Quốc hội sẽ xem xét Luật Biểu tình và Luật Trưng cầu ý dân vào năm 2015

* Công dân có thể dự thính các phiên họp công khai của Quốc hội(SGGP). – Sáng 30-5, Quốc hội đã nghe các báo cáo về dự án tiếp thu chỉnh lý Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi). Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật do Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương trình bày tại phiên họp, dự thảo luật tập trung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc tổ chức công việc, mối quan hệ giữa các cơ quan, tổ chức của Quốc hội; quy chế hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, đại biểu Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội. Các nội dung chi tiết về trình tự, thủ tục, lề lối làm việc của Quốc hội; các cơ quan của Quốc hội sẽ được tiếp tục quy định trong nội quy kỳ họp và các luật chuyên ngành khác.

* Công dân có thể dự thính các phiên họp công khai của Quốc hội

(SGGP). – Sáng 30-5, Quốc hội đã nghe các báo cáo về dự án tiếp thu chỉnh lý Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi). Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật do Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương trình bày tại phiên họp, dự thảo luật tập trung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc tổ chức công việc, mối quan hệ giữa các cơ quan, tổ chức của Quốc hội; quy chế hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, đại biểu Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội. Các nội dung chi tiết về trình tự, thủ tục, lề lối làm việc của Quốc hội; các cơ quan của Quốc hội sẽ được tiếp tục quy định trong nội quy kỳ họp và các luật chuyên ngành khác.

Về chức năng, thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bà Nguyễn Thị Nương cho biết, Hiến pháp đã quy định việc giải thích Hiến pháp và luật là một thẩm quyền quan trọng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhằm giải quyết những vướng mắc trong cách hiểu, áp dụng Hiến pháp, luật; bảo đảm việc áp dụng thống nhất Hiến pháp, luật trong cả nước, còn hướng dẫn thực hiện Hiến pháp, luật là hoạt động thường xuyên do rất nhiều chủ thể quản lý tiến hành nhằm đưa Hiến pháp, luật vào cuộc sống nên không giao cho TAND tối cao, Viện KSND tối cao ban hành hướng dẫn như có ý kiến đề nghị. Thẩm tra dự luật, Ủy ban Pháp luật cũng thống nhất với quan điểm này.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Nương, có ý kiến đề nghị quy định rõ ràng, cụ thể hơn trong luật này điều kiện Quốc hội có thể trưng cầu ý dân, bổ sung quy định tổ chức trưng cầu ý dân “về việc phê chuẩn, quyết định gia nhập, chấm dứt hiệu lực của điều ước quốc tế quan trọng”. Ban soạn thảo đã tiếp thu một phần ý kiến này, song cho rằng việc quy định rõ ràng, cụ thể hơn điều kiện trưng cầu ý dân, cũng như thủ tục như thế nào sẽ được làm rõ trong Luật Trưng cầu ý dân được xem xét, ban hành trong thời gian tới. Bên cạnh đó, tiếp thu ý kiến cho rằng cần làm rõ vai trò quyết định cuối cùng thuộc về ai (ý dân hay Quốc hội) trong trường hợp ý kiến 2 bên khác nhau; dự thảo luật đã được chỉnh lý: “Đối với vấn đề tổ chức trưng cầu ý dân thì kết quả trưng cầu ý dân có giá trị quyết định”.

Nhấn mạnh về một điểm mới khác trong dự thảo luật, bà Nguyễn Thị Nương cho biết, công dân có thể được tham dự các phiên họp công khai của Quốc hội, chứ không chỉ tham dự khi được mời. Tuy vậy, việc thực hiện quy định này trên thực tế sẽ còn tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể về cơ sở vật chất nơi diễn ra phiên họp. Do đó dự thảo quy định: “Công dân có thể được vào dự thính tại các phiên họp công khai của Quốc hội”.

        Nhập khẩu tàu biển về phá dỡ: lợi ít, hại nhiều!

Ngày 30-5, sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật này. Có gần 30 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đăng ký phát biểu tại hội trường, cho thấy sự quan tâm đặc biệt của các vị ĐBQH đối với vấn đề này.

Cho rằng khái niệm “quy hoạch bảo vệ môi trường” trong dự thảo luật thực tế là quy hoạch hạ tầng kỹ thuật để bảo vệ môi trường, ĐB Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) cho rằng quy định này đã được lồng ghép trong quy hoạch tổng thể và nhiều quy hoạch chuyên ngành khác, do đó không cần thiết đưa vào luật này. Về nhập khẩu phế liệu, đề nghị quy định rõ trong luật về những nhóm phế liệu được phép nhập khẩu làm căn cứ để Chính phủ ban hành danh mục phế liệu được phép nhập khẩu. Bổ sung quy định trách nhiệm phối hợp thông tin của hải quan cửa khẩu với cảnh sát môi trường và cơ quan quản lý nhà nước về môi trường để thực hiện việc giám sát, kiểm tra... ĐB đồng ý với ban soạn thảo về việc cho phép nhập tàu biển đã qua sử dụng về phá dỡ, song yêu cầu có những quy định rõ ràng, cụ thể hơn về vấn đề này.

Tuy nhiên, phát biểu sau đó, ĐB Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu), Đặng Đình Luyến (Khánh Hòa)… và nhiều đại biểu khác vẫn giữ quan điểm không nên cho phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng về phá dỡ. Ông Luyến phân tích: Việc này cũng có thể giúp tận thu nguyên liệu và tạo ra một số công ăn việc làm nhưng lợi ít, hại nhiều. Cần cảnh giác với xu hướng “di chuyển ô nhiễm” từ nước phát triển sang các nước kém phát triển thông qua những tàu biển đã qua sử dụng vốn mang theo rất nhiều chất thải nguy hại cho môi trường.

Từ thực tế địa phương, ĐB Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) lưu ý: hoạt động sản xuất muối có tác động rất lớn đến môi trường, nhưng dạng ô nhiễm này chưa được đề cập đến trong dự thảo luật. Ông Việt nêu vấn đề: “Các mức độ đánh giá môi trường cần được cụ thể hóa trong luật: thế nào là suy giảm, suy giảm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng?”.

        Đề nghị tăng quyền cho ngành hải quan

Ngày 30-5, thảo luận về dự án Luật Hải quan (sửa đổi), đa số ý kiến cho rằng, cần tăng thêm thẩm quyền cho hải quan để ngăn chặn có hiệu quả hành vi buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép.

Một trong những điều đáng chú ý trong dự thảo luật là quy định tại Điều 87 cho phép hải quan có thẩm quyền truy đuổi các phương tiện vận tải là hàng hóa, phương tiện vận tải buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới ra ngoài địa bàn hoạt động hải quan. Thẩm tra nội dụng này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, có ý kiến tán thành quy định thẩm quyền truy đuổi của lực lượng hải quan; có ý kiến đề nghị cân nhắc thêm về sự cần thiết bổ sung thẩm quyền này. Ý kiến khác đề nghị làm rõ trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc truy đuổi nhằm bảo đảm hiệu quả, tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ. Tuy nhiên, theo quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho rằng, một trong những quan điểm sửa đổi Luật Hải quan là nhằm tăng cường hiệu quả của công tác phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Vì vậy, việc bổ sung thẩm quyền của hải quan trong việc tiếp tục truy đuổi ra ngoài địa bàn hoạt động hải quan là cần thiết nhằm kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm.

Về thẩm quyền của cơ quan hải quan trong việc xử lý hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, ĐB Nguyễn Hữu Đức (Bình Định) nhất trí với quy định nếu có căn cứ cho rằng có hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới thì trao thẩm quyền cho Chi cục trưởng Chi cục Hải quan, Đội trưởng Đội kiểm soát hải quan và Đội trưởng Đội kiểm soát trên biển được dừng phương tiện và các hành vi khác. Tuy nhiên, để chặt chẽ thì vẫn phải theo trình tự, thủ tục của luật xử lý vi phạm hành chính.

Theo nhiều ĐB, việc cần trao quyền bắt, khám xét, tạm giữ để các hải quan hoàn thành nhiệm vụ cũng sẽ khiến các lực lượng khác đỡ vất vả hơn và nếu được thông qua sẽ góp phần cho hải quan thực hiện tốt nhiệm vụ. Bên cạnh việc trao thêm thẩm quyền, các ĐB cũng đề nghị cần quy định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của người đứng đầu cơ quan hải quan, cán bộ hải quan trong việc để xảy ra tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

        Thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2015

Chiều 30-5, với tỷ lệ 85,14% trên tổng số đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2014 của Quốc hội. Theo nghị quyết này, 2 dự án Luật Biểu tình và Luật Trưng cầu ý dân được bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2015.

Trình bày báo cáo giải trình, chỉnh lý, tiếp thu ý kiến các đại biểu QH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với đề nghị ưu tiên cho việc sửa đổi, bổ sung, ban hành các dự án về tổ chức bộ máy nhà nước, các dự án về kinh tế; về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Ngoài dự án Luật Biểu tình, các dự án Luật về hội và dự án Luật Tiếp cận thông tin, Luật Báo chí (sửa đổi) cũng được bổ sung vào chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 để triển khai quy định của Hiến pháp về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Cũng nhằm triển khai quy định của Hiến pháp về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được bổ sung vào chương trình nhiệm kỳ khóa XIII và trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10.

 
 

Do số lượng các luật cần phải thông qua quá lớn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị kéo dài kỳ họp thường lệ của Quốc hội để có thể cho ý kiến, thông qua được nhiều dự án hơn. Đồng thời, để bảo đảm tính khả thi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ tăng cường tổ chức hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến về các dự án luật; tăng cường đôn đốc, yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm đẩy mạnh công tác xây dựng dự án luật, pháp lệnh...

 
 

ANH PHƯƠNG - ANH THƯ - HÀ MY


Đã chín muồi để xây dựng Luật Biểu tình

Ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về chương trình xây dựng pháp luật, việc bổ sung dự án Luật Biểu tình vào chương trình được nhiều ĐBQH bày tỏ sự tán thành cao. Trong số này có cả những đại biểu trước đây chưa đồng thuận với việc xây dựng dự án luật này.

ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai):
Việc này tôi đã phát biểu từ rất sớm. Tôi nghĩ đơn giản đã đến lúc chúng ta nhận thức được rằng, những gì đã có trong Hiến pháp thì không thể để “treo” được. Tuy nhiên, ai cũng biết việc thông qua luật này không đơn giản nên phải có độ lùi nhất định, cũng không vì vội vàng mà chuẩn bị không kỹ.

ĐBQH Hoàng Hữu Phước (TPHCM):
Tôi cũng đã nhấn nút thuận khi biểu quyết thông qua Nghị quyết về chương trình xây dựng pháp luật có bổ sung Luật Biểu tình. Đây là quyền Hiến định, không sớm thì muộn việc này cũng phải được tiến hành. Rõ ràng trong những hoàn cảnh cụ thể, trước đây tình hình chưa chín muồi, tôi đã từng phát biểu như vậy; nhưng bây giờ đã trở thành yêu cầu cấp bách.

ĐBQH Lê Nam (Thanh Hóa): Đây là việc mà Quốc hội phải làm. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Luật Biểu tình đã được kiến nghị đưa vào chương trình. Ban đầu có lẽ do sức ép quá lớn về chương trình xây dựng pháp luật nên chưa đưa vào. Nhưng bây giờ, trước đề nghị của ĐBQH, trong đó có tôi, dự án luật đã được bổ sung. Sự tiếp thu này góp phần khẳng định tính dân chủ, minh bạch của Quốc hội; khẳng định Quốc hội là Quốc hội của dân, nhất là sau khi Hiến pháp được thông qua vào năm 2013.

Việc thực hiện biểu tình là quyền Hiến định mà yêu cầu thực tiễn là phải sớm hiện thực hóa để người dân thực hiện được quyền này. Đây cũng là điều hết sức quan trọng đối với nhà nước, nếu có chế định luật pháp về biểu tình thì người dân có cơ sở thực hiện và nhà nước cũng có cơ sở pháp lý để làm tốt chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động biểu tình. Mặt khác chúng ta cũng có cơ sở để đấu tranh với các thế lực lợi dụng biểu tình để chống phá, thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng như vừa qua đã xảy ra ở Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TPHCM): Làm luật nếu chỉ dựa vào cơ quan của Chính phủ thì sẽ quá tải. Do đó, có thể huy động các tổ chức, cơ quan trong hệ thống chính trị như Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam… Vì những cơ quan này có trách nhiệm tham gia bảo vệ quyền lợi và nghĩa vụ công dân. Tôi cho rằng, nên giao cho Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hội Luật gia xây dựng dự thảo lần đầu về Luật Biểu tình. Sau đó Bộ Công an, Bộ Nội vụ và các cơ quan khác sẽ tham gia cùng để soạn thảo và cuối cùng trình ra xin ý kiến của Quốc hội.

ANH PHƯƠNG ghi

>> Giải quyết căn cơ kỷ luật ngân sách

Tin cùng chuyên mục