Dự thảo Luật Qui hoạch ngổn ngang, chưa thống nhất

Một số vấn đề lớn trong dự thảo Luật Quy hoạch đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến tại phiên họp sáng nay, 10-1.
Dự thảo Luật Qui hoạch ngổn ngang, chưa thống nhất

(SGGPO).- Một số vấn đề lớn trong dự thảo Luật Quy hoạch đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến tại phiên họp sáng nay, 10-1.

Sau khi tiếp thu và bố cục lại, dự thảo Luật trình UBTVQH lần này gồm 6 chương và 69 điều, bổ sung một số điểm, khoản quy định về quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch. Việc rà soát, bổ sung nội dung báo cáo các loại quy hoạch; rà soát, bổ sung trình tự thẩm định quy hoạch; bổ sung thủ tục thẩm tra quy hoạch trong phê duyệt quy hoạch; rà soát, bổ sung các quy định liên quan đến điều chỉnh quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch… cũng được chỉnh lý, bổ sung vào dự thảo.

Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển tổng kết nội dung thảo luận về dự án Luật Quy hoạch

Kinh phí thực hiện quy hoạh là một trong những nội dung được nhiều ý kiến trong UBTVQH bày tỏ quan tâm. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, tiếp thu ý kiến đề nghị bổ sung quy định minh bạch về cơ chế sử dụng, cơ chế quản lý và các chính sách cụ thể, dự thảo Luật đã quy định theo hướng; chi phí cho lập, thẩm định, phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy hoạch được sử dụng theo quy định của pháp luật về đầu tư công; chi phí giám sát, đánh giá, kiểm tra, thanh tra quy hoạch sử dụng nguồn kinh phí thường xuyên theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước.

“Việc quy định như vậy không trái với Luật Đầu tư công vì Điều 5 về lĩnh vực đầu tư công đã quy định gồm đầu tư chương trình, dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; đầu tư phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo hình thức đối tác công tư… Việc lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch cũng là một trong các nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư để phục vụ cho các hoạt động đầu tư công”, ông Vũ Hồng Thanh giải thích thêm.

Được mời phát biểu tại phiên họp, đại diện lãnh đạo các bộ xây dựng, nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài nguyên và môi trường, công thương đề nghị tiếp tục giữ lại một số loại quy hoạch mà dự thảo đã bỏ đi.

Bên cạnh đó, về các quy hoạch mới được bổ sung, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa bày tỏ băn khoăn: “Chúng tôi cũng chưa biết quy hoạch không gian biển thì làm như thế nào”. Bà Phương Hoa cũng cho rằng quy hoạch sử dụng đất là quy hoạch nền, thay đổi xáo trộn là rất không nên… 

Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, có 2 vấn đề then chốt. Một là danh mục quy hoạch cần điều chỉnh như thế nào và quan hệ giữa các quy hoạch trong danh mục, cái nào quyết định cái nào. Hai là về quy định chuyển tiếp. Trong thời gian xem xét, rà soát để sửa các luật có liên quan (dự kiến có 32 luật phải sửa đổi bổ sung) thì xử lý thế nào… “Dự luật còn khá ngổn ngang, nhiều vấn đề chưa thống nhất”, Phó Chủ tịch lo lắng.

Kiên định bảo vệ quan điểm của cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề nghị các bộ “vì cái chung”, chấp nhận những “động chạm” nhất định.

Ông nói: “Tiếng là sửa nhiều luật như vậy, nhưng có khi chỉ là chỉnh sửa rất đơn giản, bỏ đi một loại quy hoạch nào đấy mà thôi. Chúng tôi đã tập hợp đầy đủ rồi, sẽ thống nhất với từng bộ giải pháp xử lý cụ thể”.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh nguyên tắc đảm bảo tính thống nhất, ổn định của pháp luật. “Đặc biệt, dự thảo phải đảm bảo quyền của nhân dân trong quá trình tham gia xây dựng quy hoạch và giám sát thực hiện quy hoạch”.

Kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển yêu cầu cơ quan soạn thảo, thẩm tra phối hợp hoàn thiện dự thảo luật, đưa ra hội nghị ĐBQH chuyên trách cho ý kiến, đảm bảo dự thảo Luật đạt được sự đồng thuận cao nhất trước khi trình ra Quốc hội xem xét, phê duyệt.


Tin, ảnh: Bảo Vân

Tin cùng chuyên mục