Những thời khắc lịch sử

Những thời khắc lịch sử

Ngày 18-3-1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương họp. Mọi người đều phấn khởi khi thấy cuộc tiến công nhanh hơn dự kiến. Trước những chiến thắng dồn dập trên chiến trường, ta đang ở thế thượng phong, địch yếu nhanh và ta đang đứng trước một thời cơ chưa từng có. Bộ Chính trị hạ quyết tâm chuyển cuộc tiến công chiến lược thành cuộc Tổng tiến công chiến lược, hoàn thành kế hoạch hai năm 1975 - 1976 ngay trong năm 1975.

Ngày 27-3-1975, đồng chí Lê Duẩn điện cho các đồng chí Võ Chí Công và Chu Huy Mân: “…Chiến thắng oanh liệt ở Buôn Ma Thuột và Tây Nguyên đã tạo ra thời cơ giải phóng Đà Nẵng. Ta phải tập trung lực lượng từ hai phía, từ Thừa Thiên - Huế đánh vào và từ Nam - Ngãi đánh ra, nhanh chóng tiêu diệt sinh lực địch, không cho chúng rút chạy để co cụm về Sài Gòn. Trong lúc này thời gian là lực lượng. Phải hành động hết sức táo bạo, bất ngờ, làm cho địch không kịp trở tay”. Chấp hành chỉ thị này, hầu như cả mặt trận, bất kỳ đơn vị nào cũng tranh thủ thời gian, tìm mọi cách chuyển quân đánh thẳng vào Đà Nẵng.

Ngày 28-3-1975, theo phương án hợp đồng tác chiến, từ các hướng Bắc, Tây Bắc, hướng Nam, Tây Nam đồng loạt tổng tấn công và nổi dậy. Sau 33 giờ tấn công và nổi dậy, đến 15 giờ ngày 29-3 ta đã giải phóng hoàn toàn Đà Nẵng, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ Quân đoàn 1 ngụy hơn 10 vạn tên, đập tan căn cứ quân sự liên hợp lớn của địch ở miền Trung.

Tổng thống Dương Văn Minh và nội các theo quân Giải phóng đến Đài phát thanhtuyên bố đầu hàng ngày 30-4-1975. Ảnh: T.L.

Sau khi ta tiêu diệt và làm tan rã Quân đoàn 1 và 2 của địch, nắm vững thời cơ chiến lược, ta tập trung toàn bộ lực lượng, mở cuộc tổng tiến công quy mô lớn, thực hiện trận quyết chiến chiến lược nhằm đập tan lực lượng quân sự và bộ máy ngụy quyền của địch giải phóng thành phố Sài Gòn - Gia Định, giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Ngày 9-4-1975, quân dân ta mở các đợt tấn công mãnh liệt vào tuyến phòng ngự của địch ở Xuân Lộc, tỉnh Long Khánh. Sư đoàn 18 ngụy quyết tử thủ Xuân Lộc, địch tăng cường Lữ đoàn 1 dù, Lữ đoàn 3 kỵ binh. Máy bay ném bom của địch từ các sân bay Biên Hòa, Tân Sơn Nhất, Trà Nóc ném bom dữ dội xuống Xuân Lộc. Trận chiến diễn ra gay go, quyết liệt. Ta và địch giành nhau từng đoạn hào, từng góc phố. Trận đánh kéo dài đến 5 ngày đêm không dứt điểm. Ta chuyển hướng từ tấn công sang bao vây Xuân Lộc.

Tại Ninh Thuận, ngày 16-4 bộ binh và xe tăng ta thọc sâu đánh thẳng vào sở chỉ huy tiền phương Quân đoàn 3, tập đoàn phòng ngự của địch ở Phan Rang. Ta bắt sống trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy tiền phương Quân đoàn 3 và chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang, Tư lệnh đoàn Không quân ngụy số 6, mở đường tiến vào Sài Gòn. Ngày 18-4, ta giải phóng thị xã Phan Thiết. Ngày 19-4, đội hình tấn công của Quân đoàn 2 ào ạt đánh qua Bình Tuy tiến về Xuân Lộc. Quân địch ở Xuân Lộc trong thế bị bao vây, cô lập và trước nguy cơ bị tiêu diệt, đêm 20-4, địch tháo chạy khỏi Xuân Lộc. Thị xã Xuân Lộc được giải phóng; “Cánh cửa thép” với sự tử thủ của Sư đoàn 18 đã bị tan tác. Tuyến phòng ngự từ xa tại Phan Rang và Xuân Lộc đã mở toang. Địch hoang mang cực độ, tinh thần chiến đấu suy sụp.

“Mất Xuân Lộc, đại tướng Weyand, Tham mưu trưởng quân lực Mỹ, nguyên Tổng tư lệnh quân Mỹ ở Việt Nam, lắc đầu thất vọng: “Thế là hết”, và khẩn cấp tới Việt Nam theo lệnh của Tổng thống Ford nhằm đánh giá tại chỗ và xem xét khả năng giúp đỡ của Mỹ vào “giờ chót” cho chế độ Thiệu”.

Trong bối cảnh lúc này, quân đội Sài Gòn đang thiếu vũ khí, bom đạn, nhưng Quốc hội Mỹ không muốn can dự vào những cố gắng quân sự của Sài Gòn, khẩu hiệu mới của nghị sĩ và dân biểu Mỹ là “còn viện trợ, còn đổ máu”. “Thiệu đã cố gắng lần cuối trước khi từ chức, viết thư van nài Tổng thống Ford “cho vay nợ vì tự do” (!). Đêm 20-4, quân đội Sài Gòn rút chạy khỏi Xuân Lộc, thì ngày 21-4, Nguyễn Văn Thiệu xuất hiện trên truyền hình suốt 3 giờ đồng hồ tuyên bố từ chức. Để bàn giao chức vụ “Tổng thống” cho Trần Văn Hương (Phó Tổng thống đương nhiệm), Thiệu mời các thành viên nội các, dân biểu, nghị sĩ và thẩm phán tối cao pháp viện đến Dinh Độc Lập vào cuối chiều 21-4.

Ngày 23-4-1975, Tổng thống Mỹ G.Ford tuyên bố: “Cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã chấm dứt đối với Mỹ”. Tiếp theo Mỹ quyết định di tản người Mỹ ra khỏi Sài Gòn.

“11 giờ trưa ngày 29-4, Tổng thống Ford ra lệnh tiến hành cuộc hành quân “Operation Frequent Wind”, 36 trực thăng đầu tiên xuất phát từ tàu Hancock đậu ngoài khơi, tiếp theo tất cả 81 chiếc nhằm hướng Sài Gòn bay tới, di tản 1.373 người Mỹ và 6.000 người Việt Nam…”.

Cho đến ngày 28-4, tất cả các cánh quân lớn của ta đã bao vây chặt quân địch tại Sài Gòn. Đúng 0 giờ ngày 29-4-1975, các binh đoàn chủ lực của ta tiến hành tổng công kích vào tuyến phòng thủ cuối cùng của địch, đập tan hệ thống phòng ngự cuối cùng của địch, buộc quân địch đầu hàng không điều kiện.

Đúng 11 giờ 30 ngày 30-4-1975, cờ cách mạng đã cắm trên phủ tổng thống chế độ Sài Gòn. Thành phố Sài Gòn mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã hoàn toàn giải phóng. Kết thúc hơn 20 năm chống Mỹ cứu nước. 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc lâu dài nhất, ác liệt nhất đã toàn thắng, quân xâm lược đã bị quét sạch ra khỏi đất nước ta, non sông thu về một mối.

----------

* Những đoạn trong ngoặc kép: trích trong cuốn sách của Mai Nguyễn Đọc hồi ký của tướng tá Sài Gòn xuất bản ở nước ngoài do NXB Trẻ tái bản năm 2003.

LÊ VĂN HIẾU

Tin cùng chuyên mục