Đối tượng giám sát của đại biểu Quốc hội lại trở thành cơ quan phục vụ

Sáng 11-1, với 100% số phiếu thuận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết của UBTVQH ban hành Quy chế quy định về trình tự, thủ tục tiến hành một số nội dung liên quan đến hoạt động giám sát của Quốc hội, UBTVQH, Đoàn đại biểu Quốc hội.

(SGGPO).- Sáng 11-1, với 100% số phiếu thuận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết của UBTVQH ban hành Quy chế quy định về trình tự, thủ tục tiến hành một số nội dung liên quan đến hoạt động giám sát của Quốc hội, UBTVQH, Đoàn đại biểu Quốc hội.

Trước khi cơ quan thường trực của Quốc hội tiến hành biểu quyết, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển thẳng thắn phát biểu tại phiên họp: “Nhiều tỉnh thành chưa nghiêm túc khi làm việc với đoàn giám sát tối cao của Quốc hội. Thậm chí ở những địa phương “ông lớn”, giám sát về vệ sinh an toàn thực phẩm mà rõ ràng nơi đó “có chuyện” nhưng lãnh đạo vẫn coi thường. Báo cáo giám sát cần nêu thẳng tên vài “ông” trước Quốc hội”.

Một nội dung trong Quy chế (được ban hành theo Nghị quyết đã thông qua) được nhiều ý kiến trong UBTVQH quan tâm là về những vấn đề cụ thể phục vụ hoạt động của Đoàn giám sát theo hướng bảo đảm tiết kiệm, tránh lãng phí, chồng chéo. Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - cơ quan dự thảo Quy chế nhận định, Bộ Chính trị cũng đã chỉ đạo về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, trong đó nêu rõ, khi có đoàn công tác đến địa phương, cơ quan, đơn vị, cơ sở phải thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và Nhà nước về chế độ lễ tân, chế độ công tác; không tổ chức đoàn xe đưa đón, khẩu hiệu, trải thảm, tặng quà và tổ chức ăn uống lãng phí”.

Đại diện Ủy ban, Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định đề nghị tiếp thu ý kiến, bổ sung vào dự thảo Quy chế nguyên tắc “việc tổ chức các hoạt động của Đoàn giám sát bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, đúng chức năng, nhiệm vụ, tránh phô trương, hình thức” (Điều 24 Quy chế).

Nhấn mạnh đến yêu cầu tránh sự chồng chéo, ảnh hưởng không tốt đến hoạt động của cơ sở, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị quy định cụ thể hơn về việc điều hoà các hoạt động giám sát tại các địa phương.

Theo quy định, Quốc hội lập không quá 15 đoàn giám sát đến địa phương một năm, mỗi đoàn giám sát làm việc ở không quá 15 địa phương. Người đứng đầu Ủy ban Tư pháp phân tích: “Vấn đề là chất lượng làm việc của các đoàn giám sát, có làm phiền địa phương hay không”?

Theo Chủ nhiệm Lê Thị Nga, đoàn giám sát không nên yêu cầu địa phương đón tiếp rườm rà. Đoàn cũng nên tự chi kinh phí ăn ở, đi lại, chỉ cần làm việc trực tiếp với cơ quan chuyên môn, chứ đừng đòi hỏi địa phương phải phục vụ, tiếp đón, mời chào. “Đi giám sát về án oan sai, chúng tôt thậm chí không cần Giám đốc Công an tỉnh, Chánh án toà, Viện trưởng Viện Kiểm sát…  tiếp, chỉ yêu cầu làm việc với Thủ trưởng cơ quan điều tra, người phụ trách trực tiếp về án hình sự của cơ quan công tố, xét xử… Tức là cần giữ nghiêm kỷ luật, tiền ăn tiền ở theo chế độ của mình, mình dùng. Chỉ cần bố trí đúng người làm việc chứ không cần xã giao, làm phiền địa phương”, bà Nga chia sẻ kinh nghiệm.

Tán thành quan điểm này, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói, mỗi đoàn giám sát chỉ cần 3 Thứ trưởng bộ, ngành tham gia thì mỗi người cũng sẽ kéo theo 4-5 người  nữa. Văn phòng các cơ quan đón tiếp phải lo cho cả đoàn như vậy, thành ra đối tượng giám sát lại trở thành cơ quan phục vụ.

Cũng với tinh thần chia sẻ với địa phương, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển tính nhanh, mỗi năm có tối thiểu 22 đoàn giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, nhân với 15-20 ngày làm việc/cuộc thì trung bình, mỗi tỉnh tiếp cũng phải 4-5 đoàn giám sát từ trên về, rõ ràng là làm phiền địa phương.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Quốc hội, nhiều địa phương cũng chưa nghiêm túc khi làm việc với các đoàn giám sát, kể cả đoàn giám sát tối cao của Quốc hội. Dẫn chứng cụ thể cuộc giám sát tối cao về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm vừa qua, ở một địa phương rõ ràng “có chuyện” nhưng “chỉ có một Phó Chủ tịch thành phố làm việc với đoàn, các thành phần khác cũng toàn cấp phó” – Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển bức xúc. Về trường hợp này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết đã trực tiếp phê bình lãnh đạo địa phương này.

Tổng kết nội dung này, Chủ tịch Quốc hội lưu ý “công tác điều phối phải làm sao để không có tỉnh thành nào mà một năm có tới 4-5 đoàn giám sát đến hay một tháng phải tiếp tới 2 đoàn khác nhau”.

• Phiên họp thứ 6 của UBTVQH tạm dừng và sẽ tiếp tục vào ngày 19-1 trước khi chính thức bế mạc, để các cơ quan chức năng có điều kiện chuẩn bị kỹ hơn một số nội dung đã dự kiến khác (bao gồm việc cho ý kiến về Danh mục dự án và mức bố trí vốn cụ thể cho từng dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự thảo Nghị quyết của UBTVQH về việc xử lý kỷ luật đối với các cán bộ, công chức đã nghỉ hưu).

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục