Từ ngày 1-7-2013: Thực hiện sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế

Một số ý kiến khác nhau trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp sáng nay, 15-8.
Từ ngày 1-7-2013: Thực hiện sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế

(SGGPO).- Một số ý kiến khác nhau trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp sáng nay, 15-8.

Liên quan đến thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc quyết định gia hạn nộp thuế, quan điểm của Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách (TCNS – cơ quan thẩm tra dự luật) và cơ quan soạn thảo còn khác nhau. Thường trực Ủy ban TCNS cho rằng, trong nhiều năm gần đây, việc thường xuyên áp dụng biện pháp gia hạn nộp thuế đã gây ảnh hưởng, khó khăn trong cân đối ngân sách theo dự toán đã được Quốc hội phê chuẩn và việc áp dụng gia hạn nộp thuế đại trà là chưa phù hợp với quy định tại Điều 49 của Luật Quản lý thuế hiện hành (chỉ gia hạn theo từng trường hợp cụ thể).

Vì vậy,  Thường trực Ủy ban TCNS đề nghị quy định theo hướng: việc gia hạn nộp thuế đối với từng trường hợp cụ thể (từng tập đoàn, doanh nghiệp...) giao Chính phủ quyết định. Trường hợp gia hạn thuế mang tính điều chỉnh chính sách, áp dụng trên diện rộng thì giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Thường trực Ủy ban TCNS cũng đề nghị Luật có hiệu lực thi hành từ 1-7-2013 nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn thay vì để đến ngày 1-1-2014 như đề xuất của cơ quan soạn thảo. Phát biểu giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã đồng ý về thời điểm Luật có hiệu lực từ ngày 1-7-2013. 

Chỉ những doanh nghiệp tuân thủ pháp luật về thuế, đạt tín nhiệm cao mới được hoàn thuế trước. Ảnh: Trần Thanh

Chỉ những doanh nghiệp tuân thủ pháp luật về thuế, đạt tín nhiệm cao mới được hoàn thuế trước. Ảnh: Trần Thanh

Cho ý kiến về thẩm quyền quyết định gia hạn nộp thuế, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình tiếp tục giao cho Chính phủ, vì đây được coi là giải pháp điều hành để tháo gỡ khó khăn tức thời cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, không làm giảm nguồn thu mà số thu chỉ bị chậm lại trong một khoảng thời gian nhất định.

Về xử lý đối với việc chậm nộp tiền thuế, xử phạt đối với hành vi khai sai, Thường trực Ủy ban TCNS và cơ quan soạn thảo thống nhất quy định: “Người nộp thuế chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định, thời hạn gia hạn nộp thuế, thời hạn ghi trong thông báo của cơ quan quản lý thuế, thời hạn trong quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế thì phải nộp đủ tiền thuế và tiền chậm nộp theo mức luỹ tiến: 0,05%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp đối với số ngày chậm nộp không quá 90 ngày, 0,07%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp đối với số ngày chậm nộp vượt quá thời hạn 90 ngày”.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung cho ý kiến về một nội dung quan trọng khác, đó là quy định về việc kiểm tra hồ sơ hoàn thuế (trong trường hợp hoàn thuế trước, kiểm tra sau). Theo Bộ trưởng Vương Đình Huệ, cơ quan thuế sẽ thực hiện phân loại. Những đối tượng rủi ro cao sẽ kiểm tra trước, hoàn thuế sau. Chỉ những doanh nghiệp tuân thủ pháp luật về thuế, đạt tín nhiệm cao mới được hoàn thuế trước. Cơ quan quản lý không kiểm tra toàn bộ hồ sơ hoàn thuế mà chỉ chọn một số trường hợp để kiểm tra.

Quyết toán thuế tại Cục thuế TPHCM. Ảnh: Cao Thăng

Quyết toán thuế tại Cục thuế TPHCM. Ảnh: Cao Thăng

Tuy nhiên, để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, chặt chẽ trong công tác quản lý thuế đồng thời cũng bảo đảm tính khả thi trong tổ chức thực hiện, Thường trực Ủy ban TCNS đề nghị quy định chặt chẽ hơn. Đối với một số trường hợp: cơ sở kinh doanh kê khai lỗ luỹ kế hai năm liên tục hoặc có số lỗ vượt quá vốn điều lệ; cơ sở kinh doanh bất động sản, kinh doanh thương mại, dịch vụ; cơ sở kinh doanh thay đổi địa điểm kinh doanh trong vòng 12 tháng; cơ sở kinh doanh có sự thay đổi bất thường giữa doanh thu tính thuế và số thuế được hoàn trong giai đoạn 12 tháng thì thời hạn kiểm tra là không quá 01 năm, kể từ ngày có quyết định hoàn thuế. Các trường hợp khác, thời hạn kiểm tra là không quá 03 năm, kể từ ngày có quyết định hoàn thuế.

Về vấn đề này, nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc kiểm tra đối với 4 trường hợp rủi ro cao như đã nêu là cần thiết. Tuy nhiên, không nên quy định kiểm tra tất cả các hồ sơ hoàn thuế như đề nghị của cơ quan thẩm tra vì việc này không thực sự cần thiết, đồng thời làm phát sinh một khối lượng công việc rất lớn cho đội ngũ cán bộ thuế. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước lưu ý thêm: “Đồng ý kiểm tra rủi ro thôi, nhưng diện làm có thể rộng hơn một chút, chú ý luân phiên để có nhiều doanh nghiệp được kiểm tra, đừng để lọt”.

Đề cập đến chế tài đối với các vi phạm pháp luật về thuế, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, cần phải xử lý nghiêm cả những cán bộ ngành thuế có hành vi tiêu cực, tiếp tay cho doanh nghiệp, cá nhân trốn thuế. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đã cho ý kiến về dự luật. Theo ông, việc xây dựng pháp luật về thuế phải cân bằng giữa hai mục tiêu là tạo điều kiện thuận lợi cho người đóng thuế, người thu thuế; đồng thời tăng cường kiểm soát, hạn chế gian lận về thuế. “Khoảng hơn 1/3 các quy định trong dự luật là cải cách hành chính công tác thu thuế. Đó là xu hướng đúng”, ông nói. Ông cũng cho rằng, công tác kiểm tra hoàn thuế chỉ nên làm theo xác suất chứ không nên thực hiện đại trà.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế sẽ được trình Quốc hội phê duyệt tại Kỳ họp thứ 4, khai mạc vào tháng 10 tới.

  • Xử nghiêm vi phạm pháp luật về khoáng sản

Chiều 15-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường và cho ý kiến về Báo cáo này. 

Bản báo cáo đã chỉ rõ một số hạn chế trong việc ban hành chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường. Đơn cử, quy định tại Điều 79 của Luật Khoáng sản 2010 về đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực chưa thăm dò là khó khả thi. Điều 80 không quy định rõ vai trò của Bộ Công Thương và Bộ Xây dựng, trong khi đó Bộ Công Thương lại được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về khai thác mỏ, chế biến và sử dụng khoáng sản (trừ khoáng sản làm vật liệu xây dựng); Bộ Xây dựng được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về khai thác mỏ, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng. Các quy định về thuế tài nguyên và cấp các loại giấy phép cũng có nhiều điểm bất hợp lý. 

“Thuế suất thuế tài nguyên được quy định trong khoảng rộng (than 4-20%, dầu thô 4-40%, đất hiếm 12-25%, kim loại 7-25%, phi kim 3-15%...) tuy đã tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan điều hành, quản lý thuế dễ điều chỉnh trong quá trình triển khai thực hiện cho phù hợp với thực tiễn, nhưng mặt khác dễ dẫn đến việc áp dụng có lúc, có nơi còn tùy tiện”, ông Phan Xuân Dũng nhận định. Đáng lưu ý, điều này góp phần dẫn đến việc doanh nghiệp chỉ khai thác khu vực khoáng sản có chất lượng cao, bỏ khu vực khoáng sản có chất lượng thấp để hạ giá thành khai thác, tăng lợi nhuận, “dễ làm, khó bỏ”, làm tổn thất tài nguyên. 

Trong khi đó, công tác cấp phép thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản trên thực tế còn nhiều tồn tại. Số lượng cấp giấy phép khai thác khoáng sản của các địa phương khá lớn, vượt quá nhu cầu làm tổn hại tới môi trường, thất thoát tài nguyên khoáng sản.

Theo Báo cáo của Chính phủ, chỉ trong 3 năm, từ tháng 10/2005 đến tháng 8/2008, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã cấp 3.495 giấy phép khai thác, gấp hơn 7 lần số lượng Trung ương cấp trong 12 năm (Trung ương cấp là 478 giấy phép khai thác). Tổn thất tài nguyên khoáng sản được nhìn nhận là rất lớn, nhất là các địa phương có biên giới, có cảng thì xuất khẩu khoáng sản thô là khá nhiều. Số lượng giấy phép khai thác khoáng sản nhiều như vậy, nhưng số lượng dự án chế biến sâu khoáng sản còn quá ít, dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp…   

Góp ý vào bản Báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đề nghị đánh giá sâu sắc hơn về tác động kinh tế - xã hội của hoạt động khoáng sản với các mốc thời gian cụ thể; từ đó mới có cơ sở kiến nghị chính sách phù hợp. 

Đánh giá cao mức độ công phu của Báo cáo, song Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị chú trọng phân tích khâu tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật, cũng như nêu rõ địa chỉ trách nhiệm khi xảy ra những vụ việc sai phạm. Ông nói: “Ban hành văn bản chậm là lỗi của Bộ nào, cấp nào? Bao nhiêu tỉnh cấp mỏ không đúng quy hoạch, là tỉnh nào”? Nên có những kiến nghị rất cụ thể, ít thôi, nhưng bớt chung chung đi - đó là khuyến nghị của người đứng đầu Ủy ban Tài chính Ngân sách.

Còn theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước, khai khoáng không chỉ đơn thuần là hoạt động kinh tế mà còn có tác động đến xã hội, môi trường rất lớn. Ông Phước băn khoăn: “Phần phân tích tác động môi trường của Báo cáo còn mờ nhạt. Thực tế so với Báo cáo ĐTM khi xin cấp phép như thế nào? Môi trường rừng, nguồn nước bị ảnh hưởng ra sao? Một đặc điểm nữa của khai thác, vận chuyển khoáng sản là phá hủy cơ sở hạ tầng rất ghê gớm. Đường sá hỏng, cầu gãy… ai chịu trách nhiệm sửa chữa”? 

Đáng lưu ý, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc bày tỏ bức xúc về nạn “quặng tặc” ngang nhiên khai thác nhiều loại khoáng sản trong khi cơ quan nhà nước không làm hết trách nhiệm. Ông nhấn mạnh, “ở đây không phải chuyện thiếu quy định mà là thực hiện pháp luật không nghiêm”. 

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai quan tâm đến vấn đề an toàn lao động và an ninh trật tự tại nhiều địa phương có hoạt động khoáng sản, Bà Mai cũng đề nghị đánh giá kỹ càng hơn chất lượng văn bản quy phạm pháp luật của các địa phương liên quan đến hoạt động khoáng sản. Đồng tình với ông Phùng Quốc Hiển về chỉ rõ địa chỉ trách nhiệm, bà nhận xét: “Kiểm tra hàng trăm, hàng ngàn doanh nghiệp cả trung ương và địa phương mà số phạt không đáng kể, như vậy đã đảm bảo nghiêm minh chưa”?  

 Giai đoạn từ năm 2005 đến 2008, tổng vốn đầu tư cho ngành khai thác đứng vị trí thứ 5/18 ngành và lĩnh vực, nhưng hiệu quả đóng góp cho nền kinh tế chỉ đứng thứ 8. Mặc dù tạo được nhiều việc làm, nhưng số lượng lao động làm việc trong ngành khai khoáng cũng chưa tương xứng với vốn đầu tư, chỉ đứng thứ 11/18 so với các ngành kinh tế khác. Đây chính là hậu quả của việc khai thác xuất khẩu khoáng sản thô không qua chế biến, chưa đầu tư thích đáng cho công nghệ dẫn đến tổn thất khai thác lớn.

(Trích Báo cáo giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường)


ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục