Cần đưa vào Bộ luật hình sự "bệnh" tham nhũng nhà công vụ

Sáng 31-10, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế-xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015. Phiên thảo luận được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi.
Cần đưa vào Bộ luật hình sự "bệnh" tham nhũng nhà công vụ
  • Nếu không thất thoát, lãng phí thì đã có tiền tăng lương

(SGGPO). – Sáng 31-10, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế-xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015. Phiên thảo luận được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi.

Mở đầu  phiên thảo luận, ĐB Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã có bài phát biểu về vấn đề chống tham nhũng, trong đó có đề cập đến vấn đề tham nhũng nhà công vụ.

 Ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phát biểu trong phiên họp sáng nay, 31-10. Ảnh: Lã Anh

ĐB Lê Như Tiến cho biết, theo công bố mới nhất của Tổ chức minh bạch quốc tế thì chỉ số mức độ tham nhũng trong lĩnh vực công của Việt Nam đứng thứ 116/177 quốc gia và vùng lãnh thổ, nếu tính về thang điểm số thì chỉ đạt 3/10 điểm. Qua đó, thấy rằng mức độ tham nhũng trong lĩnh vực công của Việt Nam còn rất nghiêm trọng. Báo cáo của Chính phủ cũng nhận định, tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp, tinh vi. Nhất là trong lĩnh vực công, nhiều công trình dự án là hệ quả của căn bệnh hoành tráng, căn bệnh thèm ngân sách. Nhiều công trình tiêu tốn hàng ngàn tỷ đồng nhưng hiệu quả và công năng sử dụng rất khiêm tốn, nhiều công trình "chín ép", chưa khai sinh đã khai tử. Thậm chí nhiều công trình hoang hóa, sử dụng không đúng mục đích, cho thuê làm các dịch vụ phi văn hóa, phi lợi nhuận công, người dân không được hưởng lợi ích như ban đầu chủ dự án vẽ ra. Chỉ có một số ít người là chủ đầu tư, ban quản lý dự án... được hưởng lợi, vì thế họ thích vẽ  ra những dự án hoành tráng, vì công trình dự án càng lớn thì % chảy vào túi cá nhân càng nhiều.

Theo ĐB Lê Như Tiến, tại hội nghị ĐBQH chuyên trách mới đây, nhiều đại biểu đã rất bức xúc với tình trạng quản lý nhà công vụ. Nhà công vụ là tài sản Nhà nước, được nhà nước đầu tư từ ngân sách để ưu tiên cho một số đối tượng sử dụng theo quy định. Tính đến tháng 9-2014, tổng quỹ nhà ở công vụ của cả nước là hơn 1,603  triệu m², trong đó có hàng trăm biệt thự, hàng chục ngàn căn hộ chung cư và trên 55.900 nhà ở liền kề. Trong những năm qua, nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã gương mẫu trả nhà công vụ ngay sau khi nghỉ việc, nhưng không ít người tự cho mình quyền được sử dụng vĩnh viễn mà “quên” trả lại nhà công vụ. Có người tuy không ở nhưng đã “quên” mang theo chìa khóa về quê. Có người cho con cháu mượn nhà hoặc cho thuê để hàng tháng lĩnh tiền. Điều này gây mất công bằng giữa các đối tượng hưởng nhà công vụ ở trung ương và địa phương.

Cũng theo ĐB Lê Như Tiến, nhà công vụ thường ở vị trí đắc địa, “đất vàng đất ngọc”, mỗi mét vuông trị giá hàng trăm triệu đồng. Song nhiều nhà bị biến dạng, biến thành chung cư gia đình của nhiều thế hệ. Có nhà công vụ ở trong vùng lõi của di sản văn hóa thế giới, chủ sử dụng đã mất từ lâu nhưng đến nay vẫn không giải tỏa được. Nếu Chính phủ có giải pháp quản lý, bố trí đúng nhà công vụ thì hàng trăm nhà công vụ sử dụng sai mục đích có thể “đẻ trứng vàng” cho đất nước. Đồng thời với quyết tâm cắt giảm hàng trăm công trình chưa cần thiết, chống lãng phí trong xây dựng đầu tư cơ bản; nếu  quản lý tốt, quy hoạch tốt, không để hàng trăm công trình bị hoang hóa thì đã có hàng chục ngàn tỷ đồng bổ sung vào quỹ tiền lương.

“Đã đến lúc nên nhận dạng, đưa vào Bộ luật hình sự căn bệnh tham nhũng mới, đó là tham nhũng nhà công vụ”, ĐB Lê Như Tiến nhấn mạnh. Theo ông, chúng ta đã lên án và xử lý nghiêm khắc những người nhận lót tay trị giá vài trăm ngàn hoặc vài triệu đồng, nhưng từ trước đến nay chúng ta chưa xử lý ai tham nhũng  nhà công vụ  trị giá nhiều tỷ đồng.

“Có đại biểu cho rằng, cán bộ quản lý cấp cao là tài sản quốc gia, cần có chế độ đãi ngộ đặc biệt. Tôi tán thành nhưng nhà công vụ cũng là tài sản quốc gia. Không thể để tài sản quốc gia này chiếm đoạt tài sản quốc gia khác”, ĐB Lê Như Tiến bức xúc.

Từ thực tế đó, ĐB Lê Như Tiến đề nghị, cần có chính sách xây dựng nhà công vụ cho giáo viên, y bác sĩ, lực lượng vũ trang, những người tự nguyện đến công tác ở vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo. Song song với đó, cần có chế tài cưỡng chế, công khai danh tính, xử lý nghiêm  cả về hành chính, hình sự đối với những người  chiếm đoạt tài sản công, trong đó có chiếm đoạt nhà công vụ. Có như vậy công cuộc phòng chống tham nhũng mới thiết thực, hiệu quả và sẽ xóa đi được hoài nghi là chúng ta chống tham nhũng theo kiểu chỉ “tắm từ vai trở xuống”.

* Cũng trong sáng nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015.  Trong phiên thảo luận, bên cạnh bày tỏ lo lắng về các vấn đề nợ công, sức cạnh tranh còn yếu của nền kinh tế, những khâu đột phá chưa hiệu quả… thì nhiều ĐBQH bày tỏ băn khoăn về việc lỗi hẹn tăng lương trong 2 năm liền.

Hoàn toàn có thể có tiền tăng lương, nếu…

Nhiều ĐB cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, phải chi cái cần chi, giảm cái cần giảm, trong đó tiền lương cần phải chi. ĐB Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) đề nghị phải nghiên cứu để tăng lương theo lộ trình. Để có tiền tăng lương thì cần tiết kiệm chi thường xuyên 10%; cắt giảm các công trình dự án chưa cần thiết; sử dụng một phần vượt thu năm 2014; sử dụng tiền thu hồi từ tài sản tham nhũng... “Nếu chưa thể tăng hết thì tăng cho một nhóm có thu nhập thấp. Cùng với đó là phải tinh giản bộ máy thì mới tăng lương được trong tương lai gần”, ĐB Nguyễn Thanh Thụy đề xuất.

ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) bức xúc, tình trạng vượt chi diễn ra ở khắp các ngành, địa phương cho thấy kỷ luật ngân sách là kém. “Trong tình hình hiện nay, ai vượt chi phải thấy xấu hổ, và ai cho phép vượt chi cũng phải thấy xấu hổ”, ĐB Huỳnh Ngọc Đáng nói.

ĐB Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) cũng nêu, rất nhiều công trình thất thoát, lãng phí, xây ra không sử dụng, xây ra rồi để xuống cấp... “Nếu giảm được những thất thoát, lãng phí này thì đã đủ tiền để giải quyết việc tăng lương, chi các vấn đề xã hội khác. Bà con cử tri rất sốt ruột”, ĐB Nguyễn Văn Phúc nói. ĐB Nguyễn Văn Phúc dẫn ra câu chuyện Bộ GT-VT chỉ điều chỉnh một số dự án, công trình và đã tiết kiệm 35.000 tỷ đồng. “Rõ ràng trong thiết kế, dự toán của chúng ta đã rất lãng phí. Chúng ta cứ đi lo tăng thu, nhưng không nghĩ rằng, chỉ cần tiết kiệm như cách Bộ GT-VT đã làm thì đã có nhiều tiền để làm việc đó. Trong khi chúng ta đang chỉ cần 40.000 tỷ đồng để tăng lương”, ĐB Nguyễn Văn Phúc nói.

ĐB Võ Thị Hồng Thoại (Bạc Liêu) cho rằng,  phải cải cách bộ máy cán bộ công chức, với tình trạng cồng kệnh, ỳ ạch như hiện nay thì ngân sách tốn nhiều tiền, dân không thể chấp nhận được.

Phải sớm “chia tay” các thị trường dễ tính

Cũng trong phiên thảo luận sáng nay, nhiều ĐBQH đã chỉ ra một số vấn đề “nóng” hiện nay. ĐB Phan Văn Quý (Nghệ An) cho rằng, cần tập trung giải quyết tốt hơn nữa về 3 khâu đột phá, trong đó cần đặc biệt khâu đột phá về nhân lực. ĐB phân tích, chất lượng năng suất lao động thấp vì chất lượng giáo dục chưa cao. Đào tạo nghề quá kém, chưa có sự tham gia của doanh nghiệp. Trong khi sản xuất chưa có hàm lượng Khoa học – Công nghệ cao, chủ yếu là gia công nên không thể đẩy nhanh việc nâng cao trình độ lao động. “Nếu đột phá nhân lực không cao thì công cuộc xây dựng, phát triển đất nước vô cùng khó khăn”, ĐB Phan Văn Quý nói.

ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) cho rằng, Chính phủ nói sẽ mở rộng thị trường, không để phụ thuộc vào một thị trường. Điều đó đúng nhưng phải hết sức cảnh giác với thị trường dễ tính, vì thị trường này dễ chấp nhận hàng hóa hơn. Hệ quả là chúng ta mãi sản xuất ra hàng hóa kém, bẩn về chất, xấu về mẫu mã, xa lạ với các các thị trường văn minh. Do đó, cần phải có kế hoạch để sớm chia tay với loại thị trường này để nền kinh tế của chúng ta được “cất cánh”.

Tiếp tục cảnh báo về giá trị gia tăng của hàng hóa của Việt Nam, ông dẫn chứng câu chuyện từ cây cao su. “Việt Nam là nước xuất khẩu lớn về cao su nhưng lại nhập về hàng hóa sản xuất từ chính cao su mà chúng ta xuất đi. Như vậy, giá trị gia tăng nằm hết ở nước ngoài”, ông Huỳnh Ngọc Đáng nêu.

ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định): Quốc hội cũng có trách nhiệm về vấn đề nợ công

“Như ĐB Nguyễn Đức Kiên chỉ ra, mức an toàn nợ công 65% GDP là cho đến cả năm 2020, nhưng đến năm 2015 đã chạm đến mức đó rồi, tức là đã “tiêu hết” cho cả 5 năm sau đó. Con số nợ công mà người dân đang phải gánh vẫn đang tăng, năm 2013 là 900 USD; năm 2014 thêm 10 triệu VNĐ nữa, và có khả năng còn tăng nữa. 

Kỳ họp này, thông tin về nợ công mà Chính phủ cung cấp cho các ĐBQH là rất nhiều, các giải pháp đưa ra là khá toàn diện. Quốc hội không chỉ đồng cảm, chia sẻ mà còn chịu trách nhiệm về vấn đề nợ công, vì chính Quốc hội bấm nút thông qua Luật đầu tư công; các dự án, công trình có sử dụng ngân sách, vốn vay, vốn huy động… Vì vậy, Quốc hội và Chính phủ cùng phải có trách nhiệm gánh vác nợ công”.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục