Ngày thứ 2 kỳ họp thứ 18 HĐND TPHCM khóa VIII đề ra phương hướng giải quyết những vấn đề bức xúc

Ngành thuế kiểm điểm sai sót
Ngày thứ 2 kỳ họp thứ 18 HĐND TPHCM khóa VIII đề ra phương hướng giải quyết những vấn đề bức xúc

Ngày 29-7, ngày thứ 2 kỳ họp thứ 18 HĐND TPHCM khóa VIII, đại biểu tiến hành thảo luận tình hình kinh tế - xã hội TP năm 2015. Doanh nghiệp đã nộp thuế nhưng vẫn bị bêu tên; nhà dân biến thành hầm, hẻm biến thành suối; tai nạn do xe đầu kéo và nhiều vấn đề dân sinh khác được các đại biểu (ĐB) yêu cầu cơ quan chức năng giải trình rõ.

Cục trưởng Cục thuế TPHCM Nguyễn Đình Tấn giải trình tại kỳ họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Ngành thuế kiểm điểm sai sót

ĐB Trần Quang Thắng phản ánh: “Nhiều doanh nghiệp khẳng định không nợ thuế nhưng vẫn bị bêu tên, ảnh hưởng lớn đến uy tín của mình. Đề nghị cơ quan chức năng có giải trình rõ”. ĐB Tô Thị Bích Châu thông tin thêm, có doanh nghiệp bị bêu tên vào đúng thời điểm chuẩn bị ký hợp đồng giao dịch mới nên đối tác đã dừng lại hợp đồng vì nợ quá nhiều. Giải trình về việc này, Cục trưởng Cục Thuế TPHCM Nguyễn Đình Tấn cho biết: Ngày 20-6, theo yêu cầu của Bộ Tài chính, Cục Thuế TPHCM đã cung cấp danh sách 200 doanh nghiệp nợ thuế lớn để đăng tên lên trang web của Bộ Tài chính. Trong số đó có một số doanh nghiệp bị sai với số nợ không đúng. Theo ông Tấn, nguyên nhân dẫn đến sai sót này do ngành thuế TP vội vàng, chưa rà soát kỹ nên có 26 doanh nghiệp nợ thuế với tổng số tiền là 508 tỷ đồng. Khi phát hiện ra sai sót, Cục Thuế TPHCM đã gửi thư xin lỗi các doanh nghiệp và đăng báo công khai.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, rất bất ngờ về việc Cục Thuế không nắm được cụ thể việc nợ thuế của doanh nghiệp để dẫn đến công bố không chính xác: “Cần làm rõ việc này để không xảy ra nữa trong thời gian tới, làm mất uy tín của doanh nghiệp là vấn đề nghiêm trọng chứ không phải nhận lỗi là xong”, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.

“Ngành thuế TP đã kiểm điểm nguyên nhân dẫn đến sai sót vừa qua và tiếp tục tìm thêm doanh nghiệp có thông tin chưa chính xác. Chúng tôi xin lỗi các doanh nghiệp và sẽ kiểm điểm, rà soát để không tiếp tục việc thiếu trách nhiệm như vừa qua”, ông Tấn nói. Người đứng đầu ngành thuế TP cũng cho rằng với những doanh nghiệp có sai sót, Cục Thuế đã báo cáo, gửi Bộ Tài chính, đưa các doanh nghiệp này ra khỏi danh sách và sắp tới cục chỉ công bố tên những doanh nghiệp đã qua rà soát.

Nhà thành hầm, hẻm thành suối

Nhiều dự án nâng đường biến “nhà dân thành hầm, biến hẻm tháng suối” được ĐB Lâm Thiếu Quân bức xúc nêu ra. Tình trạng này càng ngày càng nhiều, đã có trên 100 con hẻm tại các quận 6, Tân Phú, Bình Tân và Phú Nhuận bị ảnh hưởng về việc này. “Cử tri cho rằng, khi triển khai dự án hạ tầng, người dân không được chính quyền địa phương, cơ quan chức năng thông tin đầy đủ để cùng có giải pháp ứng phó nên họ hoàn toàn bị động. Nhà nước cần công khai với dân khi triển khai dự án, có giải pháp hỗ trợ đối với nhà dân bị ảnh hưởng. Khi làm xong để dân phản ứng mới trả lời thì không thể được”, ĐB Lâm Thiếu Quân bức xúc.

Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Sở GTVT TPHCM, thừa nhận có tình trạng đường xây cao hơn nhà dân do chưa kiểm soát kỹ hồ sơ thiết kế của dự án cũng như lấy ý kiến người dân sống trong khu vực bị ảnh hưởng. Về phía quản lý nhà nước, ông Chung cho biết sở đã có văn bản hướng dẫn tất cả các đơn vị chức năng tiến hành điều tra xã hội học trước khi thực hiện các công trình nâng đường. Sở cũng đã chỉ đạo bộ phận thiết kế phải kiểm tra kỹ hồ sơ, các dự án thực hiện phải có sự đồng thuận của người dân. “Sắp tới, sở sẽ công khai các danh mục dự án và gửi các tổ đại biểu HĐND để cùng giám sát”, ông Chung nói. Về hỗ trợ nhà dân bị ảnh hưởng, ông Chung thông tin Sở Xây dựng TP đang hoàn chỉnh chính sách hỗ trợ để báo cáo UBND TP.

Trả lời ĐB về số vụ tai nạn do xe đầu kéo (xe tải trọng lớn) gây ra ngày càng nghiêm trọng trên địa bàn TPHCM, theo Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Thành Chung, trong 6 tháng đầu năm 2015, số vụ tai nạn do xe đầu kéo gây ra trên địa bàn TP chiếm 45% so với cả nước. Qua tìm hiểu nguyên nhân, chỉ có 2 vụ tai nạn giao thông do lỗi kỹ thuật, đa phần do chủ quan tài xế. Đáng lưu ý, khi doanh nghiệp tổ chức khám sức khỏe cho hơn 39.000 lượt trong năm 2014 thì có 121 trường hợp dương tính với ma túy. Riêng 6 tháng đầu năm 2015, tổ chức khám sức khỏe cho hơn 17.600 tài xế, trong số này có 16 trường hợp dương tính với ma túy. Khi phát hiện, công an giữ bằng lái tài xế sử dụng ma túy để xử lý. Cũng theo ông Chung, qua kiểm tra, trong 6 tháng đầu năm 2015, sở đã phát hiện 107 trường hợp sử dụng bằng lái giả. Sở đã yêu cầu tất cả doanh nghiệp vận tải rà soát lại bằng lái của các tài xế. Cùng với đó, Cục đường bộ rà soát lại tất cả bằng lái đã cấp cho những cá nhân. Do vậy, chỉ cần vào mạng đối chiếu, doanh nghiệp có thể biết tài xế sử dụng bằng giả hay thật để ngăn chặn. “Đối với trường hợp sử dụng bằng giả, ngoài việc giao đối tượng cho công an xử lý, về phía ngành sẽ cấm cấp phép lái xe hành nghề đối tượng này trong 5 năm”, ông Chung cho hay.

Nhiều mẫu nước giếng không đạt quy chuẩn

Buổi chiều, kỳ họp diễn ra phần giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết 28/NQ-HĐND ngày 12-12-2014 của HĐND TPHCM khóa VIII về chỉ tiêu phấn đấu 100% các hộ dân TP được sử dụng nước sạch hoặc nước hợp vệ sinh. BS Lê Văn Nhân, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM giải thích cụ thể: qua giám sát, chất lượng nước máy tại TPHCM do Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn cung cấp đạt Quy chuẩn Việt Nam 01 của Bộ Y tế, an tâm về chất lượng và đảm bảo sức khỏe của người dân. Tuy nhiên, đối với nước giếng khoan, giếng đào qua xét nghiệm cho kết quả không đạt Quy chuẩn Việt Nam 02 của Bộ Y tế, cụ thể là nhiễm sắt, amoni, vi sinh... Trong 1.400 mẫu nước giếng tập trung tại 7 quận, huyện, đa phần không đạt chỉ tiêu lý hóa, chủ yếu là độ pH thấp, độ đục cao, nước bị nhiễm sắt. Nếu người dân sử dụng nước giếng khoan, giếng đào không đạt tiêu chí theo Quy chuẩn Việt Nam 02 thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Nguy hiểm nhất là qua kiểm tra, phát hiện một số mẫu nước bị nhiễm chất amoni. “Nếu sử dụng nước nhiễm amoni cho việc ăn uống hàng ngày sẽ gây tác hại rất lớn. Vì chất amoni sau khi chuyển hóa thành nitrat, nitrit làm cho cơ thể chúng ta bị thiếu oxy, gây bệnh ung thư”, BS Nhân cảnh báo.

Phát biểu kết luận, đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm nêu ra 3 nhóm vấn đề mà UBND TPHCM cần tiếp tục chỉ đạo giải quyết. Thứ nhất, phát triển mạng lưới cấp nước như các biện pháp UBND TP đưa ra: phát triển mạng lưới cấp nước, đẩy mạnh công tác xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực cấp nước, lắp đặt thiết bị xử lý nước tại hộ gia đình... Thứ hai, đảm bảo chất lượng nước và giá nước phải theo giá cung cấp của Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn. Thứ ba, cần tuyên truyền, vận động người dân phối hợp chính quyền, đoàn thể nâng cao nhận thức tự bảo vệ sức khỏe.

Hôm nay 30-7, kỳ họp tiếp tục với phần chất vấn - trả lời chất vấn của Chánh án TAND TPHCM, lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, lãnh đạo UBND TPHCM và thông qua các nghị quyết.


 VÂN ANH - ÁI CHÂN

Tin cùng chuyên mục