Người ta vẫn tốt cho đến lúc... bị kỷ luật!

TPHCM đã “không đóng cửa bảo nhau”
Người ta vẫn tốt cho đến lúc... bị kỷ luật!

Cán bộ được tuyển chọn vào giữ trọng trách trong các cơ quan nhà nước thường đã được chọn lọc từ rất nhiều nguồn. Nhưng gần đây có quá nhiều vụ việc sai phạm được phát hiện khiến niềm tin của người dân lung lay. Nói về câu chuyện “nhân bản” kết quả xét nghiệm của Bệnh viện Hoài Đức - Hà Nội và chuyện các giám đốc doanh nghiệp công ích nhận lương “khủng” gây bức xúc dư luận thời gian qua, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng lại cho rằng “đó là tín hiệu đáng mừng khi Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng đã đi vào cuộc sống”.

TPHCM đã “không đóng cửa bảo nhau”

- Phóng viên: Vì sao đồng chí có nhận định này?

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng

>> Đồng chí VŨ QUỐC HÙNG: Tôi cho rằng đây là điều đáng mừng, bởi những việc kín đáo, cản trở, bị che giấu, những “cây kim trong bọc” thời gian qua đã dần được phanh phui bởi tinh thần đấu tranh chống tiêu cực của nhân dân ta (vụ Bệnh viện Hoài Đức) hay thái độ chủ động, quyết liệt của lãnh đạo TPHCM khi mới bắt đầu phát hiện vụ việc các giám đốc doanh nghiệp nhận lương “khủng”. Lâu nay người ta rất sợ sự bao che của cấp trên, nhưng lãnh đạo TPHCM với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật” đã “không đóng cửa bảo nhau”, đó là điều rất hoan nghênh.

- Qua 2 vụ việc gây bức xúc lớn trong dư luận nói trên, người ta cũng bàn nhiều về câu chuyện trách nhiệm của những người đứng đầu ngành y tế thủ đô cũng như đứng đầu ngành giao thông vận tải TPHCM trong công tác quản lý cán bộ?

Biểu hiện của những sa sút về đạo đức của đội ngũ cán bộ ở 2 câu chuyện nói trên đều đã được các nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng chỉ rõ: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”.

Vụ việc ở Bệnh viện Hoài Đức - Hà Nội, tuy không lớn về tiền bạc nhưng cho thấy suy đồi đạo đức của cán bộ rất nghiêm trọng, bất chấp sức khỏe, tính mạng của người dân. Mặt khác, qua vụ việc này cho thấy tính chất điển hình về sự yếu kém của các cơ sở Đảng, của các cơ quan chức năng. Vụ việc này kéo dài hàng năm trời, những sai phạm rất lộ liễu nhưng cơ quan chức năng, các chi bộ đảng, công đoàn, đoàn thanh niên ở đây cũng không lên tiếng, mà lại do chính những quần chúng dũng cảm thu thập chứng cứ để tố cáo và báo chí đồng loạt lên tiếng. Điều này phản ánh: Các tổ chức, đoàn thể ở đây đã bị tê liệt trước áp lực của ông giám đốc bệnh viện hoặc đã vô cảm trước bức xúc của người dân. Đó cũng là thực trạng của 4 doanh nghiệp công ích ở TPHCM. 3/4 lãnh đạo doanh nghiệp này là bí thư của cấp ủy vừa là đảng ủy viên Đảng ủy Sở Giao thông Vận tải nhưng sự việc để kéo dài mà không ai lên tiếng là điều rất khó chấp nhận.

Thêm bài học về quản lý, giám sát cán bộ

- Lâu nay chúng ta có cả một quy trình hoàn chỉnh để đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Người được bổ nhiệm phải trải qua rất nhiều thủ tục, thậm chí khi kiểm điểm tự phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, những cán bộ, đảng viên này hầu hết đều được đánh giá tốt?

Đó chính là vấn đề làm rõ qua 2 vụ việc nói trên. Ai cũng biết cán bộ là quyết định hết thảy. Đợt kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) vừa rồi làm khá kỹ lưỡng, có lẽ chưa có cuộc tự phê bình và phê bình nào trước đây làm được như thế. Tuy nhiên, điều đáng buồn ở chỗ vẫn còn nơi này nơi kia tinh thần tự phê bình và phê bình thiếu thực chất, không phát huy được tác dụng. Về công tác cán bộ của ta, mặt tích cực, thành quả thì đã rõ nhưng cũng còn tồn tại không ít hạn chế. Một trong những hạn chế đó là có những người, trước khi được bổ nhiệm vẫn là một cán bộ tốt, nhưng sau khi bổ nhiệm, quyền đi kèm với lợi nhưng thiếu tu dưỡng dẫn đến việc lạm dụng quyền hành để trục lợi cho cá nhân. Ngẫm và thấy điều dạy của cổ nhân thật chí lý, mỗi cán bộ, đảng viên phải “tu thân tề gia” thì mới “trị quốc, bình thiên hạ” được. Không làm được việc đó thì rất đáng xấu hổ với lương tâm và nhân dân.

- Nói như đồng chí thì họ vẫn tốt cho đến khi bị… kỷ luật?

Mỗi cán bộ khi được đặt đúng vị trí và được giám sát chặt chẽ bởi tổ chức đảng và quần chúng thì họ phải có ý thức rèn luyện, làm tốt công việc được giao. Mọi việc làm được có cả trăm con mắt ghi nhận, ngợi khen; mỗi việc làm sai, có cả tập thể, cấp trên nhắc nhở, phê bình… Nếu làm được như thế thì chắc chắn cán bộ ấy sẽ ngày càng trưởng thành, vững vàng hơn trên cương vị của mình. Nhưng đáng buồn là nhiều nơi cán bộ thiếu tu dưỡng; tinh thần tự phê bình và phê bình chỉ là hình thức; trao quyền mà thiếu giám sát, dẫn đến những hậu quả như đã nêu ở trên, làm ảnh hưởng uy tín của Đảng, Nhà nước. Trong quá trình thực thi công vụ, nhiều người không bị lộ, chỉ đến khi bị cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra “thăm hỏi” và phát hiện của quần chúng, của đội ngũ báo chí thì mới “lộ” ra con người thật. Câu chuyện nhân bản kết quả xét nghiệm ở Hà Nội hay chuyện giám đốc nhận lương khủng ở TPHCM là một bài học về công tác quản lý và giám sát cán bộ cần phải được rút ra một cách nghiêm túc.

- Để những bài học xương máu về công tác quản lý, giám sát cán bộ không tiếp tục lặp lại, theo đồng chí, cần thêm những “vũ khí” gì để củng cố lại “khâu yếu” này?

Lâu nay, Đảng và Nhà nước đã có rất nhiều giải pháp để ngăn ngừa, giám sát, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm, vấn đề còn lại là chấp hành và giám sát việc chấp hành ấy như thế nào thôi. Trong các giải pháp đó, tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát của đảng là một yêu cầu quan trọng. Muốn đạt hiệu quả cao trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thì những người thực thi nhiệm vụ này phải là những người trong sạch; có nghiệp vụ tốt; không sợ liên lụy, không ngại va chạm và không để bị mua chuộc. Cần có sự liên hệ, gắn bó chặt chẽ giữa sự lãnh đạo của cấp ủy với sự chủ động tham mưu của Ủy ban kiểm tra các cấp và khắc phục cho được tình trạng thụ động, chạy theo vụ việc. Và để làm tốt, đòi hỏi mỗi cấp ủy phải đích thân làm công tác kiểm tra giám sát đồng thời lãnh đạo các cơ quan kiểm tra của mình thực hiện được phương châm “chủ động, chiến đấu, giáo dục, hiệu quả”.

Sắp tới, ngày 16-10 là ngày kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống của ngành kiểm tra, tôi mong các đồng chí làm công tác kiểm tra các cấp không ngừng phấn đấu để làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà Nghị quyết Trung ương 4 đã chỉ ra.

- Xin cảm ơn đồng chí!

HỒNG HIỆP (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục