Bám sát thực tiễn và lắng nghe khi xây dựng pháp luật

Sửa Điều 60 Luật BHXH cần mang tính lâu dài
Bám sát thực tiễn và lắng nghe khi xây dựng pháp luật

Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 là chủ đề được thảo luận sôi nổi tại các tổ ĐBQH trong phiên họp sáng 22-5. Bên cạnh đó, các vị ĐBQH cũng đã cho ý kiến về chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khóa XIII và dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND.

Sửa Điều 60 Luật BHXH cần mang tính lâu dài

Tại Đoàn ĐBQH TPHCM, bày tỏ nhất trí cao với đề xuất sửa đổi điều luật này như Chính phủ đã trình, ĐB Trần Thanh Hải đưa ra phân tích cụ thể một trường hợp công nhân lành nghề, lao động lâu năm, đến khi về hưu chỉ được nhận chưa đầy 1 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp rất khắc nghiệt với người lao động, 3 năm sa thải 1 lần, khiến một bộ phận không nhỏ người lao động phải dịch chuyển công việc. “Lựa chọn nhận BHXH một lần của người lao động là chính đáng, không thể không xem xét”, ĐB Trần Thanh Hải nói. Phát biểu sau đó, ĐB Ngô Ngọc Bình cho biết, đây không phải chỉ là nguyện vọng của công nhân một công ty tại TPHCM, mà người lao động ở nhiều địa phương, thuộc nhiều ngành nghề khác nhau cũng có chung mong muốn này. “Lương hưu không đủ mua mỗi ngày một tô phở thì không thể coi là nguồn thu nhập bền vững có thể trông cậy vào đó được”, ĐB Ngô Ngọc Bình trăn trở.

Thẳng thắn cho rằng công tác xây dựng pháp luật hiện nay trong nhiều trường hợp là xa rời thực tiễn, mà Điều 60 của Luật BHXH 2014 chỉ là một trong nhiều ví dụ, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm góp ý: “Quốc hội cần tạo thêm không gian tranh luận trong quá trình làm luật. Cách thức thảo luận, biểu quyết thông qua các văn bản luật cần được đổi mới. Tôi thấy việc chỉ thông qua một vài điều luật - có khi lại không phải là vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau - rồi sau đó thông qua toàn văn dự luật là chưa đảm bảo cân nhắc, tiếp thu hết mọi ý kiến xác đáng của ĐBQH”. Theo ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, cách nhận định “công nhân phản ứng do chưa được tuyên truyền, thuyết phục đúng mức” chỉ đúng một phần; chưa thấy hết được nguyên nhân cốt lõi của vấn đề là quy định không hợp lý. “Ở đây phải công nhận rằng bản chất của vấn đề là chính sách chưa tốt”, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.

Cùng kiến nghị dứt khoát sửa đổi theo hướng trao quyền cho người lao động lựa chọn hình thức nhận BHXH một lần hay nhận lương hưu, ĐB Trần Hoàng Ngân phát biểu: “Đây không phải là sửa đổi tạm thời mà có tính lâu dài, không nên dùng từ “trước mắt”. Quốc hội có phần trách nhiệm khi đã thông qua một điều luật chưa có hiệu lực đã phải rút lại, nhưng đã thấy không phù hợp rồi thì phải sửa”. Chia sẻ thêm, ĐB Trần Hoàng Ngân nói bản thân ông thấy “buồn và xấu hổ” khi chưa làm hết trách nhiệm với cử tri.

ĐB Huỳnh Văn Tí (Bình Thuận) nói rõ thêm: “Sửa Điều 60 không phải là bỏ hẳn mà bổ sung thêm cơ chế linh hoạt hơn để người lao động lựa chọn. Nhưng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người lao động hướng về giải pháp bền vững hơn như Điều 60. Bên cạnh đó cũng cần nâng dần điều kiện người lao động hưởng BHXH một lần”. Ghi nhận đây là trường hợp hy hữu khi luật chưa có hiệu lực thi hành đã sửa, nhưng ĐB Lê Minh Thông (Thanh Hóa) cho rằng: “Nếu điều đó là đòi hỏi thực tiễn của một bộ phận người lao động, không ảnh hưởng đến chính sách an sinh xã hội. Việc này cũng cho thấy luật pháp biết lắng nghe, bám sát thực tiễn”.

Có quan điểm hơi khác với nhiều ĐBQH trên, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng (ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) cảnh báo, khi công trình thủy điện Sông Đà kết thúc, hàng chục ngàn lao động được hưởng chính sách một lần theo Quyết định 176 với số tiền quá ít, không đủ để họ làm gì. “Cuộc sống của họ khó khăn dai dẳng đến tận bây giờ. Tôi cho rằng tuy sửa Điều 60 nhưng phải tuyên truyền để người lao động hiểu luật này được thiết kế vì lợi ích lâu dài của người dân, chứ không phải sửa luật vì làm luật chưa thấu đáo”, ông Đinh La Thăng nói.

Đại biểu Đinh Thị Bạch Mai (TPHCM) phát biểu tại thảo luận tổ.

Giảm bớt số lượng, nâng cao chất lượng

Đó là quan điểm của ĐB Phạm Đình Thường (Thái Bình) khi bàn về chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội. ĐB Phạm Đình Thường cho biết đã tham gia Quốc hội được 2 khóa và có cảm giác một số luật xây dựng sau này không đảm bảo chất lượng. Bên cạnh Luật BHXH còn có các luật khác như Luật Sĩ quan quân đội nhân dân vừa ban hành chưa có hiệu lực đã đề nghị sửa. ĐB Phạm Đình Thường kiến nghị: Năm 2016 cần giảm bớt các luật chưa thực sự cần thiết, giảm bớt áp lực cho các ĐB Quốc hội khóa mới.

Nhìn nhận vấn đề từ khía cạnh kỷ luật hành chính, ĐB Nguyễn Xuân Tỷ (Bến Tre) yêu cầu: “Phải có quy định để khi đưa luật vào chương trình rồi mà Chính phủ không trình được thì phải chịu trách nhiệm. Còn nếu trình nhưng thiếu sót không thể thông qua thì phải quy trách nhiệm cho các ủy ban”. ĐB Hoàng Đăng Quang (Quảng Bình) cũng bình luận thẳng thắn: “Quốc hội không giữ tính nguyên tắc trong xây dựng luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội “dễ dãi quá” khi cho thêm vào hoặc rút ra các dự án luật”.

Trong số các dự án luật cụ thể được đề nghị bổ sung hoặc điều chỉnh, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm đề xuất Quốc hội quan tâm đưa vào chương trình xây dựng pháp luật dự án luật về tiền lương tối thiểu; xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức. Theo ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, mặc dù Quốc hội khóa XIII không còn đủ thời gian để làm xong các luật này, nhưng cần đưa vào chương trình để Quốc hội khóa XIV tiếp tục làm. Trong khi đó, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho rằng, ưu tiên hàng đầu trong chương trình phải là các dự án luật nhằm thể chế hóa Hiến pháp, đặc biệt là nhằm thực hiện quyền con người, quyền công dân. “Chừng nào quyền con người, quyền công dân còn bị điều chỉnh bằng văn bản dưới luật thì nguy cơ vi hiến rất cao”, ĐB Trương Trọng Nghĩa bình luận. Nếu chấp thuận tiêu chí này thì Luật Biểu tình và Luật Về hội phải là những luật cần ưu tiên xây dựng, ban hành.

Liên quan đến dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND; các ý kiến đề nghị chú trọng đến khâu “hậu giám sát” để đảm bảo các kết luận giám sát được thực hiện nghiêm túc chứ không chỉ dừng lại ở mức độ kiến nghị. ĐB Vũ Viết Ngoạn (Khánh Hòa) nêu ví dụ, năm 2009, Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty và đưa ra 6 kiến nghị sau giám sát. Nhưng sau đó, năm 2011-2012, một bài báo đề cập đến hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty đã chứng minh rằng giá mà Quốc hội kiên quyết yêu cầu thực hiện đến cùng các kiến nghị của mình thì hạn chế được tình trạng sử dụng vốn không hiệu quả của khối doanh nghiệp này.

ANH THƯ - PHAN THẢO - NGỌC QUANG

Cần hạn chế “giấy phép con” trái pháp luật

Chiều 22-5, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho biết, vẫn còn 2 loại ý kiến về thẩm quyền ban hành và hình thức văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND cấp huyện, cấp xã. Cụ thể, loại ý kiến thứ nhất đề nghị quy định cấp huyện, cấp xã được ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Loại ý kiến thứ hai đề nghị không quy định cấp huyện, cấp xã được ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với loại ý kiến thứ nhất vì đấy là công cụ quan trọng để chính quyền các cấp này thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước của mình. Dự thảo luật cũng sửa đổi, bổ sung theo hướng tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân đều có quyền góp ý kiến và được tạo điều kiện góp ý kiến về các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Về việc lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản, tiếp thu ý kiến của ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho rà soát, chỉnh lý bổ sung vào dự thảo luật quy định trách nhiệm lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của các chính sách trong đề nghị xây dựng văn bản và cơ quan, tổ chức có liên quan bằng nhiều hình thức. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan chủ trì soạn thảo tổ chức đối thoại trực tiếp về chính sách với các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp để lấy ý kiến.

Góp ý về dự thảo luật này, các ĐBQH đều cho rằng, thực tế hiện nay có nhiều “giấy phép con” gây khó cho người dân, doanh nghiệp. Vì vậy cần có cơ chế kiểm tra, giám sát và cấm ban hành các thủ tục hành chính không phù hợp, trái pháp luật.
Chiều 22-5, Chính phủ cùng trình lên Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán.

LÂM NGUYÊN 

Tin cùng chuyên mục