Thanh tra phát hiện vi phạm kinh tế gần 11.300 tỷ đồng

Chuyển đổi vị trí công tác 8.649 cán bộ

Ngày 23-7, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã họp báo về kết quả chủ yếu công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC), phòng, chống tham nhũng 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2015.

Chuyển đổi vị trí công tác 8.649 cán bộ

Theo TTCP, trong 6 tháng đầu năm, toàn ngành đã triển khai 2.842 cuộc thanh tra hành chính và 116.334 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành tại 268.251 tổ chức, cá nhân. Qua thanh tra đã chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế 11.298,6 tỷ đồng, 655,9ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 7.593,5 tỷ đồng (đã thu hồi 6.203,3 tỷ đồng, đạt 81,7%) và 514,9ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 3.705 tỷ đồng, 141ha đất. Cơ quan thanh tra đã ban hành 106.562 quyết định xử phạt vi phạm đối với tổ chức, cá nhân với số tiền 1.830 tỷ đồng; kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với 405 tập thể, 23 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 28 vụ, 32 đối tượng.

Về phòng chống tham nhũng, trong 6 tháng đầu năm đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác 8.649 cán bộ, công chức, viên chức. Xem xét, xử lý trách nhiệm 18 người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Ngành thanh tra đã phát hiện 29 vụ, 58 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng với số tiền 27,5 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 9,3 tỷ đồng; kiến nghị xử lý hành chính 9 cá nhân, xử lý hình sự 9 vụ, 7 đối tượng. Cơ quan điều tra trong ngành công an đã thụ lý điều tra 225 vụ, 600 bị can phạm tội về tham nhũng. Đã kết luận điều tra đề nghị truy tố 103 vụ, 272 bị can. Đáng chú ý, có 1 người tố cáo, phát hiện tham nhũng được khen thưởng.

Bắt 1 cán bộ TTCP

Tại cuộc họp báo, ông Ngô Văn Khánh, Phó Tổng TTCP cho biết, một cán bộ đang công tác tại cơ quan này vừa bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội bắt giữ để làm rõ nghi án nhận 100 triệu đồng. Hiện TTCP chưa nhận được văn bản chính thức của cơ quan công an, tuy nhiên TTCP đã trao đổi với phía công an về việc này. Ngày 8-7, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội đã cử cán bộ đến làm việc với TTCP liên quan đến việc ông Nguyễn Tiến Dũng (sinh năm 1980), đang công tác tại Phòng Tổng hợp, Cục 1 - TTCP. Theo đó, vụ việc của ông Dũng liên quan đến một vụ án do cơ quan cảnh sát điều tra đang tiến hành điều tra. Vụ án này có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra ngày 7-7-2015 tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Theo ông Khánh, việc này không liên quan đến hoạt động công vụ. Hiện ông Dũng đang bị tạm giữ để phục vụ công tác điều tra. Căn cứ Luật Cán bộ công chức và nghị định hướng dẫn liên quan, ngày 8-7 vừa qua, Tổng TTCP cũng đã có quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Dũng. Mặc dù vụ việc đang trong quá trình điều tra, nhưng ông Ngô Văn Khánh cho rằng đây là một bài học đắt giá, đau xót đối với TTCP trong việc quản lý, tu dưỡng, rèn luyện cán bộ.

Sai phạm tại HUD: Sẽ chuyển cơ quan điều tra nếu đủ yếu tố

Tại cuộc họp báo, báo chí cũng chất vấn, tại sao kết luận của TTCP về Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) cho thấy đơn vị này có rất nhiều sai phạm nghiêm trọng nhưng không có vụ việc nào được chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để tiếp tục điều tra, làm rõ. Theo ông Ngô Văn Khánh, kết luận thanh tra tại HUD có phát hiện những sai phạm nghiêm trọng về việc làm trái, buông lỏng quản lý kinh doanh bất động sản cho các đơn vị thành viên với quy mô rất lớn (làm trái và buông lỏng); kinh doanh bất động sản trái quy định. TTCP đã làm việc với Bộ Xây dựng nhiều lần, làm việc với cơ quan tố tụng 2 lần. Tuy nhiên, theo quy định, việc chuyển vụ việc sang cơ quan tố tụng phải có đủ yếu tố cấu thành tội phạm... “Chúng tôi chưa đánh giá được hết thiệt hại của HUD khi làm việc với cơ quan tố tụng, chưa thể xác định được ở thời điểm kết thúc thanh tra và kết luận thanh tra. Khi làm việc đó chúng tôi thống nhất chưa thể tiến hành chuyển hồ sơ được” - ông Khánh cho biết.

Kết luận của TTCP nêu rõ không bỏ qua được những sai phạm tại HUD. Trong kiến nghị kết luận thanh tra, TTCP cho rằng việc quản lý sử dụng vốn ở HUD rất khó khăn, nhiều việc có nguy cơ mất vốn nên kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng căn cứ vào kết luận thanh tra này, với trách nhiệm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước và quản lý ngành, phối hợp với cơ quan chức năng rà soát, xử lý theo thẩm quyền và pháp luật để HUD khắc phục tồn tại, gắn với tái cơ cấu; đồng thời xử lý tập thể, cá nhân theo đúng quy định pháp luật. Ông Khánh khẳng định, trong tiến trình tiếp theo, nếu xác định được hậu quả chắc chắn các cơ quan chức năng phối hợp sẽ chuyển sang cơ quan điều tra ª

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục