Bớt rút kinh nghiệm, nghiêm minh kỷ luật tài chính

Chi vượt tiêu chuẩn, định mức vẫn phổ biến
Bớt rút kinh nghiệm, nghiêm minh kỷ luật tài chính

Chiều 28-7, Quốc hội đã nghe các báo cáo về ngân sách nhà nước năm 2014 và thảo luận tại hội trường về nội dung này.

Chi vượt tiêu chuẩn, định mức vẫn phổ biến

Theo tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014, số thu ngân sách là 1.103.609 tỷ đồng bao gồm cả chuyển nguồn 2013 sang 2014, thu huy động đầu tư ngân sách địa phương... Chi ngân sách 1.339.489 tỷ đồng gồm cả chi chuyển nguồn từ năm 2014 sang năm 2015. Bội chi là 249.362 tỷ đồng, 6,33% GDP.

Báo cáo kiểm toán về nội dung này, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc chỉ ra không ít bất cập. Trong đó, tăng thu ngân sách chủ yếu do nội địa, dầu thô... Kiểm toán cho thấy tình trạng hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí tính thuế, từ đó tính thiếu thuế giá trị gia tăng và thu nhập doanh nghiệp... vẫn diễn ra khá phổ biến. Kiểm toán đã xác định nộp tăng thêm hơn 8.000 tỷ đồng.

ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu tại hội trường. Ảnh: LÃ ANH

Trong chi đầu tư phát triển, dự toán là 163.000 tỷ đồng, quyết toán hơn 248.000 tỷ đồng, vượt hơn 52% dự toán. Kết quả kiểm toán cho thấy, tại một số địa phương số dự án khởi công mới khá nhiều, số dự án chậm tiến độ hoặc phải điều chỉnh lớn... Còn trong chi thường xuyên, dự toán là 704.400 tỷ đồng, quyết toán gần 724.000 tỷ đồng, tăng 2,7% so với dự toán. Kết quả kiểm toán cho thấy, hầu hết các bộ, ngành, địa phương được kiểm toán đều còn tình trạng chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức, vượt dự toán được duyệt; một số địa phương hụt thu ngân sách cấp tỉnh hoặc cấp huyện nhưng không rà soát, cắt giảm nhiệm vụ chi theo quy định... Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị hoàn chi 1.600 tỷ đồng.

Thẩm tra về về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cũng chỉ ra không ít tồn tại. Đó là tình trạng nợ đọng thuế đến 31-12-2014 do ngành thuế quản lý tiếp tục tăng cao (hơn 76.000 tỷ đồng, tăng gần 10% so với năm 2013); quản lý thuế còn sơ hở, việc xử lý các vi phạm còn hạn chế, áp dụng chế tài chưa đủ răn đe nên thất thu ngân sách còn nhiều; tình trạng khai man, gian lận, trốn thuế xảy ra ở hầu hết các doanh nghiệp được thanh tra, kiểm toán; tình trạng chuyển giá trốn thuế của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và ở khu vực ngoài quốc doanh ngày càng tinh vi, diễn biến phức tạp khó kiểm soát; tình trạng tiếp tay cho các vi phạm về thuế vẫn tồn tại và chưa được ngăn chặn, đẩy lùi...

Về chi, một số khoản chi của một số địa phương xây dựng dự toán chưa thực sự căn cứ vào nhiệm vụ thực tế, giao dự toán chi đầu tư phát triển không phù hợp với danh mục dự kiến kế hoạch vốn, bố trí vốn cho một số dự án chưa đủ điều kiện, sai nội dung nguồn vốn đầu tư, xây dựng và giao kế hoạch vốn đầu tư ngoài nước chưa phù hợp... nên nhiều khoản chi vượt dự toán hoặc không đạt so với dự toán, thừa nguồn kinh phí nhưng ngược lại có nhiệm vụ chi cần thiết lại thiếu hoặc không có nguồn kinh phí. Đặc biệt, tình trạng chi ngân sách chưa đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức vẫn nhiều nhưng chưa được khắc phục triệt để.

Không rút kinh nghiệm chung chung, quy trách nhiệm người đứng đầu

ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) bức xúc: “các báo cáo mới nói được thực trạng, còn xét về câu chữ thì nói “nghiêm túc là không thực hiện đúng Luật Ngân sách nhà nước về quyết toán hàng năm trong đó có năm 2014”. Như vậy là hợp thức hóa sự đã rồi, phải tiết kiệm tiền đóng thuế của dân, phải chi tiêu hiệu quả từng đồng thuế của dân. Trách nhiệm dự án chậm tiến độ tăng tổng mức đầu tư như bảo tàng không ai vào, chợ không ai họp... Phải tính. Đừng nói rút kinh nghiệm chung chung khi mà hầu hết các bộ, ngành chi không đúng chế độ, định mức... Ví dụ như xe công ĐB đi xe 1.8 nhưng các bộ, ngành đi xe 2.4 thì tiền ở đâu ra. Sử dụng sai kinh phí là thực tế và Kiểm toán Nhà nước đã phải kiến nghị hoàn trả 1.600 tỷ đồng”. Cũng theo ĐB Ngô Văn Minh: “Thông qua quyết toán như này là tiền trảm hậu tấu, bội chi vượt, Kiểm toán Nhà nước nói xong nhưng vẫn đề nghị cho vào quyết toán. Như vậy là không được. Kỷ cương, kỷ luật chấp hành pháp luật không nghiêm, phải làm rõ vấn đề này. Rút kinh nghiệm bao nhiêu lần, rút kinh nghiệm gì nữa. Không thể quyết toán cho qua, cho xong”, ĐB Ngô Văn Minh bức xúc.

Theo ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM), đặt vấn đề tại sao tăng thu cao nhưng bội chi vẫn cao hơn dự toán, vượt hơn 25.000 tỷ đồng so với dự toán. Từ đó, ĐB Ngân nhận định, có nhiều lý do nhưng có 2 lý do cơ bản: GDP danh nghĩa thấp hơn dự toán (4,2 triệu tỷ đồng nhưng thực hiện hơn 3 triệu tỷ đồng). Việc thấp hơn dự toán do không phải thực hiện không đúng kế hoạch mà do dự báo giá cả không chính xác. Việc các bộ, ngành, địa phương chi vượt tiêu chuẩn, định mức là không ổn nhưng ĐB Trần Hoàng Ngân cũng cho rằng cần rà soát tiêu chuẩn định mức phù hợp thực tế. Bày tỏ sự ủng hộ phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi nhậm chức là phải có trách nhiệm trong sử dụng tiền thuế của dân, ĐB Trần Hoàng Ngân cũng đề nghị cần phải tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính phải được thực hiện nghiêm minh.

Chia sẻ quan điểm này, ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đề nghị Chính phủ thanh tra, kiểm tra những đơn vị được nêu trong báo cáo kiểm toán có vi phạm trong quản lý sử dụng ngân sách nhà nước vì những vi phạm này liên tục lặp đi lặp lại nhiều lần. Cùng với đó là phối hợp với cơ quan công an xem xét xử lý với những hành vi tái phạm nhằm thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, hiệu lực của giám sát.

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần nhìn nhận lại kỷ luật, kỷ cương trong thực thi ngân sách thời gian tới. Những sai sót “không phải cái nào cũng chủ quan, có cái bất khả kháng, cấp bách”. Phải xem xét để xem hạn chế nào ở khía cạnh khách quan hay chủ quan thay vì “gom cả nắm” lại đánh giá. “Đề nghị rà soát thực tiễn cả hạn chế, thiếu sót xem cái gì bất cập cần tháo gỡ; xem xét sớm Luật Ngân sách nhà nước có gì bất hợp lý so với thực tiễn bởi nếu không sẽ tiếp tục sai trong thời gian tới. Khi vi phạm có tính chủ quan thì xử lý nghiêm minh người đứng đầu. Bởi hiện nay chúng ta thực hiện điều này chưa rõ. Địa phương có người đứng đầu vi phạm và không vi phạm như nhau. Như vậy là không dân chủ”, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.

NGỌC QUANG

Tin cùng chuyên mục