Xây dựng chiến lược, giải pháp bảo vệ quyền lợi quốc gia

Xây dựng chiến lược, giải pháp bảo vệ quyền lợi quốc gia

Hội thảo quốc tế về việc xây các đảo nhân tạo trên biển Đông

Ngày 25-7, tại TPHCM, Hội Luật gia Việt Nam và Trường Đại học Luật TPHCM tổ chức Hội thảo quốc tế "Việc xây dựng các đảo nhân tạo trên biển Đông và những tác động của nó đối với hòa bình, an ninh, phát triển kinh tế và thương mại trong khu vực". Trao đổi với PV Báo SGGP về nguyên nhân hội thảo được tổ chức vào thời điểm này, GS-TS Mai Hồng Quỳ (ảnh), Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM cho biết:

Từ đầu năm 2014 đến nay, Trung Quốc đã tiến hành bồi đắp, xây dựng các công trình trên biển và các đảo nhân tạo nhằm mục đích củng cố sự chiếm đóng bất hợp pháp của mình tại các đảo, bãi cạn và bãi đá trong cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Hành vi này đã gặp phải sự phản đối từ nhiều quốc gia khác trong khu vực cũng như cộng đồng quốc tế bởi bị xem là vi phạm quy định Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và Tuyên bố về Ứng xử của các bên trên biển Đông (COC) năm 2002 giữa nước này và ASEAN. Tuy nhiên từ góc độ khoa học, chúng ta cần đánh giá hành vi này một cách chính xác, khách quan và toàn diện để từ đó tìm ra những giải pháp hợp lý cho vấn đề.

Hội thảo quốc tế “Việc xây dựng các đảo nhân tạo trên biển Đông và những tác động của nó đối với hòa bình, an ninh, phát triển kinh tế và thương mại trong khu vực” sẽ tập trung phân tích, đánh giá một cách cụ thể, thấu đáo các hành vi xây dựng đảo và thiết bị, công trình nhân tạo trên biển Đông của Trung Quốc từ góc độ pháp luật quốc tế và mức độ vi phạm của chúng đối với chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên biển của Việt Nam và các quốc gia ven biển; cũng như đánh giá tác động của các hành vi này đối với hòa bình, an ninh, hợp tác kinh tế trong khu vực. Quan điểm khoa học của các học giả trong nước và quốc tế tại hội thảo này sẽ góp phần tích cực cho chúng ta xây dựng các chiến lược và giải pháp bảo vệ các quyền lợi của quốc gia phù hợp và hiệu quả. 

Phóng viên: Dự kiến thành phần tham dự hội thảo gồm những ai? Có những diễn giả nào tâm huyết, có kiến thức sâu rộng về tình hình biển Đông? Tham luận trình bày tại hội thảo xung quanh những chủ đề gì, thưa bà?

GS-TS MAI HỒNG QUỲ: Dự kiến sẽ có hơn 16 chuyên gia, học giả về luật quốc tế, luật biển quốc tế - là những chuyên gia, học giả có uy tín khoa học lớn đến từ Liên bang Nga, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Philippines và Việt Nam - sẽ tham dự, trình bày tham luận tại hội thảo. Đặc biệt có sự hiện diện của GS - TS Erik Franckx, Trọng tài viên của Tòa Trọng tài thường trực quốc tế La Haye - Hà Lan, Trưởng khoa luật Quốc tế và luật châu Âu, Đại học Vrije Universiteit Brussels, Vương quốc Bỉ.

Ban tổ chức hội thảo đã nhận được hơn 22 bài tham luận và đã chọn 10 bài tham luận có chất lượng trình bày tại hội thảo. Các bài tham luận tập trung hai chủ đề. Chủ đề 1: Khía cạnh pháp lý liên quan đến đảo và công trình, thiết bị nhân tạo theo quy định của Công ước quốc tế của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982. Chủ đề 2: Tác động của việc xây dựng đảo, công trình, thiết bị nhân tạo đối với hòa bình, an ninh, kinh tế và thương mại khu vực.

Các kiến nghị khách quan, khoa học của các đại biểu sẽ được gửi đến cơ quan hữu quan của Việt Nam và cơ quan, tổ chức quốc tế?

 Các kiến nghị khách quan, khoa học của các chuyên gia, học giả, nhà nghiên cứu trình bày, đề xuất tại hội thảo sẽ được Ban Tổ chức hội thảo (hoặc Trường Đại học Luật TPHCM, Hội Luật gia Việt Nam) tổng hợp và gửi đến Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Văn phòng Quốc hội, các đoàn Đại biểu quốc hội, các cơ quan thông tấn báo chí, ASEAN...

Hội thảo lần này có thể xem là bước tiếp theo của Hội thảo quốc tế (tổ chức vào tháng 7-2014). “Những khía cạnh pháp lý liên quan đến sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng biển Việt Nam” không, thưa bà? Ban Tổ chức hy vọng hội thảo sẽ đạt được kết quả tốt đẹp như hội thảo quốc tế lần trước?

Hội thảo quốc tế “Những khía cạnh pháp lý liên quan đến sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng biển Việt Nam” đã tạo được tiếng vang rất lớn cả về phương diện khoa học, chính trị và pháp lý, góp phần đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền và tài phán trên các vùng biển và hải đảo thiêng liêng của Tổ quốc theo quy định của Công ước của Liên hiệp quốc năm 1982. Từ kết quả tốt đẹp đó, với tư cách là một trong hai trung tâm nghiên cứu, giảng dạy, đào tạo pháp luật lớn nhất của nước ta, Trường Đại học Luật TPHCM phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam quyết định tổ chức Hội thảo quốc tế thường niên về biển Đông nhằm tạo diễn đàn khoa học để các chuyên gia, học giả, nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế bàn bạc, thảo luận chuyên sâu về các khía cạnh pháp lý của luật quốc tế nói chung và luật biển quốc tế nói riêng trên nền tảng của UNCLOS 1982.

Với định hướng đó, cùng với sự chuẩn bị chu đáo, bài bản, với sự đồng thuận của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đặc biệt là sự giúp đỡ, hỗ trợ của UBND TPHCM chúng tôi tin tưởng hội thảo này sẽ thành công tốt đẹp và đạt được kết quả như kỳ vọng. Hội thảo sẽ làm sáng tỏ các quy định liên quan đến xây dựng đảo và công trình, thiết bị nhân tạo theo quy định của Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982; khẳng định hành vi tôn tạo, xây dựng các đá trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam mà Trung Quốc đang tiến hành là vi phạm nghiêm trọng các quy định liên quan của UNCLOS 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002; khẳng định hành vi xây dựng, tôn tạo trên quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc đang tiến hành là đe dọa hòa bình, an ninh, kinh tế, thương mại của khu vực và quốc tế.

Và chúng tôi tin tưởng rằng, kết quả của Hội thảo lần này sẽ góp phần bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên biển Đông nói chung và quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nói riêng.

ÁI CHÂN

Tin cùng chuyên mục