Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Phát huy truyền thống đoàn kết, vượt khó của doanh nhân

Cần chính sách dài hơi
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Phát huy truyền thống đoàn kết, vượt khó của doanh nhân

(SGGP).– Chiều 25-6, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có buổi tiếp xúc cử tri doanh nhân để lắng nghe kiến nghị, đề xuất của đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM. Rất nhiều vấn đề còn bất cập liên quan đến cơ chế, chính sách trong các lĩnh vực kinh doanh vàng, bất động sản, lãi suất… được lãnh đạo các hiệp hội, doanh nghiệp phản ánh tại buổi tiếp xúc.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp gỡ các doanh nghiệp TPHCM. Ảnh: Việt Dũng

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp gỡ các doanh nghiệp TPHCM. Ảnh: Việt Dũng

Cần chính sách dài hơi

Ông Nguyễn Văn Dửng, Giám đốc Công ty TNHH Vàng bạc đá quý SJA, nêu rằng, trong khi mức thuế xuất khẩu mặt hàng trang sức, vàng mỹ nghệ hiện là 0% mà còn không xuất được vì giá vàng trong nước hiện cao hơn giá vàng thế giới, việc Bộ Tài chính dự thảo tăng thuế xuất khẩu đối với mặt hàng này từ 0% lên từ 1% - 2% khiến nhiều doanh nghiệp hết sức lo lắng.

Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM cho biết, trước tình hình kinh tế khó khăn chung, doanh nghiệp dần kiệt sức, các tổ chức xã hội cùng doanh nghiệp đã có nhiều kiến nghị, đề xuất giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn đã được Chính phủ lắng nghe và triển khai thực hiện một số giải pháp. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn, kinh doanh thua lỗ, thu hẹp sản xuất. Nguyên nhân gốc rễ của vấn đề là năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế còn yếu, các biện pháp chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát huy tác dụng chậm và chưa đủ mạnh; chương trình tái cấu trúc nền kinh tế, đặc biệt là tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước diễn ra chậm.

Ông Minh kiến nghị Trung ương cần ban hành các chính sách dài hơi để kích thích doanh nghiệp tăng trưởng, việc giảm thuế ngắn hạn không giải quyết được căn bản vấn đề.

Ông Nguyễn Phụng Kiều, Giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn - Gia Định cho rằng, mặc dù Nghị quyết 02/NQ-CP được ban hành với mục tiêu là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhưng thực tế chưa tháo gỡ được bao nhiêu. Chẳng hạn, với lĩnh vực bất động sản cho đến nay chưa người dân nào được hưởng chính sách nhà thu nhập thấp, nhà ở xã hội giá dưới 15 triệu đồng/m2 diện tích dưới 70m2 vay được theo tiêu chuẩn 70% giá trị căn hộ, lãi suất 6% trong vòng 10 năm. Việc quy định người vay phải chứng minh thu nhập mới cho vay còn bất hợp lý vì nhiều người làm nghề tự do muốn được vay mua nhà theo chính sách này không thể chứng minh thu nhập.

Tìm giải pháp giải quyết đầu ra sản xuất

Tiếp thu ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp TPHCM, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng, TPHCM chiếm tới 1/3 GDP cả nước, cho nên những thành tựu hay khó khăn của các doanh nghiệp TPHCM sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cả nước. Chủ tịch nước đề nghị đội ngũ doanh nhân TPHCM phát huy truyền thống đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau, phải tìm mọi cách hỗ trợ cùng phát triển. Theo Chủ tịch nước, doanh nghiệp phải phấn đấu vươn lên mạnh mẽ. Về trách nhiệm của Trung ương, Chủ tịch nước cho biết trên cơ sở những kiến nghị của các doanh nghiệp TPHCM, thời gian tới Trung ương sẽ bàn và có những biện pháp hỗ trợ cụ thể. Chủ tịch nước cũng đề nghị phía ngân hàng phải ngồi lại cùng các doanh nghiệp bàn bạc tìm hướng ra cho sản xuất kinh doanh, bởi “doanh nghiệp chết thì anh ngân hàng thương mại cũng chết”.

Trước những trăn trở khó khăn đầu ra cho hàng nông sản, nhất là người dân sản xuất lúa bán không có lãi, Chủ tịch nước cho biết, trong thời gian tới sẽ có giải pháp mạnh để giải quyết đầu ra, mở rộng thị trường cho hàng nông sản.

Cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng tổ đại biểu Quốc hội đơn vị số 1 tiếp xúc cử tri quận 4. Các vấn đề liên quan đến cơ chế chính sách, việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn được cử tri quan tâm, có ý kiến.

Cử tri bày tỏ đồng tình về việc Quốc hội tổ chức lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Theo cử tri, kết quả tín nhiệm chính là thước đo sự tin cậy của người dân thông qua lá phiếu của ĐBQH. Tuy nhiên, hình thức và cách lấy phiếu tín nhiệm còn không ít ý kiến băn khoăn. Cụ thể, theo cử tri Nguyễn Minh Ngọc (phường 4) thì thường những người ngồi ở ghế “nóng” dễ bị săm soi trách nhiệm nhiều hơn những ghế khác. Điều này liệu có công bằng không khi tỷ lệ phiếu tín nhiệm các chức danh ít cọ xát với dân thường cao hơn các chức danh thường xuyên tương tác với lợi ích của dân. Mong rằng lần lấy phiếu tín nhiệm kế tiếp Quốc hội nghiên cứu giải pháp lấy phiếu như thế nào sao cho công bằng.

Cử tri Tạ Xuân Yên (phường 15) đề xuất Quốc hội xem xét, điều chỉnh lại mức lương hưu đối với cán bộ hưu trí ở từng thời điểm cho phù hợp. Ngoài ra, việc thực thực chế độ ưu đãi đối với gia đình có công cần tách bạch với các chế độ khác để đảm bảo công bằng. Ý kiến về việc tuyển dụng người tài, cử tri Cao Xuân Lân (phường 16) phản ánh: chính việc tuyển dụng công chức hiện nay không qua thi tuyển nên không tuyển dụng được người tài. Do vậy, thời gian tới công tác tuyển dụng nên thực hiện công khai, minh bạch với các quy chuẩn, quy định cụ thể.

Giải tỏa bức xúc trong nhân dân

Cùng ngày, tiếp xúc với tổ ĐBQH đơn vị 4, nhiều cử tri quận 10 và quận 11 cho rằng đợt bỏ phiếu tín nhiệm 47 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn lần này là một đợt sinh hoạt chính trị dân chủ rất cần được phát huy trong thời gian tới. Các cử tri cũng đánh giá kết quả lấy phiếu tín nhiệm được phản ánh khách quan, đã phần nào cho thấy mức độ tín nhiệm đối với các chức danh này trong công việc nửa nhiệm kỳ qua, đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân. Cử tri Đàm Quang Minh, phường 5, quận 11 đề nghị về sau, nên áp dụng hai mức tín nhiệm và không tín nhiệm khi lấy phiếu tín nhiệm, như thế kết quả sẽ thuyết phục hơn nữa. Cử tri Nguyễn Huy Ninh, phường 5, quận 11 bức xúc trước tình trạng tai nạn giao thông không kéo giảm được; số người chết, người bị thương cũng tăng cao, gây ra hậu quả bi thương cho rất nhiều gia đình.. Đề cập đến công tác giám sát của ĐBQH, cử tri Trần Thị Thu, phường 15, quận 10 đề nghị: “Phải giám sát những việc mà người dân tha thiết nhất. Thông qua đó làm rõ trách nhiệm của các cơ quan và cán bộ, lãnh đạo được giao quyền, đặc biệt liên quan đến đất đai, khiếu nại tố cáo của công dân”.

Thay mặt tổ ĐBQH, đại biểu Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy TPHCM khẳng định đoàn ĐBQH TPHCM nghiêm túc tiếp thu đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của cử tri đối với các vấn đề lớn của đất nước cũng như tình hình kinh tế - xã hội của TPHCM. Riêng với các khiếu nại, nhất là liên quan đến đất đai trên địa bàn TP, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải hứa sẽ cùng đoàn ĐBQH TP và các cơ quan chức năng TP tập trung giải quyết. Xem xét thấu đáo các khiếu nại; lắng nghe những nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của người dân; cái nào thuộc thẩm quyền TP sẽ tập trung giải quyết, cái nào có liên quan thì kiến nghị lên trên với mục đích cao nhất là kéo giảm bức xúc trong nhân dân.

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải tiếp xúc cử tri quận 11. Ảnh: Việt Dũng

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải tiếp xúc cử tri quận 11. Ảnh: Việt Dũng

VÂN ANH - HỒNG HIỆP - ĐÌNH LÝ

Tin cùng chuyên mục