Giá trị tinh thần và truyền thống Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh

Sài Gòn xưa cũng như TPHCM nay là nơi quy tụ nhiều người từ khắp nơi trong cả nước. Sống trong một thành phố “mở”, trẻ và năng động ấy, mỗi người và tất cả mọi người luôn biết thích ứng và ai như cũng sinh thành thêm tố chất mới năng động, sáng tạo. Ấy là sự chủ động trong mọi hoàn cảnh, không ngại khó khăn gian khổ, không thụ động chờ đợi, luôn tìm tòi, học hỏi cái mới… Phải chăng do vậy mà Sài Gòn - TPHCM định vị đức tính năng động sáng tạo làm giá trị tinh thần và truyền thống?
Giá trị tinh thần và truyền thống Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh

Sài Gòn xưa cũng như TPHCM nay là nơi quy tụ nhiều người từ khắp nơi trong cả nước. Sống trong một thành phố “mở”, trẻ và năng động ấy, mỗi người và tất cả mọi người luôn biết thích ứng và ai như cũng sinh thành thêm tố chất mới năng động, sáng tạo. Ấy là sự chủ động trong mọi hoàn cảnh, không ngại khó khăn gian khổ, không thụ động chờ đợi, luôn tìm tòi, học hỏi cái mới… Phải chăng do vậy mà Sài Gòn - TPHCM định vị đức tính năng động sáng tạo làm giá trị tinh thần và truyền thống?

Trong đấu tranh giải phóng

Thập niên 20 của thế kỷ trước, Sài Gòn xuất hiện nhiều chuyện mới chưa đâu ở Việt Nam biết (hoặc ít nhất đây là nơi biết đầu tiên). Như chuyện ông Tôn Đức Thắng phản chiến từ Biển Đen trở về Sài Gòn, lập nên Công hội Đỏ giống như tổ chức Công hội của công nhân Pháp; chuyện báo La Cloche fêlée (Chuông rè) công khai đăng Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản giữa Sài Gòn; cuối thập niên ấy, Sài Gòn trở thành một trong những trung tâm của phong trào công nhân xứ thuộc địa đang dấy lên xu hướng cách mạng vô sản… Toàn những chuyện “động trời” đối với nền cai trị thực dân đang yên vị ở đây!

Thập niên 30 - 40 lại tiếp tục xuất hiện những “bất ngờ” giữa chốn “Hòn ngọc Viễn đông” của thuộc địa Pháp này. Sài Gòn là nơi Trung ương Đảng Cộng sản và các lãnh đạo cao cấp của Đảng (Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Văn Cừ…) bám trụ hoạt động và từ đó đã ra đời những quyết sách chiến lược cho cách mạng cả nước.

Những năm đấu tranh dân sinh dân chủ (1936-1939), Sài Gòn là nơi khởi xướng và lan truyền các “Ủy ban hành động” vận động cho “Đại hội Đông Dương”, cùng các hoạt động làm sôi động thành phố như báo chí, nghị trường, bãi công, bãi thị, bãi khóa… Đặc biệt Sài Gòn cũng là nơi nhen nhóm và chuẩn bị ráo riết, rồi bùng nổ (năm 1940) một cuộc khởi nghĩa toàn xứ lần đầu tiên ở thuộc địa này theo lá cờ đỏ sao vàng - Khởi nghĩa Nam Kỳ.

Giữa thập niên 40, khi chiến tranh thế giới lần thứ hai đi vào kết thúc, trước thời cơ chung của toàn dân tộc đã mở ra để nổi dậy giành chính quyền về tay nhân dân, Sài Gòn bất ngờ xuất hiện “sức mạnh Phù Đổng” không phải lớn mạnh từ cậu bé lên ba như trong huyền thoại, mà từ thực tế những đoàn ngũ chỉnh tề của Thanh niên Tiền phong. Thanh niên Tiền phong đã kịp thời thổi bùng sức mạnh toàn dân theo đường hướng của Mặt trận Việt Minh, làm nên cuộc Tổng khởi nghĩa long trời lở đất ở ngay trung tâm xứ Nam kỳ.
Vừa được 28 ngày độc lập thì sáng sớm ngày 23-9-1945, Sài Gòn đã bất ngờ phát lệnh cho toàn Nam bộ đứng lên kháng Pháp. Trong cuộc chiến tranh nhân dân trường kỳ kiểu đô thị Sài Gòn xuất hiện một thế trận độc đáo “trong đánh ngoài vây” với chiến tuyến là 4 cây cầu (cầu Thị Nghè, cầu Chữ Y, cầu Bình Điền, cầu Tham Lương) trên 4 hướng của thành phố; sau chuyển thành “Vành đai đỏ” - một loại hình căn cứ kháng chiến xuất hiện ở An Phú Đông, Láng Le - Bàu Cò, Rừng Sác, Bình Mỹ, Khu 5 Hóc Môn, Hồ Bần, Phú Thọ Hòa, Tân Phú Trung, Phước Vĩnh An…

Sôi động hơn và độc đáo sáng tạo nhiều nữa là thời kháng chiến chống Mỹ. Mở đầu là phong trào hòa bình (1-8-1954) đòi thi hành Hiệp định Genève ở ngay nơi Mỹ và chính quyền Sài Gòn vừa thiết lập đại bản doanh chế độ thực dân mới. Trong chiến tranh, Sài Gòn tiếp tục xuất hiện thêm nhiều loại hình căn cứ địa. Từ căn cứ và các bàn đạp, Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 với hoạt động xuất thần của Biệt động Sài Gòn đã tạo ra bước ngoặt quyết định làm thất bại chiến lược “chiến tranh cục bộ”, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử lấy trọng điểm tấn công giải phóng Sài Gòn từ 26-4-1975 là chiến dịch cuối cùng của kháng chiến. Nổi dậy kết hợp với binh vận đã phối hợp tốt nhất với tiến công của 5 cánh quân giải phóng Sài Gòn ngày 30-4-1975 kết thúc thắng lợi hoàn toàn cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam.

Như vậy, là đô thị trung tâm ở phía Nam Tổ quốc, Sài Gòn đứng đầu sóng ngọn gió trong thế trận chống chủ nghĩa thực dân và sáng tạo ra nhiều phương cách để mở đầu kháng chiến, tiến hành kháng chiến và kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến.

Trong tháo gỡ khó khăn

Bước vào thời kỳ cách mạng mới, Sài Gòn giải phóng bắt đầu nhiệm vụ chiến lược mới với đầy rẫy những ngổn ngang, khó khăn cộng với sự chống phá, gây rối khắp nơi của kẻ thù. Không thể chịu hoàn cảnh “cùng cực” đó, TPHCM phải tìm cách vượt lên - đó là mệnh lệnh từ trái tim của đội ngũ lãnh đạo TP.

Từ sau Hội nghị lần thứ chín (tháng 8-1979) và Hội nghị lần thứ mười (năm 1980), TP tháo gỡ tình trạng kinh tế đang khủng hoảng, sa sút, chủ động tìm hướng đi mới thích hợp nhằm thúc đẩy sản xuất, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển. Trước hết là không ỷ lại trông chờ cấp trên, tự tạo nguồn vật tư nguyên liệu bằng cách kết hợp với các tỉnh trong khu vực; hạn chế tình trạng công nhân xí nghiệp quốc doanh phải nghỉ ăn lương 70% vì thiếu nguyên liệu, vật tư; thực hiện khoán trả lương theo theo sản phẩm, kết hợp chặt chẽ ba lợi ích, trong đó quan tâm đúng mức lợi ích của người lao động, lấy ổn định đời sống công nhân mà khôi phục và thúc đẩy sản xuất, qua đó tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển.

Các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Chí Công và Phạm Hùng tham quan chiếc máy dệt cải tiến của một cơ sở sản xuất ở TPHCM sau năm 1986

Sau Đại hội Đảng bộ TP lần thứ II (1980), nhiều hoạt động đã được “bật đèn xanh” để thí điểm, đột phá khẩu, trong đó có thí điểm chuyển đổi hình thức công ty hợp doanh chia lãi - là một dạng của công ty cổ phần theo hình thức tư bản nhà nước được vận dụng đầu tiên ở TPHCM. Đầu những năm 1980 vận dụng chủ trương duy trì trong một thời gian nhất định nền kinh tế nhiều thành phần mà Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 29 khóa 3 đã đề ra, TP mạnh dạn cho phép tư nhân bỏ vốn đầu tư vào sản xuất, được thuê mướn 10 lao động để bung sản xuất ra, có sản phẩm cho thị trường tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, đồng thời giải quyết thêm việc làm.

Trước tình hình nguyên liệu cạn kiệt, sản xuất đình đốn, lãnh đạo TP qua nhiều lần bàn bạc, trao đổi đã chấp thuận cho Công ty Xuất nhập khẩu trực tiếp của TP (Direximco) và Công ty Xuất nhập khẩu Chợ Lớn (Cholimex) huy động vốn của nhiều đơn vị, hợp tác xã, tổ hợp của tư nhân để mua nông sản ở TP và một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long xuất khẩu tiểu ngạch sang Singapore, Hồng Công… lấy ngoại tệ nhập nguyên liệu vật tư cho nhu cầu sản xuất công nghiệp thành phố. Cách làm này tỏ ra có hiệu quả, từ đó mở rộng ra nhiều mặt hàng, nhiều ngành.

TPHCM tổ chức đợt khui kho đưa vào sử dụng những vật tư tồn đọng một cách phi lý do cơ chế cũ ràng buộc, mở khu triển lãm giới thiệu mua bán vật tư, tận dụng phế liệu, phế thải, tăng quyền chủ động cho cơ sở, hợp tác kinh doanh giữa các đơn vị, ngành trên địa bàn TP và khu vực, mở ra khả năng hợp tác giữa các xí nghiệp trung ương và thành phố, giữa thành phố với các tỉnh, giúp cơ sở sản xuất xây dựng kế hoạch sản xuất phụ và các khung giá hợp lý để nắm lại nguồn nguyên liệu nông nghiệp cho xí nghiệp quốc doanh, đẩy mạnh xuất nhập khẩu.

Trước tình hình căng thẳng trong vấn đề lương thực phục vụ cho đời sống nhân dân, TP cho thành lập các tổ thu mua lương thực ngoài kế hoạch ở các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long hoặc trao đổi lương thực với xăng dầu, vải, thuốc trị bệnh… Trên cơ sở này, TP xin thành lập Công ty Kinh doanh lương thực đầu tiên của cả nước và từng bước xóa bỏ cơ chế bao cấp lương thực - một quyết định táo bạo, đầy trách nhiệm của TP nhằm giải quyết cho đời sống của nhân dân.

Những sáng tạo ấy từ TPHCM cùng nhiều sáng tạo từ các tỉnh, thành cả nước trong “đêm trước đổi mới” đồng thời là những mầm mống cho sự ra đời những tư duy mới, thực tiễn sinh động và phong phú mới, trở thành những nhân tố mới, góp vào quá trình hình thành đường lối đổi mới của Đảng, được lần đầu tiên công bố trong Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986).

Trong vị thế một đầu tàu động lực

Từ sau giải phóng đến đầu thập niên 80, TPHCM được xác định “là trung tâm kinh tế lớn, một trung tâm giao dịch quốc tế và du lịch của nước ta. TPHCM có vị trí chính trị quan trọng sau thủ đô Hà Nội”.

20 năm sau đó, khi trải qua 10 năm tìm tòi tháo gỡ khó khăn góp phần vào hình thành đường lối đổi mới, TPHCM trở thành “đô thị lớn nhất nước ta, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu quốc tế, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước…”.

Bước vào thập niên thứ hai của thế kỷ mới, TPHCM là “đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, là đầu tàu, động lực, có sức hút và lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí quan trọng của cả nước”.

Những định vị ấy đã phản ánh quá trình từ sáng tạo để tháo gỡ khó khăn, mở điểm đột phá thử nghiệm đổi mới cơ chế và chính sách kinh tế, đến sáng tạo sản sinh ra những phong trào, những cuộc vận động xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, bảo trợ bệnh nhân nghèo… Vị trí, vai trò của TPHCM ngày càng được khẳng định là địa phương đứng đầu trong tăng trưởng kinh tế của cả nước thể hiện rất rõ qua hàng loạt con số đã được chứng minh.

Như thế, với TPHCM, năng động, sáng tạo vừa là truyền thống vừa là giá trị lịch sử, vừa là bài học của quá trình thực tiễn hơn một thế kỷ qua, đồng thời là phẩm chất tốt đẹp đã và đang được công dân TP nhận thức và rèn luyện.

PGS-TS HÀ MINH HỒNG
Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM

Tin cùng chuyên mục