Vùng lõm chính trị Bàn Cờ

Vùng lõm chính trị Bàn Cờ

Các phong trào đấu tranh, những cuộc biểu tình tuần hành của sinh viên, học sinh; ngày lao động vùng lên của công nhân, lao động miền Nam trước tháng 4-1975… đều xuất phát từ vùng Bàn Cờ. Các má, các chị tiếp tế hậu cần, chăm sóc y tế, chuyển thương binh về tuyến sau, che chở, đưa về hậu cứ…    

Toàn vùng Bàn Cờ được nối liên hoàn từ nhà này sang nhà khác, rồi nối với các khu; các khu lại tạo thành từng lõm hoạt động theo sự phân công của Chi bộ 4 vùng Bàn Cờ, có thời điểm do đồng chí Nguyễn Văn Phương, làm Bí thư. Trong một tài liệu được ông Nguyễn Văn Phương khẳng định, vùng Bàn Cờ có đến hàng chục vùng lõm chính trị với hàng trăm quần chúng nhân dân vừa tham gia hoạt động, vừa bảo vệ vững chắc căn cứ địa cách mạng - địa chỉ đỏ Bàn Cờ - giữa lòng đô thị Sài Gòn trong suốt những năm ác liệt nhất của hai cuộc kháng chiến. Các má Võ Thị Chí, Trần Thị Vàng, Nguyễn Thị Tá, Trần Thị Giá… trở thành những người mẹ Bàn Cờ, vừa là chỗ dựa cho phong trào, vừa là cơ sở nuôi giấu, bảo vệ cách mạng. Chính các má là biểu tượng của lòng dân, là nguồn sức mạnh cho các phong trào đấu tranh cách mạng của vùng Bàn Cờ giữa lòng địch.

Vợ chồng ông bà Nguyễn Trọng Xuất - Trần Thị Ngọc Sương.

Ông bà Nguyễn Trọng Xuất - Trần Thị Ngọc Sương, nhân chứng và là chủ căn nhà 51/10/14 Cao Thắng, phường 3 (quận 3) - là trụ sở Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam bộ giữa lòng Bàn Cờ trong những năm kháng chiến ở đô thị Sài Gòn. Bà Sương kể: “Năm 1965, tôi được chuyển về công tác nội đô do Ban Phụ vận Khu ủy Sài Gòn - Gia Định phụ trách. Cùng hoạt động với tôi lúc bấy giờ có chị Nguyễn Thị Chơn, chị Mai Thị Hải (cánh vũ trang), chị Tư vợ liệt sĩ Đoàn Văn Bơ và nhiều chị em khác. Dãy nhà 51/10 gồm các nhà từ 12 đến 16, 18, 20… liền kề với căn nhà tôi, trở thành nơi ở bí mật của chị Lê Thị Riêng và nhiều đồng chí khác. Để che mắt địch, gia đình tôi làm nghề tráng bánh phồng tôm, vừa tạo thu nhập nuôi bầy con nhỏ, vừa mở rộng quan hệ xã hội ra các khu nhà khác trong khu vực để tranh thủ sự ủng hộ. Trong phong trào bảo vệ nhân quyền và quyền lợi phụ nữ Việt Nam, khu nhà xung quanh nhà tôi trở thành Địa chỉ đỏ Cao Thắng, nơi tụ họp, giao lưu các nhân sĩ trí thức tham gia phong trào như luật sư Ngô Bá Thành, nhà giáo Phan Thị Của, nữ sĩ Vân Trang… Trong chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, chiếc xe Honda tôi thường đi hàng ngày trở thành phương tiện chuyên chở vũ khí vào nội thành…”.

Vào thời kỳ đàm phán Hiệp định Paris, Trung ương chỉ đạo cơ sở nội thành bằng mọi cách phải đưa tài liệu, báo chí công khai của chế độ Sài Gòn sang phái đoàn của ta ở Pháp để đấu tranh. Bà Sương ngồi quầy tiếp nhận bưu phẩm đã thiết lập một đường dây từ đầu mối cô Tám - tức Võ Thị Hay, nhà ở 51/10/16-18 Cao Thắng, làm nhân viên Thư viện Quốc gia, chuyên cung cấp báo chí, sau đó giao cho bà Sương đóng gói, rồi lấy địa chỉ của ông Nguyễn Trung Phong - Trưởng phái đoàn chế độ Sài Gòn, chuyển qua dây chuyền tiếp nhận bưu phẩm gửi đi Pháp. Đến công đoạn cuối trước khi lên máy bay có người của ta tráo gói bưu phẩm gửi đi theo địa chỉ của mình ở Pháp. Cả khu vực hẻm 51/10 Cao Thắng nhà nào cũng biết về đường dây hoạt động này, nhưng địch không hề biết, dù chúng đã nhiều lần vây ráp từ trường Trí Đức ở đường Cao Thắng, anh em lại tẩu thoát qua các con hẻm chằng chịt của khu Bàn Cờ. Không chỉ khu lõm hẻm 51/10 Cao Thắng chuyên nuôi giấu cán bộ, chuyển thư từ, tài liệu, báo chí đi khắp nơi, vùng Bàn Cờ còn nhiều khu lõm khác như: khu nhà đối diện dãy 51/10 Cao Thắng của cánh trí vận; khu 115 Cao Thắng là cánh Thành đoàn của chị Tư Liêm; khu đường Nguyễn Đình Chiểu của cánh ông Lai quân sự, có nhà chứa cả kho vũ khí… 

HOÀI NAM

Tin cùng chuyên mục