Cân nhắc thành lập Quỹ bồi thường nhà nước

Trong khuôn khổ phiên họp thứ 6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) vừa khai mạc sáng nay, 9-1, UBTVQH đã nghe ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội báo cáo về một số vấn đề lớn của dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi).
Cân nhắc thành lập Quỹ bồi thường nhà nước

(SGGPO).- Trong khuôn khổ phiên họp thứ 6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) vừa khai mạc sáng nay, 9-1, UBTVQH đã nghe ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội báo cáo về một số vấn đề lớn của dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi).

Ông Định cho biết, các cơ quan có liên quan đã thống nhất về lĩnh vực mà Nhà nước có trách nhiệm bồi thường, song về phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong từng lĩnh vực cụ thể, qua thảo luận còn có một số ý kiến khác nhau.

Loại ý kiến thứ nhất đề nghị bổ sung quy định quét, theo đó có thêm “trường hợp khác mà luật quy định thuộc trách nhiệm bồi thường của Nhà nước” vào cuối các điều quy định về phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự, trừ lĩnh vực tố tụng hình sự. Thường trực Ủy ban pháp luật tán thành loại ý kiến này.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị không bổ sung quy định quét, xác định rõ quan điểm giới hạn phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước chỉ đối với các trường hợp được quy định trong Luật này, đồng thời giữ nguyên khoản 3 Điều 17 như dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội. Loại ý kiến này cho rằng việc giới hạn phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước là cần thiết nhằm bảo đảm tính khả thi của Luật, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, cũng như năng lực thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp

Lưu ý rằng việc bồi thường trách nhiệm của nhà nước hướng đến hai mục tiêu: vừa đảm bảo quyền công dân, vừa đảm bảo hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước, làm sao để cán bộ không chùn tay khi thi hành công vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh, phạm vi bồi thường cần được cân nhắc mở rộng từng bước, nhất là trong bồi thường tố tụng hình sự.

Đáng lưu ý, về ý kiến đề nghị thành lập Quỹ bồi thường độc lập (từ khoản tiền xử lý vi phạm hành chính, tiền do phạm tội mà có, tiền hoàn trả của người thi hành công vụ), Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, các khoản tiền này đều là các khoản thuộc nguồn thu của ngân sách nhà nước. Theo quy định của Luật ngân sách nhà nước thì “toàn bộ các khoản thu, chi ngân sách phải được dự toán, tổng hợp đầy đủ vào ngân sách nhà nước” (khoản 2 Điều 8 Luật Ngân sách nhà nước).

Vì vậy, nếu thành lập Quỹ bồi thường độc lập thì các nguồn thu này vẫn phải nộp vào ngân sách nhà nước, sau đó ngân sách nhà nước phân bổ cho Quỹ. Trong điều kiện ngân sách nhà nước còn khó khăn, việc bố trí một khoản tiền để thành lập Quỹ bồi thường nhà nước cần được hết sức cân nhắc. Mặt khác, nếu thành lập Quỹ sẽ phát sinh tổ chức bộ máy biên chế, không phù hợp với chủ trương tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị. Vì vậy, đề nghị giữ cơ chế về chi trả bồi thường như dự thảo Luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đồng tình với quan điểm này: “Chúng ta đã có quá nhiều loại quỹ, mà thực chất thì đều là từ chiếc túi ngân sách của Nhà nước. Nên nói rõ và sòng phẳng với nhân dân như vậy, nhân dân chưa hiểu thì chúng ta giải thích”.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục