Dự thảo Hiến pháp đã cơ bản đảm bảo là đạo luật gốc

Ngày 15-3, Bộ Tư pháp đã tổ chức hội nghị góp ý dự thảo báo cáo kết quả của Bộ Tư pháp về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

(SGGP).– Ngày 15-3, Bộ Tư pháp đã tổ chức hội nghị góp ý dự thảo báo cáo kết quả của Bộ Tư pháp về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, dự thảo Hiến pháp đã có nhiều đổi mới trong việc phân công thực hiện quyền lực, xác lập cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Dự thảo Hiến pháp cũng đã đặt nền móng pháp lý cho việc giải quyết những vấn đề bất cập, tồn tại của thực tiễn được đúc kết trong quá trình tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992; bảo đảm là đạo luật cơ bản của Nhà nước, có tính dự báo và ổn định lâu dài.

Cùng ngày, tại Hà Nội, Viện Khoa học pháp lý, Viện Nghiên cứu lập pháp và Chương trình phát triển Liên hiệp quốc phối hợp tổ chức tọa đàm góp ý hoàn thiện các quy định trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 về kinh tế - xã hội. Nhiều ý kiến của các chuyên gia tại cuộc tọa đàm đồng tình với việc dự thảo không nêu cụ thể tên và vai trò của các thành phần kinh tế, góp phần bảo đảm các thành phần kinh tế được đối xử bình đẳng trên mọi phương diện. Một số ý kiến đề nghị xác định rõ hơn vai trò điều tiết của Nhà nước theo hướng tôn trọng các quy luật khách quan của nền kinh tế thị trường; chỉ can thiệp khi cần bảo đảm tính cạnh tranh, công bằng, phúc lợi xã hội, cân đối giữa phát triển và bảo vệ môi trường, tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên…

Cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên công đoàn góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp.  Tập trung góp ý về Điều 9 dự thảo, quy định về vai trò, vị trí của MTTQ Việt Nam, các đại biểu cho rằng cần khẳng định trong Hiến pháp: MTTQ là một bộ phận của hệ thống chính trị và làm rõ nội dung giám sát, phản biện xã hội của MTTQ. Giám sát và phản biện xã hội có phạm vi, lĩnh vực và đối tượng khác nhau, do đó nên tách riêng mà không gộp chung một khoản như trong dự thảo. Đối tượng của giám sát là hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức.

A.Thư

Tin cùng chuyên mục