Thông qua Nghị quyết hỗ trợ giáo dục mầm non

Ngày 14-6, HĐND TPHCM khóa VIII đã tổ chức kỳ họp thứ 13, chuyên đề về công tác quản lý nhà nước về giáo dục mầm non và bầu bổ sung thêm một phó chủ tịch UBND thành phố. Tại kỳ họp này, các đại biểu đã thông qua Nghị quyết Hỗ trợ giáo dục mầm non trên địa bàn TPHCM (có hiệu lực từ ngày 24-6-2014).
Thông qua Nghị quyết hỗ trợ giáo dục mầm non

Kỳ họp thứ 13 HĐND TPHCM khóa VIII


Ngày 14-6, HĐND TPHCM khóa VIII đã tổ chức kỳ họp thứ 13, chuyên đề về công tác quản lý nhà nước về giáo dục mầm non và bầu bổ sung thêm một phó chủ tịch UBND thành phố. Tại kỳ họp này, các đại biểu đã thông qua Nghị quyết Hỗ trợ giáo dục mầm non trên địa bàn TPHCM (có hiệu lực từ ngày 24-6-2014).

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, phát biểu góp ý Đề án hỗ trợ giáo dục mầm non.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, phát biểu góp ý Đề án hỗ trợ giáo dục mầm non.

Thêm tiền lương giáo viên mầm non

 

Tại kỳ họp, các đại biểu đã bầu bổ sung ông Tất Thành Cang, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Giám đốc Sở Giao thông và vận tải làm Phó Chủ tịch UBND TPHCM, nhiệm kỳ 2011 - 2016. Ông Tất Thành Cang sinh năm 1971, là thạc sĩ luật, cử nhân chính trị. Ông từng giữ các chức vụ Bí thư Thành đoàn, Bí thư Quận ủy - Chủ tịch UBND quận 2.

 

Theo báo cáo của UBND TPHCM, trong năm học 2013 - 2014, thành phố có 907 trường mầm non với 336.008 trẻ ở độ tuổi mầm non, trong đó ngoài công lập là 172.274 trẻ; tổng số giáo viên là 18.544 người, có trên 71% giáo viên đạt chuẩn. Ở bậc học mầm non, hiện thành phố đang thiếu khoảng 2.000 giáo viên, phải sử dụng bảo mẫu làm công việc của chuyên môn của giáo viên. Mục tiêu của thành phố đến năm 2020 là tăng tỷ lệ trẻ học nhà trẻ tại các cơ sở mầm non công lập từ 31,9% hiện nay lên 40%, cơ sở ngoài công lập từ 26,2% lên 50%, giảm tỷ lệ trẻ tại nhóm trẻ gia đình từ 41,9% xuống 10%.

Bên cạnh đó, để thu hút nguồn nhân lực cho phát triển giáo dục mầm non, thành phố sẽ bổ sung các chức danh nhân viên nuôi dưỡng, bổ sung biên chế cho một số phòng giáo dục - đào tạo quận, huyện làm công tác giáo dục mầm non; có chế độ hỗ trợ cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập; hỗ trợ chi kinh phí từ ngân sách nhà nước (1,8 triệu đồng/người/khóa học 6 tháng) để bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn hàng năm. Riêng cán bộ, giáo viên, nhân viên thuộc cơ sở GD mầm non công lập được hỗ trợ thêm 25% tiền lương. Đối với cán bộ, giáo viên trực tiếp giảng dạy nhóm, lớp 6 - 18 tháng tuổi: hỗ trợ thêm 35% tiền lương.

Đối với giáo viên mầm non mới ra trường, nếu được tuyển dụng sẽ được hỗ trợ 100% lương cơ sở/người/tháng (1.150.000 đồng) trong năm học 2014-2015; 70 % lương cơ sở trong năm học 2015-2016; 50 % lương cơ sở trong năm học 2016-2017. Từ năm thứ tư sau khi được tuyển dụng sẽ hưởng chế độ tiền lương theo quy định hiện hành.

Về chủ trương đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp: HĐND TP thống nhất ưu tiên bố trí vốn đầu tư xây dựng mới các trường mầm non công lập theo đề nghị của quận, huyện. Trong đó tập trung đầu tư xây dựng các trường mầm non ở các khu chế xuất, khu công nghiệp và 11 phường chưa có trường mầm non.

Đối với cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập: Ưu tiên dành quỹ đất xây dựng các trường mầm non ngoài công lập trong quy hoạch sử dụng đất dành cho giáo dục TP.

Giao UBND các quận, huyện công khai chi tiết, cụ thể về quy hoạch sử dụng đất dành cho giáo dục, trong đó có đất dành cho GD mầm non để các tổ chức, cá nhân biết, tham gia thực hiện; có chính sách xã hội hóa những mặt bằng thuộc sở hữu nhà nước nhưng chưa bán đấu giá để kêu gọi đầu tư thành lập trường mầm non ngoài công lập, nhóm trẻ gia đình.

UBND các quận, huyện hỗ trợ từ nguồn ngân sách địa phương cho các cá nhân vay (không tính lãi suất) nhằm cải tạo, nâng cấp, sửa chữa và mua sắm trang thiết bị cho các nhóm trẻ gia đình để đảm bảo đủ điều kiện cấp phép hoạt động.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Hồng bày tỏ: “Từ trước đến nay, ngân sách TP đảm trách toàn bộ việc đầu tư cho các trường công lập nhưng nếu tập trung vào một thời điểm sẽ gặp khó. Do đó ngoài kinh phí lấy từ nguồn ngân sách cần huy động vốn thêm nhiều nguồn từ trái phiếu, các ngân hàng thương mại, vốn của Công ty Đầu tư tài chính nhà nước”. Ngoài ra, TP cũng xem xét kiến nghị miễn, giảm tiền thuê đất đối với cơ sở mầm non ngoài công lập ở các quận 2, 8, 9, 12, Thủ Đức, Bình Tân và Tân Phú; miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp cho cá nhân và tổ chức đầu tư xây dựng trường mầm non ngoài công lập.

Ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, trong thời gian tới, thành phố sẽ tập trung đầu tư xây dựng các trường mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất để đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của công nhân đang làm việc tại đây. Trong đó đề xuất các giải pháp như ưu tiên xây dựng các trường mầm non ngoài công lập trong quy hoạch sử dụng đất cho ngành giáo dục; kêu gọi nguồn xã hội hóa đầu tư cho giáo dục mầm non.

Thí điểm nhận trẻ 6-18 tháng tuổi

Trong lộ trình thí điểm nhận trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi, từ năm học 2014 - 2015, TPHCM sẽ áp dụng tại 8 quận, huyện (thí điểm tại 1 - 2 trường công lập mỗi quận, huyện), nơi có đông công nhân sinh sống và làm việc. Năm 2015 - 2016 sẽ phát triển thêm 4 quận, huyện và thí điểm tại 24 quận, huyện vào năm học 2016 - 2017. Từ giai đoạn năm 2017 - 2020, sẽ nhân rộng mô hình này ra toàn thành phố, để đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của người dân.

Đề án khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng trường mầm non bằng cách cho thuê đất dài hạn, miễn thuế trong 5 năm đầu, hỗ trợ các cá nhân doanh nghiệp vay vốn kích cầu khi xây trường mầm non, vận động phụ huynh đóng góp... Việc đào tạo bồi dưỡng giáo viên cũng được đưa lên hàng đầu.

Các cháu ở Trường Mầm non Khánh Hội, quận 4 vui chơi trong khuôn viên trường. Ảnh: MAI HẢI

Các cháu ở Trường Mầm non Khánh Hội, quận 4 vui chơi trong khuôn viên trường. Ảnh: MAI HẢI

 

Hiện nay trên địa bàn TP chỉ có 18 trường ngoài công lập giữ trẻ từ 6 tháng tuổi; 120 trường công lập giữ trẻ từ 13 tháng tuổi. Năm học 2014 - 2015, TPHCM đã phê duyệt đầu tư xây mới 1.198 phòng học với tổng kinh phí hơn 4.000 tỷ đồng. Riêng ở các KCN-KCX, hiện nay đã có 6 dự án trường mầm non đi vào hoạt động, nuôi giữ 1.140 trẻ.

 

Tại kỳ họp, hầu hết các đại biểu đều nhất trí với đề án mà UBND TP trình HĐND xem xét. Tuy nhiên, đối với chủ trương thí điểm giữ trẻ từ 6 - 18 tháng tuổi, đại biểu Lâm Thiếu Quân cho rằng: “Ở nhiều nước trên thế giới, tỷ lệ trẻ dưới 36 tháng tuổi đến trường chỉ chiếm 10% do chi phí cao, ngân sách nhà nước không kham nổi. Tuy nhiên, Nghị quyết hỗ trợ giáo dục mầm non do UBND TP soạn thảo lại đặt ra mục tiêu bảo đảm 40% trẻ trong độ tuổi nhà trẻ được đến trường”. Bên cạnh đó, đại biểu Tô Thị Bích Châu, Phó Chủ tịch UBND quận 4, đặt câu hỏi: “Hiện nay giáo viên mầm non thiếu nhiều nhất trong các bậc học. Đơn cử như ở quận 4, năm học 2014 - 2015 thiếu đến 48 giáo viên nhưng đến nay mới có 6 hồ sơ xin tuyển dụng”. Trước những băn khoăn đó, đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP, cho biết: TP không có tham vọng bao cấp hết tất cả trẻ em từ 6 - 18 tháng tuổi mà chỉ hỗ trợ những gia đình không có điều kiện gởi con, đảm bảo quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng cho tất cả trẻ em trên địa bàn. Việc triển khai thí điểm có thể không thực hiện lâu dài nhưng trong thời gian trước mắt cần tính toán thực hiện.

Theo ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, khi thực hiện lộ trình thí điểm nhận trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi, sở sẽ lựa chọn giáo viên, bảo mẫu tại các khu vực này để đào tạo, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ nhằm đáp ứng nhu cầu thí điểm. Việc thực hiện lộ trình nhận trẻ từ 6 đến 18 tháng tại các cơ sở công lập chủ yếu phục vụ cho những công nhân, công chức, viên chức không có điều kiện để chăm sóc trẻ ở nhà. “Nếu gia đình có điều kiện nên chăm sóc trẻ từ 6-18 tháng tuổi, thậm chí trẻ 3 - 4 tuổi tại nhà để có điều kiện hình thành nhân cách, phát triển kỹ năng tốt hơn. Phụ huynh chỉ nên cho con đến trường lúc 5 tuổi để làm quen trường, lớp, chuẩn bị vào lớp 1” – ông Lê Hồng Sơn bày tỏ.

THU TÂM

Tin cùng chuyên mục