Lính thành phố ở nhà giàn

Tại các nhà giàn trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, có 8 cán bộ - chiến sĩ TPHCM đang cùng những người lính đến từ các địa phương trong cả nước cầm chắc tay súng canh giữ vùng trời, vùng biển và sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Trong khi đã có nhiều thanh niên TPHCM tình nguyện ra Trường Sa, thì 8 cán bộ - chiến sĩ trên được coi là những người lính TPHCM đầu tiên ở nhà giàn.
Lính thành phố ở nhà giàn

Tại các nhà giàn trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, có 8 cán bộ - chiến sĩ TPHCM đang cùng những người lính đến từ các địa phương trong cả nước cầm chắc tay súng canh giữ vùng trời, vùng biển và sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Trong khi đã có nhiều thanh niên TPHCM tình nguyện ra Trường Sa, thì 8 cán bộ - chiến sĩ trên được coi là những người lính TPHCM đầu tiên ở nhà giàn.

Gắn bó nơi đầu sóng

Thiếu tá Nguyễn Văn Đồng, Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/2, nở nụ cười rạng rỡ, giới thiệu về hai chiến sĩ ở TPHCM đang làm nhiệm vụ tại nơi anh chỉ huy. Người có 19 năm gắn bó với các nhà giàn cho hay: “Lần đầu tiên tôi gặp chiến sĩ thành phố ở nhà giàn! Đây cũng là số lượng chiến sĩ TPHCM nhiều nhất có ở một nhà giàn”. Hạ sĩ Đoàn Văn Học (25 tuổi, ngụ huyện Cần Giờ, TPHCM) là một trong 2 chiến sĩ đó. Học kể, mình quyết định đến với nhà giàn trong khi ba mẹ lo lắng, còn bạn bè thì lấy làm lạ. Gần 1 năm trước, khi học xong cao đẳng nghề và đang làm nhân viên trực tổng đài Viettel, Học viết đơn tình nguyện đi bộ đội. Gia đình và bạn bè không ai nghĩ Học lại nghỉ việc để nhập ngũ. Nộp đơn xong, Học mới thưa chuyện với ba mẹ. Trước quyết định của con, bà Nguyễn Thị Liên dặn dò: “Tùy con, nếu con đã quyết thì nhất định phải làm tròn, đừng nói tới nói lui”. “Con lớn rồi, con biết phải làm gì”, Học đáp.

Sự góp mặt của người lính thành phố làm cho ngôi nhà giữa biển khơi thêm rộn ràng âm điệu, đa dạng bản sắc. Từ bữa ăn đến các câu chuyện chia sẻ cũng phong phú, rôm rả hơn với nhiều món, nhiều chuyện hội tụ từ các vùng miền. Ngôi nhà nhờ thế càng ấm áp, mọi người gần gũi, gắn bó hơn. Nhớ ngày mới ra nhà giàn, đi tàu chưa quen lại gặp gió lạnh, Học ngã bệnh, nằm bẹp một chỗ. Tất cả anh em trong nhà đều đến bên giường hỏi thăm, ân cần đút từng thìa cháo cho người chiến sĩ mới. “Các anh nấu ăn rất ngon, chăm em rất khéo nên bệnh tật mau chóng tiêu tan, nỗi nhớ nhà cũng được bù đắp bởi tình đồng chí, đồng đội. Ngày thường cũng thế, có gì ngon như lâu lâu bắt được con cá hiếm, cán bộ nhường chiến sĩ tụi em hết. Việc khó nhọc tất nhiên cán bộ cũng tiên phong”, Học chia sẻ về cuộc sống ở nhà giàn, gia đình thứ hai của mình.

Giữa bốn bể mây trời, Học chậm rãi chia sẻ về tấm chân tình của đồng đội. Trong lúc chuyện trò, Học vẫn không ngơi tay, luôn từ tốn, siêng năng hoàn tất các phần việc. Vốn có tay nghề về kỹ thuật, sau ca gác, Học thường tự sửa chữa một số đồ điện tử, đèn điện trong nhà giàn bị hư. Bộ đèn Led trang trí tết Bính Thân 2016 ở nhà giàn cũng do Học sửa lại từ đồ cũ, thay vì phải chờ đợi mua từ trong đất liền. Chính Học thừa nhận bản thân đã “khác nhiều so với 1 năm trước, không còn tính nóng nảy, cộc cằn vô cớ”.

Chiến sĩ Nguyễn Tấn Thanh trong phiên gác trên nhà giàn DK1/2

Tình nguyện vì quê hương

Cách đây 3 tháng, nhà giàn DK1/2 đón thêm chiến sĩ TPHCM thứ hai, binh nhất Nguyễn Tấn Thanh (20 tuổi, cùng ngụ huyện Cần Giờ). Giống như Học, Thanh tình nguyện đi bộ đội, ra nhà giàn. Ngày lên đường, tiệm hớt tóc ở Cần Giờ do Thanh mở gần nhà cũng đóng lại. “Được ghé vai gánh vác trách nhiệm ở nơi đầu sóng ngọn gió để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc là niềm vinh dự của bất cứ bạn trẻ nào. Lần đầu tiên nhìn thấy nhà giàn tôi mừng lắm. Lúc đặt chân tới, tôi đi mấy vòng quanh nhà, làm quen với ngôi nhà mới”, Thanh chia sẻ. Thanh kể, lúc viết đơn tình nguyện, Thanh không nghĩ mình đủ chuẩn. Bấy giờ, Thanh nặng 47kg, tự thấy mình hơi gầy gò, mảnh dẻ. Vậy mà sau 3 tháng, nhờ chế độ ăn uống đúng giờ giấc với toàn thực phẩm sạch, Thanh đã tăng 6kg. Ngày nào Thanh cũng nhảy lên bàn cân đo cân nặng của mình, như một cách phản chiếu niềm hạnh phúc lớn từng ngày được công tác ở nhà giàn.

Như đồng đội cùng ngụ huyện Cần Giờ, binh nhất Lê Thanh Sang (23 tuổi, nhà giàn DK1/9) cũng gác lại công việc ở một công ty đo đạc để làm nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió. Sang kể, trước kia, Sang chưa tìm hiểu về nhà giàn và không biết nhà giàn DK1 là thế nào. Ba mẹ Sang cũng vậy. Đặt chân tới nhà giàn, Sang mới gọi điện kể cho mọi người biết về những ngôi nhà nơi tiền tiêu của Tổ quốc. Sau 3 tháng, bao vất vả, bỡ ngỡ đầu tiên đã vượt qua, Sang nói, niềm hạnh phúc lớn nhất mà Sang cảm nhận được là sự quan tâm của đồng chí, đồng đội cùng tình cảm từ Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM với bản thân và gia đình mình.

Trong khi các chiến sĩ như Học, Thanh, Sang sinh ra và lớn lên ở TPHCM và mới lần đầu ra nhà giàn thì các cán bộ thường có quê ở các tỉnh, thành khác. Sau khi chuyển hộ khẩu về TPHCM, họ vẫn tiếp tục gắn bó với nhà giàn hàng chục năm với niềm tự hào là một trong số công dân của TPHCM làm nhiệm vụ trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Đáp lại, hậu phương TPHCM luôn thường xuyên thăm hỏi, chia sẻ kịp thời những khó khăn của các gia đình. Đại úy Nguyễn Thế Sanh (quê Thái Bình, ngụ quận 1, TPHCM), công tác tại nhà giàn DK1/14 phấn khởi: “Dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, lãnh đạo thành phố đã tới chúc tết gia đình tôi và nhà cán bộ - chiến sĩ công tác ở nhà giàn DK1. Tình cảm, sự quan tâm đó là điểm tựa, thêm nguồn động viên, thêm ấm lòng chiến sĩ công tác ngoài khơi xa”.

MẠNH HÒA

Tin cùng chuyên mục