhắc nhở nhau, mỗi người  hãy “Vì Việt Nam, đoàn kết lại”. Làm sao để năng lượng của từng người hội tụ được thành năng lượng chung của toàn dân tộc, làm sao để từng người cùng bắt tay nhau thật chặt vượt qua những tình riêng, quyết tâm xây dựng mái nhà chung.

Thay vì ngồi chờ trông đợi ai đó làm tốt xã hội, tự chính bản thân mỗi người phải nhận thức vai trò, trách nhiệm của mình trên tinh thần “mình vì mọi người và mọi người vì mình”. Nhà nước cần đưa ra thông điệp để tất cả những người Việt Nam gác lại mọi quá khứ, nhìn về tương lai tươi sáng. Để hội tụ được năng lượng của mỗi người thành năng lượng chung của đất nước, Chính phủ cần đưa ra và triển khai xây dựng mô hình phát triển Việt Nam trong hội nhập, có sự tham gia của toàn dân. Rất cần một “tuyên ngôn” phát triển Việt Nam. Như thế, từ chỗ đang bi quan mất hứng, chúng ta cùng khởi hứng, không phải chỉ để xóa đói giảm nghèo mà cùng làm cho đất nước giàu mạnh.

Với trí thức, trong bất cứ hoàn cảnh nào, trí thức cũng có vai trò, trách nhiệm lớn đối với đất nước. Trí thức không phải là chỉ những người có bằng cấp, học vị. Trí là trí tuệ, thức là thức tỉnh. Người có trí như cái máy tính cài đặt nhiều phần mềm. Nhưng nếu không có điện, thì chiếc máy tính đó đang ở chế độ “tắt”, không hoạt động. Dù có bao nhiêu phần mềm hiện đại đi nữa mà máy không ở chế độ “mở”, thì không có ý nghĩa gì cả. Hơn lúc nào hết, đất nước đang rất cần mỗi chúng ta, đặc biệt người trí thức, cần khởi động chế độ “mở”, hoạt động tạo ra sản phẩm, tạo ra giá trị mới đóng góp cho xã hội. 

Với mỗi chúng ta, thay vì phiền trách bóng tối, hãy tự tay thắp sáng lối đi cho mình. Ai cũng có thể đóng góp xây dựng bằng bất cứ việc gì dù nhỏ bé nhất, cố gắng làm lan tỏa những gì tốt đẹp nhất để được hãnh diện với quê hương mình sinh ra, hãnh diện về quê hương của mình. Chỉ có nơi đây là đất nước mình. Niềm hãnh diện không ai cho mà phải chính mình góp sức xây dựng, tự tạo ra niềm hãnh diện cho bản thân và góp phần tạo niềm hãnh diện chung của đất nước.

Tiến sĩ NGUYỄN TRÍ DŨNG

Tin cùng chuyên mục