Quốc hội thông qua 5 luật

Chiều 18-6, Quốc hội đã thông qua 5 dự án: Luật Bảo hiểm tiền gửi; Luật Phòng, chống rửa tiền; Luật Giáo dục đại học; Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Quốc hội thông qua 5 luật
  • Cần có quy định riêng về xuất bản phẩm điện tử

(SGGP).- Chiều 18-6, Quốc hội đã thông qua 5 dự án: Luật Bảo hiểm tiền gửi; Luật Phòng, chống rửa tiền; Luật Giáo dục đại học; Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Theo Luật Bảo hiểm tiền gửi, chỉ bảo hiểm tiền gửi của người gửi tiền là cá nhân và chỉ bảo hiểm đối với các khoản tiền gửi bằng đồng Việt Nam chứ không mở rộng ra bảo hiểm tiền gửi đối với vàng và ngoại tệ. Luật cũng nêu rõ: “Thủ tướng Chính phủ quy định hạn mức trả tiền bảo hiểm theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ”. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2013.

Liên quan tới Luật Phòng, chống rửa tiền, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về phòng, chống rửa tiền. Bộ Công an có trách nhiệm chủ trì lập danh sách tổ chức, cá nhân thuộc danh sách đen có liên quan tới khủng bố và tài trợ khủng bố. Bộ Xây dựng triển khai các biện pháp phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản... Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2013.

Đối với Luật Giáo dục đại học (GDĐH), nhiều ý kiến cho rằng việc trao quyền tự chủ cho cơ sở GDĐH là cần thiết và hợp lý nhưng cần phải có lộ trình. Ngược lại, có ý kiến cho rằng, quyền được tự chủ là thuộc tính của cơ sở GDĐH nên cơ sở GDĐH phải được tự chủ toàn bộ và phải tự chịu trách nhiệm trước xã hội, pháp luật. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã cho chỉnh lý Điều 32 về quyền tự chủ của cơ sở GDĐH theo hướng chỉ quy định mang tính nguyên tắc và không dẫn chiếu đến các điều khoản cụ thể. Theo đó, cơ sở GDĐH không còn đủ năng lực thực hiện quyền tự chủ hoặc vi phạm pháp luật trong quá trình thực hiện quyền tự chủ thì tùy thuộc mức độ sẽ bị xử lý theo các quy định của pháp luật. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2013.

Theo Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, sẽ hình thành Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá, với nhiều nguồn khác nhau. Trong đó, có khoản đóng góp bắt buộc của cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc lá được tính theo tỷ lệ phần trăm (%) trên giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình: 1,0% từ ngày 1-5-2013; 1,5% từ ngày 1-5-2016; 2,0% từ ngày 1-5-2019. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-5-2013.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Diệu Thúy (TPHCM) phát biểu tại hội trường.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Diệu Thúy (TPHCM) phát biểu tại hội trường.

Sáng cùng ngày, Quốc hội họp phiên toàn thể, cho ý kiến về dự án Luật Xuất bản (sửa đổi). ĐB Trần Thị Diệu Thúy (TPHCM) và nhiều ĐB lưu ý đến tình trạng vi phạm khá phổ biến trong hoạt động liên kết xuất bản hiện nay. Đại biểu Diệu Thúy nhận định: “Nhiều nhà xuất bản đã và đang tiếp tay cho các đối tác lách luật, ra xuất bản phẩm hàng tháng với tính chất như tạp chí nhưng lại không phải xin phép và sự quản lý của cơ quan quản lý báo chí (chỉ cần một tờ giấy phép mỗi tháng của NXB)”. Cần có chế tài nghiêm khắc để ngăn chặn hành vi lách luật này cũng như các dạng vi phạm khác của đối tác liên kết xuất bản.

Nhiều ĐBQH quan tâm đến hàng ngàn cơ sở in nhưng không in xuất bản phẩm và không chịu sự điều chỉnh của luật này. ĐB Nguyễn Phước Lộc (TPHCM) đề nghị xây dựng luật riêng về hoạt động in ấn không phải xuất bản phẩm.

ĐB Nguyễn Phước Lộc (TPHCM) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Minh Điền

ĐB Nguyễn Phước Lộc (TPHCM) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Minh Điền

Lưu ý đến thực tế là các xuất bản phẩm điện tử hiện nay đã trở nên rất phổ biến, ĐB Nguyễn Văn Minh (TPHCM) cho rằng, dự luật chỉ dành 3 điều đề cập đến xuất bản phẩm điện tử là “quá đơn giản”, cần phải có chương riêng để chế định về vấn đề này. Trong khi đó, xuất phát từ nhận định “luật phải tháo gỡ được những vướng mắc đang nảy sinh trong thực tiễn”, ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cho rằng, để đối phó hiệu quả hơn đối với tệ nạn xuất bản lậu đang áp đảo, thậm chí “giết chết” các sản phẩm chính thức, dự luật cần bổ sung hành vi xuất bản lậu, ăn cắp bản quyền vào mục “các hành vi bị cấm” và quy định chế tài xử lý nghiêm khắc hơn nữa với các đối tượng có hành vi này.

Nhóm PV

  • Sẽ có nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn?

Chiều 18-6, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết bên hành lang kỳ họp QH: Đoàn thư ký kỳ họp đã hoàn thiện dự thảo nội dung Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, gửi xin ý kiến ĐBQH. Dự thảo Nghị quyết bao gồm những nội dung quan trọng về cải thiện chính sách đền bù tái định cư khi thu hồi đất, hoàn thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, kiểm tra việc sử dụng vốn và nhân sự tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bối cảnh kinh tế suy giảm, bảo đảm an ninh trật tự xã hội và an ninh quốc gia… Nếu được QH thông qua, đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để QH giám sát trách nhiệm thực hiện các lời hứa trước QH của các thành viên Chính phủ trong quá trình trả lời chất vấn.

Quốc hội cũng sẽ thông qua nghị quyết về đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH, trong đó có nội dung đáng chú ý là giao UBTVQH xây dựng quy trình bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn. Tuy đã cho ý kiến về đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế nhưng QH sẽ không ban hành nghị quyết riêng về đề án. QH sẽ ban hành nghị quyết về các giải pháp thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân năm 2012, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết.

A.Thư

  • Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai: Năm 2015 lương tối thiểu sẽ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tối thiểu

Chiều 18-6, ngay sau khi Quốc hội biểu quyết thông qua dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đã trao đổi với báo giới về một số nội dung sửa đổi, bổ sung quan trọng nhất.

Bà Trương Thị Mai cho biết, một nội dung trọng tâm trong bộ luật lần này là về tiền lương tối thiểu. Theo đó, tiền lương của người lao động được xác định trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động với chủ sử dụng nhưng có sự quản lý của nhà nước (thông qua việc công bố lương tối thiểu). Lương tối thiểu được xác định theo 4 vùng, căn cứ vào những cơ sở được xác định trong luật, trong đó bao gồm điều kiện kinh tế - xã hội, giá cả tiêu dùng. Bộ luật cũng quy định về thỏa ước lao động tập thể ngành, theo đó, mức lương tối thiểu trong thỏa ước lao động tập thể ngành cao hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ công bố. Như vậy ngành nào ký được thỏa ước lao động tập thể ngành người lao động ngành đó được hưởng lợi hơn. Trên thực tế, ngành dệt may đã hiện thực hóa điều này.

Người đứng đầu Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho biết thêm: “Theo các cơ quan nghiên cứu, mức lương tối thiểu được công bố hiện nay từ 1,4 - 2 triệu đồng/tháng chưa đủ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tối thiểu, vì vậy sẽ tính lộ trình để năm 2015 đạt được mục đích này. Nhưng khu vực người lao động trong doanh nghiệp sẽ đi trước khu vực cán bộ công chức. Tôi chắc khu vực cán bộ công chức cũng sẽ chia sẻ, thông cảm, vì khu vực lao động trong doanh nghiệp có tỷ lệ lớn là lao động phổ thông, đời sống khó khăn hơn”.

Theo bà Trương Thị Mai, cơ quan thẩm tra đã trình Quốc hội yêu cầu Chính phủ và các cơ quan hữu quan khẩn trương trình các văn bản hướng dẫn (khoảng 20 nghị định và một số hướng dẫn) để khi bộ luật có hiệu lực (ngày 1-1-2013) thực hiện được ngay. Khuyến khích tập trung vào nghị định, giảm bớt thông tư và hướng dẫn khác, gây phức tạp trong thi hành luật. Bộ luật không bắt buộc hàng năm phải công bố tiền lương tối thiểu nhưng thường là lương tối thiểu sẽ được điều chỉnh khi lạm phát tăng cao. Bà Trương Thị Mai khẳng định: “Tôi không nói năm 2013 có công bố điều chỉnh hay không nhưng năm 2015 sẽ đạt mức như bộ luật yêu cầu, tức đáp ứng được mức sống tối thiểu”.

Một số thay đổi quan trọng khác trong bộ luật so với trước đây là thời gian nghỉ thai sản cho lao động nữ. Theo đó, mọi đối tượng lao động nữ được quyền nghỉ trước và sau khi sinh con 6 tháng. Người lao động có thể đi làm từ sau khi đã nghỉ 4 tháng, nếu có nhu cầu làm việc và thỏa thuận được với chủ DN. Ngoài chế độ thai sản 6 tháng, tiền lương và công của người lao động nữ đi làm sớm được giải quyết cao hơn mức bình thường. Thời giờ làm thêm tối đa và việc tăng tuổi nghỉ hưu cho lao động nữ trong một số trường hợp (sẽ được Chính phủ quy định cụ thể) cũng là những nội dung mới được chế định trong bộ luật.

Anh Thư ghi

  • Cần sớm ban hành hướng dẫn

Bộ luật Lao động (sửa đổi) vừa được thông qua đã cơ bản đáp ứng yêu cầu điều chỉnh các mối quan hệ lao động, đảm bảo hài hòa quyền lợi cho cả chủ sử dụng và người lao động. Đó là nhận xét của nhiều ĐBQH bên hành lang kỳ họp.

ĐBQH Cù Thị Hậu (Nam Định): Tôi đặc biệt quan tâm đến hai nội dung trong bộ luật, đó là về thời giờ làm thêm và thời gian nghỉ thai sản cho lao động nữ. Ban soạn thảo đã tiếp thu ý kiến của tôi và nhiều ĐB khác về thời giờ làm thêm và tôi cho rằng quy định như bộ luật vừa được thông qua là phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội cũng như thể chất của người lao động Việt Nam. Riêng thời gian nghỉ thai sản, cơ bản đã thể hiện sự ưu ái lớn đối với lao động nữ nhưng tôi vẫn còn một băn khoăn. Lẽ ra nên quy định cho chị em lao động nữ làm các công việc nặng nhọc, trong môi trường độc hại nghỉ thêm một tháng so với các chị em làm việc văn phòng thì hợp lý hơn.

ĐBQH Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình): Các định hướng được nêu trong Bộ luật Lao động vừa được thông qua là đúng đắn. Tuy vậy, không như các luật khác - các văn bản hướng dẫn dự kiến ban hành được trình cùng với dự thảo luật - Bộ luật Lao động vẫn còn rất nhiều nội dung cần được Chính phủ hướng dẫn. Vì thế, phải chờ xem những hướng dẫn này có được ban hành nhanh chóng không, theo hướng nào, lấy tiêu chí dễ cho cơ quan quản lý hay các đối tượng thực thi làm trọng mới khẳng định được bộ luật có nhanh chóng phát huy hiệu quả tích cực hay không.

ĐBQH Bùi Thị An (Hà Nội): Nhìn chung nhiều ý kiến góp ý của ĐBQH đã được tiếp thu hợp lý, thể hiện trong bộ luật. Về vấn đề tuổi nghỉ hưu của lao động nữ như tôi đã phát biểu ở hội trường, cá nhân tôi mong muốn mở rộng hơn nhưng có thể trên quan điểm toàn diện thì quy định như bộ luật cũng chấp nhận được. Tôi chỉ muốn nói thêm, nếu thực sự muốn tạo ra bình đẳng giới, thực sự quan tâm đến lao động nữ phải lưu ý rằng khi về hưu họ bị thiệt thòi hơn về lương so với nam giới. Phải có cách nào đó để xử lý điều này, nếu không dù đã về hưu, lao động nữ vẫn phải đi làm thêm để đảm bảo cuộc sống hàng ngày. Hy vọng Chính phủ và các bộ ngành khi soạn thảo các văn bản hướng dẫn sẽ giải quyết được bất bình đẳng này.

Bảo Vân ghi

Tin cùng chuyên mục