Chậm công khai tài sản, thu nhập

“Phường mình đã thực hiện công khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức chưa, thưa chủ tịch?”. “Năm nào cũng có kế hoạch triển khai mà”. “Mình có niêm yết công khai không?”. “Có chứ”. “Niêm yết ở đâu ạ?” “Ở bảng thông báo”. “Dán ở đâu ạ?”. “Cái này để tôi kiểm tra lại”… Cuộc trao đổi trên giữa phóng viên Báo SGGP với Chủ tịch UBND phường Bến Thành (quận 1, TPHCM) Võ Nguyên Khanh về thực hiện Nghị định 78/2013 của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập. Thực tế, không chỉ ở phường Bến Thành mà nhiều cơ quan hành chính ở TPHCM tới nay vẫn chưa thực hiện quy định này…
Chậm công khai tài sản, thu nhập

“Phường mình đã thực hiện công khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức chưa, thưa chủ tịch?”. “Năm nào cũng có kế hoạch triển khai mà”. “Mình có niêm yết công khai không?”. “Có chứ”. “Niêm yết ở đâu ạ?” “Ở bảng thông báo”. “Dán ở đâu ạ?”. “Cái này để tôi kiểm tra lại”… Cuộc trao đổi trên giữa phóng viên Báo SGGP với Chủ tịch UBND phường Bến Thành (quận 1, TPHCM) Võ Nguyên Khanh về thực hiện Nghị định 78/2013 của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập. Thực tế, không chỉ ở phường Bến Thành mà nhiều cơ quan hành chính ở TPHCM tới nay vẫn chưa thực hiện quy định này…

Nhiều nơi chưa thực hiện

Cũng ở quận 1, khi chúng tôi hỏi về công tác kê khai và công khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ phải kê khai, Chủ tịch UBND phường Đa Kao Ngô Hải Yến phải gọi điện thoại cho cấp dưới hỏi xem đã thực hiện chưa. Bà Yến nói với chúng tôi: “Bảng niêm yết năm cũ không biết còn dán ở bảng thông báo hay không. Còn năm nay đang cho anh em cập nhật, cũng phải hết tháng này Phòng Nội vụ quận tổng hợp gửi về mới công khai”. “Mấy năm trước phường có niêm yết công khai để dân biết và giám sát không?”, chúng tôi hỏi. “Cái này để tôi hỏi lại anh em, vì mới về phường nhận nhiệm vụ mấy tháng nay nên chưa nắm rõ”, bà Yến trả lời.

Tại quận 4, một cán bộ Phòng Nội vụ cho biết công tác kê khai theo các đối tượng phải kê khai đang triển khai, còn công khai thì chưa. Theo quy định, ngay sau kiểm điểm cán bộ, công chức hàng năm, chậm nhất là ngày 28-12 phải công khai rồi, nhưng không hiểu sao tới nay chưa thấy nơi nào làm.

Đi một vòng các phường và ban ngành trong quận 4, chúng tôi ghi nhận cũng chưa nơi nào thực hiện, kể cả bước kê khai tại đơn vị. Chủ tịch UBND phường 13 Kha Thị Kim Hương cho biết: “Phường mới họp cơ quan, sau đó tổng hợp gửi lên quận. Quận đồng ý gửi trở lại UBND phường mới công khai bằng hình thức niêm yết trên bảng thông báo thủ tục hành chính để người dân biết và theo dõi, giám sát”.

Tìm hiểu thực tế tại một số phường, xã của quận 12, Gò Vấp, huyện Hóc Môn, Củ Chi và Hải quan TP, Sở Kế hoạch và Đầu tư… nhiều nơi cũng đang chờ kế hoạch triển khai. Một lãnh đạo Phòng Nội vụ quận 12 cho biết: “Quận đã có quyết định, kế hoạch thực hiện và đã triển khai đến các phường. Tiến độ thực hiện, rồi kết quả đã có đơn vị nào công khai hay công khai theo hình thức nào thì phải chờ xin ý kiến lãnh đạo quận đồng ý mới trả lời báo chí được”. “Nhưng nhiều phường không công khai bằng hình thức niêm yết nên người dân muốn biết cũng không biết hỏi ở đâu”, chúng tôi hỏi. Vị lãnh đạo này nói: “Cái đó luật cho phép được chọn một trong hai hình thức là công khai trong cuộc họp nội bộ hoặc niêm yết ra bên ngoài để dân biết”.

 

Bảng thông báo nội bộ tại trụ sở UBND xã Trung Chánh (huyện Hóc Môn) ghi nội dung nơi niêm yết công khai bản kê khai tài sản, thu nhập nhưng lại niêm yết nội dung khác

Mỗi nơi mỗi kiểu

Đó là phản ánh của nhiều người dân và các cán bộ làm công tác Mặt trận Tổ quốc ở cơ sở khi nói về quy định được chọn một trong hai hình thức công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức. Tại trụ sở UBND xã Trung Chánh (huyện Hóc Môn), phía trước sân có một bảng thông báo nội bộ, ghi dòng chữ lớn bên trên: “Nơi niêm yết công khai bản kê khai tài sản, thu nhập”. Thấy một người dân đứng xem nội dung các văn bản cũ nát dán trên bảng thông báo, chúng tôi hỏi: “Sao không thấy bản kê khai tài sản, thu nhập?”. “Làm gì có, toàn văn bản tư pháp, hộ tịch dán lên mấy năm nay rồi. Trước kia có thấy UBND xã dán mấy bản kê khai tài sản, thu nhập của một số cán bộ, công chức nhưng mấy năm nay thì không thấy”, người dân này nói.

Theo lãnh đạo Thanh tra TPHCM, Thông tư 08/2013/ TT-TTCP ngày 31-10-2013 của Thanh tra Chính phủ hướng dẫn thi hành các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập nói rất rõ đối tượng kê khai, thời gian, địa điểm, hình thức tổ chức công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ phải kê khai. Tuy nhiên, thời gian qua nhiều địa phương, đơn vị chưa thực hiện, hoặc thực hiện nhưng không thống nhất, mỗi nơi làm một cách khác nhau. Việc công khai bằng hình thức niêm yết bản kê khai tài sản, thu nhập của đối tượng là đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp tại trụ sở cơ quan hành chính để người dân biết và giám sát nhiều nơi không thực hiện. Theo quy định, bản kê khai tài sản, thu nhập của đối tượng này cũng như những người có nghĩa vụ phải kê khai khác được gửi về cơ quan thanh tra và Ủy ban kiểm tra Đảng ủy cùng cấp quản lý, và chỉ kiểm tra, xác minh khi có cơ quan thẩm quyền yêu cầu.

Bản kê khai của người có nghĩa vụ kê khai phải công khai với toàn thể cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó thường xuyên làm việc; trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị có quy mô lớn, phân tán thì công khai ở địa điểm niêm yết phải đảm bảo an toàn, không làm mất, rách, nát và đủ điều kiện để mọi người trong cơ quan, đơn vị có thể xem các bản kê khai; thời gian niêm yết tối thiểu là 30 ngày liên tục kể từ ngày niêm yết.

Bản kê khai của người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân ngoài việc công khai tại nơi thường xuyên làm việc còn phải công khai tại hội nghị cử tri theo quy định của Hội đồng bầu cử.

Nguồn: Thông tư 08/2013/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ

 HOÀI NAM


Cung cấp bản kê khai tài sản để MTTQ giám sát

Ông Vũ Thanh Lưu

“Cần cung cấp bản kê khai tài sản, thu nhập của những đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp cho Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) để nơi đây theo dõi, giám sát xem vị đại biểu đó có trung thực không là cách có thể thực hiện được, qua đó thực hiện quyền giám sát được tốt hơn”. Đó là ý kiến nhận định của ông Vũ Thanh Lưu, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP về thực hiện chức năng, nhiệm vụ giám sát của MTTQ đối với tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức.

* Phóng viên: Chức năng giám sát của MTTQ được quy định những nội dung nào, và việc giám sát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức được thực hiện ra sao, thưa ông?

- Ông VŨ THANH LƯU: Chương 2, Nghị quyết Liên tịch số 05/2006/NQLT-CP-UBTWMTTQVN ngày 21-4-2006 của Chính phủ - Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quy định 12 nội dung MTTQ tham gia giám sát. Thực tế khả năng thực hiện giám sát ở một số nội dung rất khó thực hiện, cụ thể như giám sát hành vi không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập. Do cán bộ, công chức, đảng viên chỉ kê khai và công khai ở nơi công tác, nơi làm việc, người dân không thể phát hiện hay kiến nghị xử lý đối với những trường hợp vi phạm. Hay việc giám sát đối với cán bộ, công chức, đảng viên làm việc tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn, vì khó vào được cơ quan, doanh nghiệp này.

* Nhưng đối với cán bộ, công chức, đảng viên tại các cơ quan hành chính phường, xã, thị trấn và quận, huyện phải niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan hành chính để người dân biết và cùng MTTQ giám sát?

- Do luật quy định, người đứng đầu đơn vị, cơ quan quyết định hình thức công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức theo một trong hai hình thức trong cuộc họp nội bộ hay niêm yết công khai. Quy định vậy, nên nhiều nơi chọn hình thức công khai trong cuộc họp nội bộ. Hình thức này thì người dân cũng như MTTQ ở cơ sở không thể biết mà giám sát được.

* Ông có kiến nghị gì để hoạt động giám sát của MTTQ đạt hiệu quả, nhất là nội dung giám sát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức?

- Theo tôi, tên gọi của Nghị định 78/2013/NĐ-TTg của Chính phủ nói rất rõ là “Minh bạch về tài sản, thu nhập”. Đã minh bạch thì phải có hình thức công khai để không chỉ MTTQ mà mọi người dân có thể biết và thực thi quyền giám sát của mình. Có thể một số cơ quan, đơn vị, tổ chức mang tính đặc thù có thể công khai theo hình thức công bố trong cuộc họp nội bộ, còn lại ở những cơ quan hành chính nhà nước từ cấp phường, xã, thị trấn đến quận huyện và tỉnh thành, theo tôi phải được niêm yết công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ phải kê khai. Công khai bằng hình thức này người dân sẽ rất dễ theo dõi, phát hiện những trường hợp thiếu trung thực trong kê khai. Không chuyện gì có thể giấu được dân, ta cứ công khai ra là dân biết và giám sát được ngay. Đối với MTTQ, theo tôi cần có cơ chế, quy định giám sát cụ thể thì cán bộ MTTQ, nhất là ở cơ sở mới có thể giám sát được.

* Xin cám ơn ông!

MINH ĐỨC (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục