Đề xuất 2 phương án tổ chức hoạt động thanh tra

(SGGP).- Thống nhất với chủ trương tăng cường tính độc lập và tự chịu trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, tăng cường hiệu lực thi hành các kết luận của cơ quan thanh tra, song việc thể hiện cụ thể như thế nào trong dự thảo Luật Thanh tra lại là vấn đề còn có ý kiến tranh luận. Tại phiên họp sáng nay, 26-7 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề xuất 2 phương án.

Thứ nhất, tổ chức hoạt động thanh tra theo hướng đảm bảo cho Thanh tra Chính phủ thực hiện quyền quản lý Nhà nước trong tổ chức và hoạt động thanh tra tương tự như các bộ, cơ quan ngang bộ khác và theo đúng quy định của Luật Tổ chức Chính phủ.

Thứ hai, trong trường hợp chưa thể thực hiện được như phương án 1 thì cần tổ chức hoạt động thanh tra theo hướng tuy vẫn gắn với hoạt động quản lý nhà nước nhưng có tính độc lập tương đối.

Tuy nhiên, dù theo phương án nào, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận thì luôn phải đảm bảo 3 nguyên tắc căn bản. 

“Thủ trưởng cơ quan thanh tra phải có quyền chủ động ra quyết định thanh tra khi phát hiện dấu hiệu vi phạm; chủ động xây dựng chương trình thanh tra hàng năm; có quyền ra kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra... và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, khách quan trong các quyết định của mình. Đồng thời, phải xác định và phân định rõ thẩm quyền xử lý sai phạm của cơ quan, của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình tiến hành thanh tra cũng như sau khi có kết luận thanh tra”, ông Thuận phát biểu.

Được mời giải thích thêm về dự thảo Luật tại phiên họp, Phó Tổng thanh tra Nhà nước Trần Đức Lượng cho biết, địa vị pháp lý và quyền hạn của hệ thống cơ quan thanh tra đúng là khúc mắc cơ bản cần tháo gỡ, nhất là khi tổ chức các đoàn thanh tra liên ngành. Ông Lượng nói: “Trong nhiều trường hợp, kết luận xử lý của đoàn thanh tra liên ngành là nhân danh Chính phủ; bản thân chúng tôi có khi cũng lúng túng về thẩm quyền xử lý sai phạm, lúc nào nhân danh Chính phủ? lúc nào nhân danh cơ quan ngang Bộ?”.

Phó Tổng thanh tra Nhà nước cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung xem xét, cho ý kiến về cơ cấu tổ chức thanh tra chuyên ngành. Theo ông, các thành viên Chính phủ đã dành nhiều thời gian thảo luận về vấn đề này  và cuối cùng đã đi đến thống nhất đề nghị thành lập tổ chức thanh tra chuyên ngành ở cấp Tổng cục, Cục trực thuộc Bộ và chi cục thuộc Sở (nhưng không phải ở tất cả các Sở mà chỉ một số sở quản lý đa ngành, đa lĩnh vực).

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục