Tầm vóc lịch sử và giá trị to lớn của Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh

(SGGPO).- Ngày 27-8, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: “45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Tầm vóc lịch sử và giá trị to lớn của Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh

(SGGPO).- Ngày 27-8, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: “45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Hội thảo có sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nghiên cứu lịch sử với hơn 50 bài tham luận thể hiện nhiều mức độ nghiên cứu khác nhau và khẳng định những giá trị của di sản Người để lại, đánh giá thành tựu và bài học kinh nghiệm qua 45 năm thực hiện Di chúc của Người.

Quang cảnh cuộc hội thảo

Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học đã tập trung làm rõ một số nội dung quan trọng trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về: Xây dựng Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh; Thực hiện chính sách xã hội, phát triển kinh tế, văn hóa, phát huy nguồn lực con người, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân; Chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; Kiên định mục tiêu đi lên chủ nghĩa xã hội và thực hiện công cuộc đổi mới; Tăng cường đoàn kết quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, góp phần thúc đẩy sự nghiệp cách mạng thế giới.

Cách mạng là của dân, do dân, vì dân

Các tham luận tại hội thảo tiếp tục khẳng định: những lời căn dặn và mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Di chúc vô cùng giản dị mà thiêng liêng, có ý nghĩa lịch sử và thời đại sâu sắc, đồng thời thấm đẫm tinh thần nhân văn cao cả. Đó là: Tư tưởng về xây dựng Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh; thực hiện chính sách xã hội, phát triển kinh tế, văn hóa, phát huy nguồn lực con người, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân; chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; kiên định mục tiêu đi lên xã hội chủ nghĩa và thực hiện công cuộc đổi mới; tăng cường đoàn kết quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, góp phần thúc đẩy sự nghiệp cách mạng thế giới. TS Chu Đức Tính, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh cho rằng: Bản Di chúc của Bác được viết trong 5 năm vào lúc Người mạnh khỏe, sáng suốt và minh mẫn. Trong 5 năm ấy, Bác để lại có 10 trang viết nhưng trong 10 trang ấy chúng ta đọc lại có thể thấy rằng Bác không quên một ai và không quên một việc gì. Cho nên, chúng ta đều thống nhất đánh giá Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một bản tổng kết thực tiễn, định hướng tương lai và là một cẩm nang cho Đảng ta trong quá trình tiếp tục tiến lên phía trước!

Theo PGS-TS Lê Quốc Lý (Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), tư tưởng nổi bật trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tư tưởng trọng dân, thân dân. Đảng vĩ đại là ở nơi Đảng biết tìm thấy sức mạnh từ trong nhân dân, vì nhân dân mà làm việc, cống hiến. Chính vì vậy, trong Di chúc, Người chỉ rõ: “Đảng cần phải có kế hoạch tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Thực hiện di nguyện của Bác, Đảng ta đã đề ra và lãnh đạo nhân dân thực hiện công cuộc đổi mới, từng bước nâng cao đời sống nhân dân. Vì vậy, để đất nước phát triển bền vững, đời sống nhân dân tiếp tục được nâng lên thì Đảng ta càng cần phải thấm nhuần tư tưởng trọng dân, thân dân trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời phải luôn luôn xác định mục tiêu, ý chí và nhiệm vụ chính trị của Đảng là phục vụ nhân dân.

Thực hiện tốt hơn nữa những căn dặn của Người

Nghiên cứu giá trị thực tiễn trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời kỳ mới, PGS-TS Lại Quốc Khánh (Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội) đã nhấn mạnh vấn đề đoàn kết trong Đảng được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập một cách toàn diện, sâu sắc. Theo đó, Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết trong Đảng thể hiện trong Di chúc với tư cách là sự kết tinh tư tưởng của người về vấn đề này, vốn được hình thành và phát triển suốt trong toàn bộ quá trình người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, thực sự là những chỉ dẫn lý luận có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với thực tiễn xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay. Trong thời kỳ đổi mới, trên phương diện xây dựng và chỉnh đốn Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết trong Đảng đã thể hiện giá trị một cách đậm nét. Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, vấn đề đoàn kết trong Đảng luôn được Đảng quan tâm, đặc biệt là trong giai đoạn có ý nghĩa quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của Đảng, khi phải đứng trước những thời cơ và cả những khó khăn thách thức lớn.

GS-TS Mạch Quang Thắng (Viện Lịch sử Đảng) khẳng định, ý nghĩa của bản Di chúc đối với công tác chỉnh đốn Đảng hiện nay còn nguyên giá trị. Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập vấn đề đoàn kết trong Đảng; vấn đề thực hành dân chủ rộng rãi; vấn đề thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình; vấn đề đạo đức cách mạng của đảng viên và cán bộ; vấn đề sự trong sạch của Đảng, xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân; vấn đề Đảng phải chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; vấn đề Đảng phải có kế hoạch để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống nhân dân... Đó là những vấn đề luôn canh cánh trong lòng, là nỗi niềm trăn trở của Bác lúc sinh thời.

Theo GS-TS Mạch Quang Thắng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu những vấn đề đó hết sức gần gũi, dễ hiểu, không hề kinh viện hay lý luận cao siêu; từ đó đến nay vẫn chưa hề suy giảm giá trị. Đảng chúng ta đã làm được rất nhiều việc và đang đẩy mạnh công cuộc chỉnh đốn Đảng. Nhưng thật đáng tiếc, việc thực hiện những điều về chỉnh đốn Đảng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong Di chúc đến nay vẫn chưa thật tốt và đáp ứng được mong mỏi của Người lúc đi xa… Và cần nhấn mạnh, đề cập nhiều hơn những mặt chưa làm được theo Di chúc của Người để rồi cố gắng, phấn đấu làm theo, làm được, làm tốt hơn nữa những căn dặn của Người.

GS-TS Tạ Ngọc Tấn (Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) khẳng định, Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn trở thành nguồn động viên, cổ vũ hết sức to lớn, là sự chỉ dẫn quan trọng để quân và dân ta tiến lên giành những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội và vạch ra phương hướng phát triển cho cách mạng Việt Nam trong các giai đoạn tiếp theo. “Những điều căn dặn và mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trong bản Di chúc vô cùng giản dị, nhưng rất đỗi thiêng liêng và thấm đẫm tinh thần nhân văn cao cả. Chính vì vậy, bản Di chúc của Người đã trở thành tác phẩm bất hủ, còn chính Người trở thành nhà tư tưởng lớn của thời đại” - GS-TS Tạ Ngọc Tấn nhấn mạnh.

TRẦN LƯU

Tin cùng chuyên mục