Giải quyết khiếu nại tố cáo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Sai phải sửa, không trả lời vòng vo

Vẫn còn 528 vụ KNTC tồn đọng, kéo dài
Giải quyết khiếu nại tố cáo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Sai phải sửa, không trả lời vòng vo

Ngày 2-5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC).

Vẫn còn 528 vụ KNTC tồn đọng, kéo dài

Báo cáo tình hình, kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC từ năm 2008 – 2011, Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Huỳnh Phong Tranh cho biết hiện còn 528 vụ việc đang được tiếp tục xem xét, giải quyết. Về tính chất, mức độ phức tạp, mặc dù so với những năm 2006 - 2007 số vụ KNTC từ năm 2008 - 2011 ở một số địa bàn có giảm, nhưng tính chất vẫn diễn biến phức tạp và bức xúc ở nhiều nơi. Có lúc, có nơi đặc biệt phức tạp, gay gắt, biểu hiện rõ nhất là số đoàn đông người tăng mạnh, thái độ công dân đi khiếu kiện thiếu kiềm chế, KNTC cáo vượt cấp lên Trung ương gia tăng, tình trạng đơn thư gửi tràn lan mang tính phổ biến. Có nhiều vụ việc phát sinh từ những năm trước, đã được xem xét, giải quyết nhưng công dân vẫn khiếu kiện kéo dài, nhất là các vụ việc khiếu nại về thu hồi đất, đòi lại đất cũ, tranh chấp đất đai…

Nhà nước giải quyết về vụ cưỡng chế, thu hồi đất tại Hải Phòng

Nhà nước giải quyết về vụ cưỡng chế, thu hồi đất tại Hải Phòng

Đặc biệt, thời gian qua có hiện tượng những người, nhóm người khiếu nại “liên kết” với nhau để khiếu nại đông người. Tình hình này đã ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và tiềm ẩn những nguy cơ làm mất ổn định chính trị - xã hội tại một số địa phương trong một số thời điểm. Theo thống kê của TTCP, nội dung KNTC của công dân chủ yếu liên quan đến đất đai chiếm 70%.

Thứ trưởng Bộ TN-MT Chu Phạm Ngọc Hiển cho biết lĩnh vực đất đai chiếm tới 98% trong tổng số đơn thư KNTC bộ nhận được hàng năm. Chính sách về giá bồi thường đất hiện đang tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư nhưng lại gây không ít thiệt hại đối với người dân mất đất, chưa kể có nhiều trường hợp lấy đất của nông dân rồi để hoang lãng phí không triển khai xây dựng, hoặc để chờ chuyển nhượng, hưởng chênh lệch giá… Các khiếu nại về nhà, đất với nguyên nhân do lịch sử để lại không được giải quyết dứt điểm cũng ngày càng trở nên phức tạp.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Ảnh: VGP

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Ảnh: VGP

Trong khi đó, phát biểu tại hội nghị, lãnh đạo các tỉnh thành: TPHCM, Đồng Nai, Khánh Hòa, An Giang... đều kiến nghị Thủ tướng phải tăng cường kỷ cương đối với công tác giải quyết KNTC, có cơ chế để bảo vệ cán bộ vì có những vụ KNTC đã được giải quyết nhiều lần, đúng, nhưng người dân vẫn không bằng lòng, cán bộ giải quyết KNTC trở thành đối tượng bị KNTC.

Hầu hết các tỉnh đều chung đề xuất: phải phân biệt người dân KNTC đúng với những đối tượng lợi dụng, kích động KNTC để có biện pháp xử lý kiên quyết. Theo phản ánh của các địa phương, hiện nay có tình trạng cò dịch vụ KNTC, nhiều người dân bị lừa, tiền mất tật mang, đề nghị có chế tài xử lý nghiêm các đối tượng này.

Thu hồi đất phải chặt chẽ, đúng pháp luật

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, vẫn còn nhiều vụ KNTC tồn đọng kéo dài, số vụ mới phát sinh nhiều. Nếu xem thường, không tiếp tục tập trung giải quyết sẽ tiềm ẩn những nguy cơ gây mất ổn định. “528 vụ kéo dài, nếu không quan tâm sẽ thế nào? Không loại trừ những người này sẽ móc nối với nhau, những thế lực thù địch để gây rối, coi đó là bản chất của chế độ ta... Tất cả điều này đòi hỏi chúng ta phải quan tâm đến công tác giải quyết KNTC, tiếp dân” - Thủ tướng nhấn mạnh. Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, đất nước đang trong quá trình đẩy mạnh đầu tư hạ tầng để phát triển vì vậy công tác giải phóng mặt bằng là rất lớn, đòi hỏi phải giải quyết hài hòa các lợi ích. “Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc để tập trung giải quyết có lý, có tình những vụ KNTC kéo dài, tồn đọng, hạn chế KNTC vượt cấp. Phải tiếp tục thực hiện quy hoạch sử dụng đất nhưng phải hạn chế tối đa phát sinh KNTC kéo dài, phức tạp”, Thủ tướng yêu cầu.

Thủ tướng chỉ đạo các cấp ngành phải tập trung chỉ đạo sâu sát, quyết liệt từng vụ KNTC tồn đọng. Phải lên hồ sơ tất cả 528 vụ còn tồn đọng kéo dài, nếu cần thiết phải lập hội đồng thẩm định với sự tham gia của mặt trận, luật sư để đánh giá quá trình giải quyết đã đúng chưa. Nếu chính quyền sai phải sửa. Công bố công khai kết quả, nối mạng hồ sơ từ cơ sở lên TTCP, trả lời nhất quán cho dân, không vòng vo. Cần phải xử lý từng vụ việc một, làm việc hết lòng, hết sức, hỗ trợ người dân. Trường hợp người dân cố tình không chấp nhận kết quả, bị thế lực thù địch lợi dụng, cần cố gắng giải thích để người dân hiểu, chỉ đến khi không thể giải quyết mới cưỡng chế. Tiếp tục thu hồi đất theo quy hoạch để phát triển hạ tầng nhưng phải làm chặt chẽ, đúng pháp luật. Công tác quy hoạch phải được thẩm định chặt chẽ, công khai cho dân biết, không được tùy tiện khi lập quy hoạch. Khi thu hồi đất phải bảo đảm lợi ích chung, đúng pháp luật nhưng trên tinh thần bảo đảm lợi ích của người dân. Cưỡng chế phải chặt chẽ, đúng pháp luật, không được dùng vũ khí nóng, không làm chết người, không sử dụng quân đội vào cưỡng chế; bộ đội huyện, tỉnh không được tham gia cưỡng chế. Việc sửa Luật Đất đai phải tính toán, giá đất sẽ được quy định ổn định theo giai đoạn chứ không từng năm như bây giờ.

Thủ tướng lưu ý, đối với khiếu kiện đông người: các cấp phải chủ động nắm tình hình, không bị động để xảy ra khiếu kiện đông người. Nếu xuất hiện kẻ xấu, có động cơ kích động chính trị, các cơ quan phải nắm chắc tình hình và đấu tranh kịp thời. Đối với người dân khiếu kiện, cần tăng cường giáo dục thuyết phục, nhưng đối với kẻ cầm đầu gây rối phải xử lý nghiêm. Việc khó, phức tạp, vì vậy các cấp ủy, chính quyền phải quan tâm, phải có cán bộ chuyên trách có nghiệp vụ nắm rõ các vụ việc.

 
 

Từ năm 2008 đến 2011, các cơ quan hành chính nhà nước đã tiếp trên 1.571.500 lượt người đến KNTC và tiếp nhận, xử lý 672.990 đơn thư. Năm 2011 so với năm 2008, số vụ việc tăng 26,4%; đoàn đông người 64,5%. Các bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra, rà soát, giải quyết dứt điểm được 1.052 vụ việc tồn đọng, bức xúc, kéo dài (đạt 66,7%).

 
 
 

Phan Thảo

Tin cùng chuyên mục