Quý 3-2010

Báo cáo phương án sắp xếp các tổng công ty nhà nước không hiệu quả

Ngày 19-8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ra Chỉ thị số 1568/CT-TTg về việc triển khai thực hiện Kết luận số 78-KL/TW ngày 26-7-2010 của Bộ Chính trị.

(SGGP).- Ngày 19-8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ra Chỉ thị số 1568/CT-TTg về việc triển khai thực hiện Kết luận số 78-KL/TW ngày 26-7-2010 của Bộ Chính trị.

Trong Chỉ thị này, Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và doanh nghiệp có vốn góp chi phối của Nhà nước (gọi chung là doanh nghiệp nhà nước) đến năm 2015 để doanh nghiệp nhà nước tập trung vào những ngành, lĩnh vực quan trọng, then chốt mà Nhà nước cần nắm giữ, chi phối. Thủ tướng khẳng định, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng thành viên các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước phải “xem đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm”.

Trong quý 3-2010, các bộ, ngành, địa phương báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án sắp xếp các tổng công ty (TCty) nhà nước hoạt động không có hiệu quả, thua lỗ kéo dài nhiều năm, không có khả năng phục hồi và xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan.

Hôm qua, 19-8, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị Báo cáo viên các tỉnh, thành phố, các cơ quan và Đảng bộ trực thuộc Trung ương tháng 8. Tại đây, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã thông báo với hội nghị về tình hình hoạt động và chủ trương giải pháp để ổn định phát triển Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin).

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng phân tích rõ những nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến hàng loạt sai phạm, yếu kém của Vinashin và hướng khắc phục của Chính phủ để giúp tập đoàn này tiếp tục hoạt động.

Thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, Chính phủ đã có một loạt giải pháp quyết liệt trong thời gian vừa qua và những giải pháp đó đã bước đầu có một số kết quả. Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, đồng thời là Trưởng ban Chỉ đạo tái cơ cấu đã có nhiều cuộc khảo sát tại các đơn vị thành viên của Tập đoàn Vinashin như tại Nhà máy Đóng tàu Hạ Long (Quảng Ninh), Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Bạch Đằng (Hải Phòng) để xem xét cụ thể tình hình và nêu rõ quan điểm, giải pháp của Chính phủ đối với các cán bộ, công nhân thuộc Tập đoàn Vinashin.

Đến nay, các dự án về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã khởi động trở lại. Ở Nhà máy đóng tàu Dung Quất có hơn 1.000 công nhân nghỉ việc trong tổng số hơn 6.000 người đã trở lại làm việc. Dự kiến, tháng 10-2010 sẽ hạ thủy tàu chở dầu 104.000 tấn. Nhiều tàu trong đội tàu viễn dương chuyển về Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam đã hoạt động trở lại, khắc phục tình trạng ngưng trệ hàng loạt. Mới đây, Tập đoàn Vinashin đã bán được 4 con tàu đóng mới, trị giá 110 triệu USD và tất cả đang dồn sức cho những con tàu đang đóng dở dang...

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng, cần nắm chắc và phân loại cho đúng những khoản nợ của Vinashin cả trong và ngoài nước, nắm chắc tình hình, biết rõ Vinashin đã đầu tư ở đâu, vào những dự án nào để từ đó phân loại, xác định ngành chính, ngành phụ trợ. Phân tích rõ yếu kém, khuyết điểm, vi phạm, xử lý một cách nghiêm minh, công bằng, thận trọng, đúng với quy định của pháp luật.

Trong tình hình hiện nay, vai trò của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng trung ương và thương mại là quan trọng trong việc hợp tác với Vinashin và các đơn vị thành viên của Vinashin để giải quyết nợ, cho vay vốn để hoàn thiện các dự án dang dở. Theo đó, cần thông tin tới tất cả các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước, nói rõ cho họ thấy những khó khăn, thách thức hiện tại của Vinashin, không giấu giếm tình hình, cần tạo ra sự hợp tác tốt với các ngân hàng và các tổ chức tín dụng.

T.T.X. - T.Bình

Tin cùng chuyên mục