98 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1-7-1915 - 1-7-2013): Noi gương anh

Ông già căn cơ
98 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1-7-1915 - 1-7-2013): Noi gương anh

LTS: Kỷ niệm 98 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Văn Linh (sinh ngày 1-7-1915, mất ngày 27-4-1998), Tổng Bí thư của Đảng trong thời kỳ đất nước mở cửa đổi mới, vào đúng dịp cả nước đang triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng cũng như nỗ lực để vượt qua cuộc suy thoái kinh tế kéo dài. Nhân dịp này, Báo Sài Gòn Giải Phóng gửi đến bạn đọc bài viết của đồng chí Trần Trọng Tân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương - người có dịp gần gũi nhiều với đồng chí Nguyễn Văn Linh, phác họa đôi nét về con người của “Những việc cần làm ngay” mà đến nay vẫn luôn mang tính thời sự.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh (bìa trái) làm việc với cán bộ Thành Đoàn TPHCM (3-1994). Ảnh: THÁI BẰNG

Đồng chí Nguyễn Văn Linh (bìa trái) làm việc với cán bộ Thành Đoàn TPHCM (3-1994). Ảnh: THÁI BẰNG

Ông già căn cơ

Tôi được gặp đồng chí Nguyễn Văn Linh lần đầu vào tháng 8-1961, tại căn cứ bí mật Mã Đà, nay thuộc khu vực Nhà máy thủy điện Trị An. Lúc đó đã được nghe anh chị em nói đến anh với lòng tin yêu quý trọng là “Ông già căn cơ”, tức là một đồng chí lãnh đạo vững vàng, luôn nắm chắc những vấn đề căn cơ của cách mạng.

Sau này làm việc với anh, tôi cũng được nghe anh nói nhiều về những điều đúng là rất căn cơ. Về công tác dân vận, anh bảo cán bộ, đảng viên cần giành từng người dân về với Đảng, nắm vững bài học về năm bước công tác cách mạng: điều tra, tuyên truyền, huấn luyện, tổ chức và hướng dẫn quần chúng đấu tranh. Về lãnh đạo của Đảng, anh nhắc phải: điều tra, nghiên cứu, phân tích, tổng kết kinh nghiệm, phổ biến kinh nghiệm. Về công tác tổ chức của Đảng, anh dặn phải quản lý tốt, giáo dục kỹ, bố trí lực lượng Đảng có trọng tâm, sử dụng đúng người, đúng việc, đề bạt cần chú ý về đạo đức và khả năng đảm trách.

Anh thường nói tắt cho cán bộ dễ nhớ là: Điều - Nghiên - Phân - Tổng - Phổ - Quản - Giáo - Bổ - Sử - Đề.

Lắng nghe dân, nghe ý kiến cán bộ ở cơ sở

Trong những năm tháng hoạt động bí mật ở nội thành Sài Gòn, tôi nhớ những điều anh dặn: nắm tình hình phải rất cụ thể, rồi phải phân tích cụ thể. Nhận định thái độ chính trị của một người phải xem xét tình huống cụ thể, nguyên nhân cụ thể, tìm cách giành từng người về với cách mạng. Tránh nhận định chung chung, tránh đẩy người ta xa cách mạng. Phải coi những gia đình có con em bị bắt đi lính cho địch là gia đình đau khổ. Đưa quần chúng ra đấu tranh thì bên cạnh khẩu hiệu chính trị, phải có khẩu hiệu đòi quyền lợi dân sinh, dân chủ thiết thực. Dân đang phải sống dưới ách kìm kẹp của địch, cho nên khi hướng dẫn quần chúng đấu tranh cũng như khi tập hợp bà con vào tổ chức cách mạng, phải giữ thế hợp pháp, coi thế hợp pháp là cái khiên cho quần chúng tự bảo vệ chống địch đàn áp, khủng bố.

Anh chú ý lắng nghe ý kiến của dân, của cán bộ hoạt động ở cơ sở, cán bộ bám trụ chiến trường.

Sau ngày miền Nam được giải phóng, tình hình kinh tế và đời sống của nhân dân khó khăn, anh có lắm ưu tư: tại sao xã viên các hợp tác xã ở miền Bắc sống chủ yếu bằng đất riêng 5%, còn 95% đất đưa vào hợp tác xã lại không nâng được đời sống của nông dân lên? Tại sao TPHCM với cơ ngơi thế này mà không đủ sức tự nuôi được mình?

Thế rồi từ những nhận thức căn cơ vốn có, anh đến với người công nhân, nông dân, trí thức, với cán bộ cơ sở, cán bộ quản lý xí nghiệp, tìm hiểu, chỉ đạo một vài nơi làm thử. Từ đó, anh trình bày với các đồng chí lãnh đạo chủ chốt ở Trung ương và đề nghị sửa đổi chủ trương, chính sách cho phù hợp. Bước đầu, anh góp sức vào công cuộc đổi mới bằng cách như vậy.

Trong Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ VI, mở đầu công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, khi trình bày bản báo cáo chính trị, có nêu bài học đầu tiên là “phải lấy dân làm gốc”. Đó là quan điểm cơ bản của Đảng và cũng là điều căn cơ được anh tâm niệm từ lâu. Anh kêu gọi cán bộ, đảng viên phải sát thực tế, bám sát đời sống của dân và báo cáo trung thực với Đảng, đừng vì ham được khen mà báo cáo dối. Anh dặn dò cán bộ lãnh đạo phải biết lắng nghe dân, nghe cán bộ cơ sở, biết động lòng trước những yêu cầu bức xúc của dân để khẩn trương giải quyết “những việc cần làm ngay”. Suy nghĩ của anh về đổi mới là làm sao cho sản xuất phát triển? Làm sao cho dân được tự do làm ăn sinh sống? Làm sao cho Đảng và Nhà nước trong sạch, vững mạnh hết lòng lo cho dân? Làm sao giữ vững độc lập chủ quyền và định hướng xã hội chủ nghĩa?

Tấm gương về một cuộc sống đẹp

Lúc là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, anh thường nói, sinh thời Bác Hồ luôn luôn nêu cao vai trò của tập thể, gắn mình với tập thể. Ngày nay, người lãnh đạo cao nhất của Đảng có trội hơn cũng chỉ chút ít, nên càng phải lo phát huy trí tuệ tập thể. Anh bảo báo chí đừng tuyên truyền nhiều về cá nhân anh. Báo chí cần nêu nhiều gương người tốt, việc tốt trong các tầng lớp nhân dân, trong các lực lượng võ trang, trong cán bộ, đảng viên.

Anh thường đôn đốc việc phê bình và phê bình trong Đảng. Trong nhiệm kỳ làm Tổng Bí thư, anh đã tổ chức được việc kiểm điểm cá nhân từ tổng bí thư đến từng ủy viên trong Bộ Chính trị, rồi tranh thủ sự đóng góp ý kiến của các đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương. Nội dung kiểm điểm không chỉ trong công tác lãnh đạo mà cả về ý thức tổ chức kỷ luật, về giữ gìn đạo đức lối sống.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh của chúng ta đã đi xa. Viết về anh, tôi chỉ mong góp được vài nét nhỏ vào bức chân dung lớn, chân dung của một vị lãnh tụ của Đảng đã trải qua nhiều năm hoạt động bí mật đầy khó khăn gian khổ, chịu đựng cảnh tù đày, sống giữa mưa bom bão đạn, cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp cứu nước, cứu dân, chân dung một con người đã để lại cho chúng ta tấm gương về một cuộc sống đẹp, rất đẹp.

TRẦN TRỌNG TÂN
(Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng,
nguyên Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương)

Tin cùng chuyên mục