TPHCM xây dựng Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị: Người dân sẽ thuận lợi hơn

Sáng 18-6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Dự thảo Nghị quyết điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, năm 2013 và chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014. Đáng lưu ý, với nghị quyết nói trên, Quốc hội đã chấp thuận đề nghị của các ĐBQH và Đoàn đại biểu QH TPHCM về sự cần thiết phải xây dựng Đề án thí điểm về mô hình chính quyền đô thị trên cơ sở Tờ trình về Đề án của TPHCM. Quốc hội giao Chính phủ chuẩn bị hồ sơ trình QH theo đúng quy trình để đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ và hàng năm. Trao đổi với báo chí về vấn đề này bên hành lang kỳ họp QH, ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, Chủ tịch HĐND TPHCM cho biết:

Sáng 18-6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Dự thảo Nghị quyết điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, năm 2013 và chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014. Đáng lưu ý, với nghị quyết nói trên, Quốc hội đã chấp thuận đề nghị của các ĐBQH và Đoàn đại biểu QH TPHCM về sự cần thiết phải xây dựng Đề án thí điểm về mô hình chính quyền đô thị trên cơ sở Tờ trình về Đề án của TPHCM. Quốc hội giao Chính phủ chuẩn bị hồ sơ trình QH theo đúng quy trình để đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ và hàng năm. Trao đổi với báo chí về vấn đề này bên hành lang kỳ họp QH, ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, Chủ tịch HĐND TPHCM cho biết:

Đề án thí điểm về mô hình chính quyền đô thị TPHCM đã được TP chuẩn bị từ rất lâu, xuất phát từ những yêu cầu thực tiễn của quá trình đô thị hóa và trên cơ sở nghiên cứu nhiều mô hình chính quyền đô thị ở nhiều nước. TP đã có một số lần đề nghị cho thực hiện thí điểm và đến hôm nay QH đã chấp nhận đề nghị của các ĐBQH và Đoàn ĐBQH TPHCM. Theo trình tự, TPHCM sẽ trình đề án để Chính phủ xem xét trình QH thông qua, ra nghị quyết, sau đó triển khai thực hiện.

- PV: Xin bà cho biết những nội dung cơ bản nhất của đề án?

Đề án được xây dựng hướng tới mục tiêu cơ cấu lại bộ máy chính quyền ở một đô thị phát triển tương đối đặc trưng như TPHCM - một thành phố đông dân, đô thị hóa nhanh, tính liên kết giữa các khu vực, địa phương trong TP rất cao và toàn diện; từ cơ sở hạ tầng, hạ tầng kỹ thuật; cho đến sự tập trung và quản lý dân cư. Do tính liên kết cao như vậy nên chia nhỏ đơn vị hành chánh thì không khả thi về quản lý đô thị theo quy hoạch cũng như trong quá trình phát triển. Tóm lại, đây là việc hợp lý hóa phân cấp chính quyền.

Cụ thể, đề án đề xuất việc hình thành các đô thị vệ tinh, tức là sẽ có “thành phố trong thành phố”; với 4 thành phố vệ tinh ở 4 cửa ngõ TP, được hình thành từ việc gộp lại một số quận, huyện, ví dụ như sẽ có một “thành phố” được hình thành từ quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức... Một thành phố khác được hình thành từ một số huyện ở phía Tây. Các thành phố này sẽ có HĐND, UBND và được phân cấp quản lý tương đối rõ. Còn 13 quận nội thành hiện nay với diện tích không lớn thì sẽ trở thành các ủy ban quản lý công việc hành chính, không phải là cấp chính quyền hoàn chỉnh; cho nên sẽ không có hội đồng nhân dân (HĐND).

Nhưng tôi xin nói rõ, ở đây không đặt vấn đề thực hiện chính quyền đô thị thì bỏ HĐND, mà là cơ cấu lại. Và vì không có cấp phường nên không còn công chức phường mà sẽ chỉ có công chức quận; giải quyết toàn bộ các vấn đề của dân hiện đang được làm ở cả cấp quận tới cấp phường.

- Như vậy người dân sẽ được thuận lợi hơn như thế nào?

Sẽ thuận lợi hơn nhiều. Trước hết là nhờ liên thông từ quận đến phường nên thủ tục hành chính giảm, người dân có nhu cầu liên hệ với các cơ quan chính quyền dễ dàng hơn, không phải qua nhiều khâu như trước. Một số quận chỉ còn công việc quản lý hành chính mà không phải “quản” nhiều việc khác như trước đây nên sẽ giải quyết yêu cầu của người dân nhanh chóng hơn. Đồng thời, nhờ giảm được biên chế hành chính thì sẽ có điều kiện tập trung nâng cao chất lượng bộ máy, đội ngũ cán bộ, nâng cao thái độ, tính chuyên nghiệp trong bộ máy hành chính. Cải cách bộ máy đồng nghĩa với nâng cao năng lực thực thi công vụ để giải quyết công việc cho dân.

Ở cấp thành phố, với sự phân cấp nhất định của trung ương cho chính quyền đô thị, HĐND sẽ có thể tự quyết định nhiều vấn đề quan trọng mà hiện nay vẫn phải chờ bộ ngành hướng dẫn hoặc xin chủ trương của QH... Nhờ vậy, những yêu cầu phát sinh trên địa bàn thuộc thẩm quyền sẽ được giải quyết nhanh hơn, bớt đi nhiều ràng buộc. TP sẽ có điều kiện phát triển nhanh hơn, qua đó đóng góp nguồn lực cho ngân sách trung ương nhiều hơn, phát huy vai trò đầu tàu của mình; bên cạnh đó, TP sẽ lo cho an sinh xã hội của người dân nhiều hơn.

Ví dụ, khi TP được tự quyết ngân sách đầu tư để phát triển cơ sở hạ tầng trong một số lĩnh vực nhất định thì sẽ chủ động hơn, tính toán được trọng điểm đầu tư, thời gian đầu tư cho phù hợp. Không có cơ sở để lo ngại TP sẽ chi tiêu tùy tiện, vì việc sử dụng ngân sách phải theo luật định. Tôi tin rằng một khi đề án được thực hiện, cải cách hành chính được thúc đẩy, “con đường thủ tục” ngắn lại, người dân được lợi nhiều hơn!

ANH THƯ ghi

Tin cùng chuyên mục