Kỳ vọng vào Chính phủ hành động

Một năm của nhiều con số “cao nhất từ trước đến nay”
Kỳ vọng vào Chính phủ hành động

Nhìn lại năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu ra 10 kết quả tích cực và 9 tồn tại, hạn chế, đồng thời nhấn mạnh quyết tâm hành động, khắc phục khó khăn, yếu kém để phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ thời gian tới. Chính phủ nhiệm kỳ mới đảm nhận trọng trách từ tháng 4-2016, nhưng những gì Chính phủ thể hiện thời gian qua, nhất là Thủ tướng, đã thể hiện quyết tâm xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp.

Một năm của nhiều con số “cao nhất từ trước đến nay”

Những kết quả nổi bật của nền kinh tế - xã hội 2016 đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rất rõ, trong đó quan trọng nhất là kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm; tăng trưởng kinh tế khá (CPI tăng 4,74%; GDP tăng 6,21%, cao hơn các nước đang phát triển ở châu Á 5,5%, khu vực Đông Nam Á 4,5%). Tăng trưởng 2016 của toàn bộ nền kinh tế cao hơn tốc độ tăng bình quân/năm thời kỳ 2011-2015 và cả thời kỳ 2006-2015. Trong bối cảnh ngành khai khoáng và nông nghiệp gặp khó khăn rất lớn (mất 1% GDP do thiệt hại nông nghiệp, riêng vụ hải sản chết ở miền Trung làm thiệt hại 0,3% GDP, sản lượng dầu thô giảm 1 triệu tấn) thì sự tăng trưởng đó là rất đáng trân trọng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam lần thứ III, nhiệm kỳ 2016- 2021

Kết quả năm 2016 cũng ghi nhận nhiều chỉ số “cao nhất từ trước đến nay”: dự trữ ngoại hối đạt 41 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Năm 2016 cũng sẽ đi vào lịch sử kinh tế Việt Nam như là năm đầu tiên xác lập kỷ lục thành lập doanh nghiệp vượt ngưỡng 100.000 doanh nghiệp. Theo các chuyên gia, những cải cách mạnh mẽ về môi trường đầu tư, kinh doanh nói chung và về thủ tục đăng ký kinh doanh nói riêng là nguyên nhân dẫn tới sự “bùng nổ” về lượng doanh nghiệp thành lập mới. Thu hút đầu tư nước ngoài cũng đạt kỷ lục. Vốn FDI thực hiện đạt 15,8 tỷ USD, tăng 9%, cao nhất từ trước đến nay. Thu hút trên 10 triệu lượt khách quốc tế, cao nhất từ trước đến nay. Và một chỉ số không thể không nhắc tới, thu ngân sách Nhà nước đạt mục tiêu đề ra, đó là điều mà Thủ tướng Chính phủ đặc biệt ghi nhận vì trong bối cảnh nhiều khó khăn, các địa phương đã nỗ lực rất nhiều để thu ngân sách vượt 70.000 tỷ đồng. Cùng với đó, những kết quả về mặt xã hội cũng có nhiều tiến bộ. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn khoảng 8,5%. Tạo việc làm cho trên 1,6 triệu lượt người. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế lần đầu tiên đạt trên 81%. Trong lĩnh vực thể thao, lần đầu tiên Việt Nam đoạt huy chương vàng tại Olympic…

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, niềm tin thị trường, niềm tin xã hội tăng lên mạnh mẽ. Chia sẻ về nhận định này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh bày tỏ ấn tượng với những kết quả đã đạt được về kinh tế trong năm 2016, đặc biệt là việc bảo đảm kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Sự vào cuộc quyết liệt, tích cực của Chính phủ, các thành viên Chính phủ, các địa phương đã đem lại những kết quả tích cực. Nhất là kết quả về số lượng doanh nghiệp thành lập mới, số du khách quốc tế đến Việt Nam vượt mục tiêu đề ra, nông nghiệp lấy lại đà tăng trưởng... “Qua đó niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào một Chính phủ kiến tạo, hành động phục vụ người dân và doanh nghiệp được nâng lên”, ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh khẳng định, với những kết quả đạt được trong năm 2016, niềm tin thị trường, niềm tin xã hội đã được tăng lên mạnh mẽ. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng cho biết, cộng đồng quốc tế đánh giá tích cực về kinh tế Việt Nam với triển vọng tăng trưởng cao, xếp hạng tín nhiệm Moody’s tăng lên B+ tạo niềm tin cho nhà đầu tư, thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn tăng trong khi đầu tư toàn cầu giảm 10%-15%. Trong năm 2016 huy động vốn ODA và vay ưu đãi tăng 1,4 lần so với 2015.

Cần nói đi đôi với làm, hành động và hành động

Nhưng năm 2016 cũng là năm bộc lộ nhiều hạn chế nổi bật cả về khách quan lẫn chủ quan. 9 tồn tại, hạn chế nổi bật cũng đã được Thủ tướng chỉ ra, trong đó những hạn chế chủ quan là điều cần phải mổ xẻ nhiều nhất. Bao gồm sự cố Formosa; các dự án ngàn tỷ thua lỗ, mất vốn; các ngân hàng thương mại yếu kém, mất vốn, rủi ro cao, trong đó có một số ngân hàng được mua lại với giá 0 đồng; nhiều vụ cháy nổ, tai nạn giao thông nghiêm trọng; nhiều vụ tội phạm đặc biệt nghiêm trọng xảy ra; các sai phạm trong công tác cán bộ như vụ Trịnh Xuân Thanh… Những hạn chế này sẽ còn được nhắc nhiều khi đề cập đến tình hình của năm 2016.

Có thể thấy, trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành đã chỉ đạo quyết liệt nhiều giải pháp, tập trung hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh. Với khẩu hiệu thực thi là nói đi đôi với làm, hành động và hành động, Thủ tướng và Chính phủ ngày ngày miệt mài, quyết liệt, tháo gỡ, chấn chỉnh, xây dựng, thúc đẩy. Gần 1 năm qua Thủ tướng Chính phủ có thể nói là đã miệt mài đi khắp nơi, động chạm vào khắp các ngành, lĩnh vực để có thể biến quyết tâm xây dựng một Chính phủ hành động thành hiện thực.

Ngay sau khi nhậm chức, không chậm trễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngay lập tức tổ chức hội nghị đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp tư nhân, chỉ đạo sâu sát vào vụ quán cà phê Xin Chào, với yêu cầu dứt khoát chấm dứt hình sự hóa các quan hệ kinh tế và dân sự… Điển hình nhất là Thủ tướng đã thành lập Tổ công tác để kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng giao, từ đó, tác động tích cực tới các bộ, ngành, địa phương. Qua kiểm tra của tổ công tác cho thấy, tổng số nhiệm vụ được giao là 10.205 nhiệm vụ, đã hoàn thành 6.367 nhiệm vụ, chưa xong 3.838 nhiệm vụ (trong đó có 3.656 nhiệm vụ đang trong thời hạn giải quyết). “Chúng ta thống kê từng việc như vậy để xem chúng ta nói và làm đến đâu”, Thủ tướng chia sẻ. Tổ công tác của Thủ tướng  đã  đi đến từng ngành, địa phương trọng điểm kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc. Đó là cách làm việc rất thiết thực đem lại kết quả và hiệu quả ngay và liên tục.

Nhiều chuyên gia nhận định rằng, Chính phủ nhiệm kỳ mới hoạt động đã được 3/4 thời gian của năm. Với khoảng thời gian đó, thật chưa đủ để xem xét, đánh giá một cách thấu đáo những kết quả và sự chuyển biến của tình hình kinh tế, xã hội. Nhưng với những ghi nhận bước đầu, người dân và doanh nghiệp đã có thể cảm nhận được những điểm sáng và những gì chưa được. Niềm tin của người dân và doanh nghiệp đang được lấy lại và vun đắp.

Năm 2017, chắc chắn thông điệp quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động vì người dân và doanh nghiệp  tiếp tục được duy trì. Cùng với đó là khẩu hiệu thực thi là nói đi đôi với làm, hành động và hành động. Vấn đề đặt ra là điều hành năm 2017 làm sao cho hiệu quả và tốt nhất. Đây cũng là câu hỏi lớn mà Thủ tướng đặt ra tại phiên họp Chính phủ cuối năm 2016. Muốn vậy, điều đầu tiên là phải giải quyết điểm nghẽn ở khâu tổ chức bộ máy và con người - cán bộ. Thực tế, nhiều quyết định không được triển khai như mong muốn, chậm trễ, kéo dài. Nhiều nơi trên bảo dưới không nghe, nói mà không làm… Đó là cản trở lớn cho sự phát triển đi lên của đất nước.

Một năm mới đã đến, và nhân dân, doanh nghiệp kỳ vọng vào một Chính phủ hành động, liêm chính!

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục