Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Nợ công cao, áp lực trả nợ lớn

Sáng nay 29-7, Quốc hội khoá 14 thảo luận về kinh tế-xã hội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Nợ công cao, áp lực trả nợ lớn

(SGGPO). – Sáng nay 29-7, Quốc hội khoá 14 thảo luận về kinh tế-xã hội.

Trước khi đi vào thảo luận, Quốc hội nghe Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm và giải pháp thực hiện trong 6 tháng cuối năm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm và giải pháp thực hiện trong 6 tháng cuối năm. Ảnh: VGP News

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, 6 tháng qua, chúng ta thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh có nhiều thuận lợi nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Cạnh tranh gay gắt về địa chính trị tại các khu vực trên thế giới; xung đột, khủng bố gia tăng tại một số nơi; tình hình biển Đông diễn biến rất phức tạp. Kinh tế thế giới phục hồi chậm; hầu hết các nền kinh tế lớn đều gặp khó khăn; dự báo tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu giảm. Giá một số hàng hóa cơ bản và dầu thô ở mức thấp. Việc nước Anh rời khỏi EU ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế thế giới. Nhiều vấn đề mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thiên tai, dịch bệnh, sử dụng nguồn nước... ngày càng trầm trọng, khó dự báo...

Tuy vậy, kinh tế vĩ mô nước ta tiếp tục ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng tăng 2,35%. GDP tăng 5,52%, trong đó khu vực dịch vụ tăng 6,35% (cùng kỳ tăng 5,86%). Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định chúng ta cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Nợ công cao, áp lực trả nợ lớn. Đến cuối năm 2015, nợ công bằng 62,2% GDP; nợ Chính phủ 50,3% (vượt trần quy định là 50%); nợ nước ngoài của quốc gia 43,1%. Trường hợp tăng trưởng năm 2016 không đạt mục tiêu đề ra thì các tỷ lệ này sẽ còn cao hơn. Nghĩa vụ chi trả nợ lãi trực tiếp năm 2015 bằng khoảng 8,4% tổng thu NSNN (nếu tính cả trả nợ gốc thì bằng trên 26%). Chi trả nợ giai đoạn 2011 - 2015 gấp 1,86 lần giai đoạn 2006 - 2010. Dự báo chi trả nợ sẽ tiếp tục tăng cao hơn trong các năm 2016, 2017 và 2018. 

Bội chi NSNN liên tục ở mức cao trong nhiều năm. Thu ngân sách khó khăn, nhất là ngân sách trung ương; nợ đọng thuế còn lớn .

Tiến độ thi công Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông chậm, đội vốn. Ảnh: Bích Quyên

Thủ tướng cũng nêu, quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường còn nhiều hạn chế. Đánh giá tác động môi trường khi cấp phép dự án đầu tư còn hình thức, giám sát thực hiện còn nhiều yếu kém; phát hiện, xử lý vi phạm chưa kịp thời; đã xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng do Dự án Formosa Hà Tĩnh gây ra. Tình hình khí hậu diễn biến bất thường, rét đậm, rét hại ở phía Bắc, hạn hán kéo dài ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long nghiêm trọng nhất trong nhiều năm qua và sự cố môi trường ở ven biển 4 tỉnh miền Trung đã gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất, đời sống và môi trường. Tăng trưởng kinh tế chậm lại, thấp hơn cùng kỳ năm 2015(5,52% so với 6,32%). Lần đầu tiên sau nhiều năm, khu vực nông nghiệp giảm 0,18%, sản lượng lúa vụ Đông Xuân giảm 1,34 triệu tấn…

Bên cạnh đó, đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ còn nhiều khó khăn, thách thức. Xảy ra tai nạn nghiêm trọng trong huấn luyện bay và tìm kiếm cứu nạn.

“Thời gian qua, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu kéo dài, trong điều kiện NSNN hạn hẹp, chúng ta phải tập trung huy động nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kết cấu hạ tầng và đáp ứng các yêu cầu chi cấp bách về an sinh xã hội, quốc phòng an ninh, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Do đó, nợ công tăng nhanh, ở mức cao, dư địa chính sách, nhất là về tài khóa, tiền tệ và nguồn lực cho phát triển giai đoạn tới rất hạn hẹp. Để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và 5 năm 2016 - 2020, chúng ta phải tiếp tục đổi mới toàn diện, sâu rộng, có những đột phá về cơ chế chính sách và phương thức lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, quyết liệt hành động, huy động mọi nguồn lực, phát huy dân chủ, sáng tạo của người dân, doanh nghiệp”, Thủ tướng nêu.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra; đồng thời, theo dõi sát diễn biến tình hình để có giải pháp ứng phó phù hợp, kịp thời.

Trong thời gian tới, Chính phủ đề ra 8 nhóm giải pháp, trong đó lấy ổn định kinh tế vĩ mô làm nền tảng cho tăng trưởng bền vững. Tăng cường kỷ luật tài chính, kiên quyết chống thất thu, chuyển giá, giảm nợ đọng thuế. Cùng với đó, thúc đẩy những lĩnh vực chiến lược gắn với tái cơ cấu kinh tế. Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; tháo gỡ khó khăn vướng mắc, xóa bỏ cơ chế xin cho, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Thủ tướng cũng khẳng định Chính phủ quyết tâm xóa bỏ rào cản, phát triển mạnh doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Xây dựng nền hành chính kỷ luật, kỷ cương, liêm chính. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, tăng cường quản lý tài nguyên.

“Kiên quyết không cho phép các dự án không bảo đảm tiêu chuẩn môi trường được hoạt động. Kịp thời bồi thường thiệt hại cho người dân và khắc phục hậu quả sự cố môi trường tại ven biển 4 tỉnh miền Trung. Tăng cường quản lý tài nguyên, khoáng sản, đất đai, nguồn nước. Kiên quyết ngăn chặn tình trạng khai thác tài nguyên, khoáng sản, cát sỏi trái phép. Thực hiện nghiêm quy định về bảo vệ và phát triển rừng; đóng cửa rừng tự nhiên”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Đặc biệt, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo và lợi ích quốc gia. Theo dõi sát tình hình Biển Đông, chủ động có những giải pháp phù hợp, yêu cầu các bên tôn trọng tiến trình ngoại giao, pháp lý, tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, thúc đẩy thực hiện đầy đủ DOC và tiến tới COC. Đưa quan hệ với các nước đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn…

Tuy còn nhiều nhiều khó khăn, thách thức, nhiệm vụ đặt ra rất nặng nề, tuy nhiên, Thủ tướng khẳng định Chính phủ nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục