Phát huy vũ khí tự phê bình và phê bình

Phát huy vũ khí tự phê bình và phê bình

Đưa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng vào cuộc sống

Để Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng đi vào cuộc sống đòi hỏi mỗi cấp, mỗi ngành cần phải giữ được đoàn kết nội bộ. Mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự là tấm gương, coi trọng và vun đắp cho sự đoàn kết trong nội bộ. Muốn vậy, tự phê bình và phê bình chính là vũ khí sắc bén nhất cần được khai thác hiệu quả.

Theo chỉ đạo của Trung ương, từng cấp ủy Đảng, cơ quan, đơn vị ở cơ sở khi kiểm điểm phải chỉ ra cụ thể suy thoái ở đâu, ai suy thoái, biểu hiện suy thoái thế nào? Đây là việc không dễ và cũng là thách thức không nhỏ cho các tổ chức và cán bộ, đảng viên. Cái khó ở chỗ, khi chỉ ra biểu hiện suy thoái ở đâu thì phải kèm chứng cứ cụ thể, nếu không có chứng cứ thì khó có ai chấp nhận. Trong thực tế có biểu hiện suy thoái có thể thấy ngay chứng cứ cụ thể, song cũng có những biểu hiện suy thoái khó nêu chứng cứ cụ thể, nhưng nó lại có thật, ai cũng cảm nhận được.

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Thị Dung làm việc với lãnh đạo các huyện ngoại thành để chỉ rõ những hạn chế trong công tác phát triển Đảng trong nông dân

Tuy nhiên, dù là suy thoái kiểu gì, cũng đều tác động xấu đến uy tín của cá nhân và tổ chức, làm giảm động lực phát triển của cơ quan, đơn vị; do vậy, tất cả các kiểu suy thoái đó phải được chỉ rõ để kiểm điểm, đấu tranh khắc phục hoặc cảnh báo nhằm liên hệ tự điều chỉnh. Muốn làm được điều đó, chỉ còn cách phải làm thật tốt việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình trong từng cơ quan, đơn vị, địa phương.

Phương pháp tự phê bình và phê bình phải cứng rắn về nguyên tắc, mềm dẻo và khéo léo về cách thức tiến hành, phải thể hiện rõ những tính chất cơ bản của tự phê bình và phê bình của Đảng mới có hiệu quả. Đối với tự phê bình và phê bình, không nên dùng phương pháp hành chính mệnh lệnh. Khi phê bình người khác không được áp đặt, xoi mói mang tính “bới lông, tìm vết”, “hạ bệ” lẫn nhau; phê bình việc chứ không phê bình người, tránh công kích cá nhân, trả thù. Thực hành tự phê bình và phê bình phải dân chủ, không mệnh lệnh, áp đặt. Phải có thái độ kiên quyết, “ráo riết, triệt để”, đúng mức, không nể nang, thêm bớt, hời hợt, quanh co, chiếu lệ, phải - sai đúng rõ ràng. Nhờ đó, giúp cho người có khuyết điểm sửa chữa, người khác thấy đó mà phòng, tránh gặp khuyết điểm tương tự.

Tự phê bình và phê bình muốn hiệu quả tốt cần có phương pháp tốt, phải được tiến hành trong tổ chức, phê bình đúng lúc, trong hoàn cảnh thích hợp, không phải gặp đâu nói đó. Người đứng đầu, người chủ trì sinh hoạt chi bộ phải rất công minh, tạo được chỗ dựa tin cậy, khơi dậy được không khí dân chủ, thẳng thắn để ai cũng có thể nói rõ chính kiến của mình, không phải “thậm thà, thậm thụt”, cũng không “việc bé xé ra to”.

Để thực hiện tốt nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong Đảng, hiện nay cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cho cán bộ, đảng viên nâng cao nhận thức về tự phê bình và phê bình bằng nhiều hình thức cụ thể, thiết thực. Các cấp ủy, tổ chức Đảng cần nhận thức đúng về tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng, của từng cán bộ, đảng viên. Thấy rõ mục đích, ý nghĩa, tác dụng của tự phê bình và phê bình chính là để giúp nhau cùng tiến bộ. Thực hiện nghiêm và có hiệu quả tự phê bình và phê bình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII. Thực hiện nghiêm các quy chế, quy định về chế độ công tác, lề lối làm việc của cấp ủy, tổ chức Đảng phải có nội dung tự phê bình, phê bình và chấp hành nghiêm túc. Thực hiện tốt Quyết định 218-QĐ/TW để nhân dân đóng góp ý kiến, tham gia xây dựng Đảng.

Cấp ủy, tổ chức Đảng cấp trên tăng cường công tác giám sát, kiểm tra tổ chức Đảng cấp dưới và đảng viên trong việc chấp hành chế độ tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng, sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ để kịp thời phát huy ưu điểm, uốn nắn, khắc phục thiếu sót, khuyết điểm và xử lý nghiêm minh nếu có vi phạm.

Mỗi đảng viên phải khắc phục tâm lý tự ti, hoặc sợ bị trả thù, trù dập của người mình phê bình, nhất là đối với những đồng chí lãnh đạo, cán bộ chủ chốt của cơ quan, đơn vị, tổ chức. Khi có khuyết điểm, vi phạm, phải tự giác nhận lỗi, tự nhận hình thức kỷ luật và tỏ rõ quyết tâm sửa chữa, khắc phục, phấn đấu vươn lên. Đối với đồng chí, tổ chức Đảng nơi mình sinh hoạt, phải chủ động phê bình, giúp đỡ đồng chí, tổ chức nhận rõ thiếu sót, khuyết điểm để khắc phục kịp thời, đề nghị đảng viên, tổ chức Đảng giải thích, làm rõ những vấn đề mình yêu cầu. Tổ chức Đảng có thẩm quyền phải kiên quyết xử lý những đảng viên và tổ chức Đảng có hành vi trả thù, trù dập người thẳng thắn đấu tranh, phê bình.

ĐOÀN TẤT HOÀI 

 Học viện Chính trị khu vực 2

Tin cùng chuyên mục