38 năm cuộc chiến 81 ngày đêm giữ gìn Thành cổ: Bản tráng ca bất tử

“Tri ân quá khứ - Tiếp lửa truyền thống”
38 năm cuộc chiến 81 ngày đêm giữ gìn Thành cổ: Bản tráng ca bất tử

Sáng 24-7, bến Nhan Biều, sông Thạch Hãn (Quảng Trị) đông nghịt người - những đoàn người từ khắp mọi miền của Tổ quốc tựu về kính cẩn nghiêng mình thắp nén tâm nhang tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ đã dũng cảm xả thân trong cuộc chiến đấu 81 ngày đêm giành giữ từng tấc đất cho Thành cổ linh thiêng.

  • Cuộc đọ sức lịch sử

Đầu năm 1972, quân ta mở cuộc tiến công chiến lược giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị. Mỹ - ngụy không cam chịu mất một địa bàn trọng yếu, đã quyết tâm tái chiếm Quảng Trị (đặc biệt thị xã Quảng Trị và các huyện Nam sông Thạch Hãn) bằng việc mở cuộc hành quân “Lam Sơn 72”, quy mô lớn chưa từng có. Thành cổ Quảng Trị trở thành nơi đọ sức quyết liệt nhất giữa ta và địch.

Và mảnh đất ấy, qua 81 ngày đêm, đã hứng chịu 328 ngàn tấn bom đạn (tương đương với 7 quả bom nguyên tử do Mỹ từng ném xuống Hiroshima và Nagasaki - Nhật Bản) rải xuống. Với quân số của ta, tính ra mỗi người phải hứng chịu 100 quả bom và 200 quả đạn pháo.

Thả hoa xuống dòng Thạch Hãn, tưởng nhớ, tri ân các liệt sĩ. Ảnh: CTV

Thả hoa xuống dòng Thạch Hãn, tưởng nhớ, tri ân các liệt sĩ. Ảnh: CTV

Thế nhưng sức mạnh bom đạn đã không thể nào đánh chiếm một tòa thành nhỏ bé với chừng đó con người bằng xương bằng thịt.

Tờ báo Phố Uôn của Hoa Kỳ lúc bấy giờ đã viết: “Kỷ luật, lý tưởng và tinh thần coi thường cái chết đã kết hợp với nhau như thế nào mà khiến các chiến sĩ Việt cộng vẫn xông lên dưới mưa bom B52. Không có một nhà phân tích nào ở Hoa Kỳ có thể giải thích đầy đủ”. “Không một loại bom đạn, sức mạnh nào có thể vùi dập tinh thần xả thân vì Tổ quốc, vì chính nghĩa và vì tình thương yêu, sự gắn bó thắm đượm nghĩa tình giữa những con người chính nghĩa với nhau.

Điều đáng ghi nhớ, lưu tâm nhất trong cuộc chiến đấu này là chính những người dân địa phương đã tạo ra, làm nên một sức mạnh phi thường - sức mạnh của lòng dân xuất phát từ tình yêu thương, sự gắn bó chính nghĩa ấy. Họ đã cùng với bộ đội làm nên một chiến thắng, viết nên một khúc tráng ca bất tử của lịch sử dân tộc”, cựu chiến binh, thương binh 1/4 Lê Bá Dương, Trung đoàn 27 nhớ lại.

  • Tri ân

Từ sáng sớm 24-7, dòng người đông nghịt đổ về bến Nhan Biều còn để dự lễ dâng hương khánh thành Bến thả hoa và động thổ xây dựng Đền tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ. Tham dự buổi dâng hương trang nghiêm và long trọng có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các bộ ngành trung ương; Đảng bộ, chính quyền địa phương; các mẹ Việt Nam anh hùng và đồng bào cả nước.

Thay mặt đồng bào cả nước, đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương bày tỏ lòng tri ân sâu sắc các liệt sĩ, đồng bào đã có con em chiến đấu hy sinh và bị thương trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm ở khắp mọi miền đất nước và trên chiến trường Thành cổ Quảng Trị nói riêng.

Hoa và nước do cựu chiến binh từ khắp mọi miền Tổ quốc mang về thả xuống các dòng sông để tưởng nhớ đồng đội hy sinh tại chiến trường Quảng Trị.

Hoa và nước do cựu chiến binh từ khắp mọi miền Tổ quốc mang về thả xuống các dòng sông để tưởng nhớ đồng đội hy sinh tại chiến trường Quảng Trị.

Sáng 24-7, một buổi sáng đáng nhớ trong cuộc đời làm báo của chúng tôi. Chứng kiến những cái bắt tay, những cái ôm ghì vào nhau sau bao nhiêu năm gặp lại của những cựu chiến binh sống sót sau cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ; chứng kiến những người lính già mang đến đây những bó hoa, nén hương thả xuống dòng sông Thạch Hãn, thắp lên đôi bờ sông cùng với lời khấn nguyện, bái vọng đồng đội được yên nghỉ cõi vĩnh hằng, ai nấy đều lưng tròng nước mắt.

Lúc 7 giờ 20 phút, tiếng chuông ở đền tưởng niệm ngân lên, hàng vạn con người lặng đi, xúc động trong phút mặc niệm. Rồi dòng sông bỗng trở nên rực rỡ bởi sắc màu của hoa. Bất chợt tôi thấy một cựu chiến binh say sưa hát bên bờ sông ca khúc “Mỗi bước ta đi” (sáng tác Thuận Yến).

Ông là cựu chiến binh Phạm Đình Đạt, hiện ở Hà Nội. Trong những ngày chiến đấu bảo vệ Thành cổ, ông đã cùng với 32 thành viên Đoàn Văn công quân giải phóng Trị Thiên Huế hát đưa bộ đội từ bến Nhan Biều vào Thành cổ Quảng Trị chiến đấu.

Giờ đây, tiếng hát của ông như đang ru đồng đội yên giấc ngàn thu...

NGỌC UYÊN

Sáng 24-7, tại bờ Bắc sông Thạch Hãn (Quảng Trị) đã khánh thành Bến thả hoa và động thổ xây dựng Đài tưởng niệm anh hùng liệt sĩ. Bến thả hoa với kinh phí đầu tư 15 tỷ đồng, khánh thành và đưa vào hoạt động gồm các hạng mục chính như: nhà hành lễ, bến thả hoa, hàng phượng vĩ (81 cây tượng trưng cho 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa năm 1972 tại Thành cổ).

Đài tưởng niệm anh hùng liệt sĩ được xây dựng trên diện tích 50.000m², nằm trong khuôn viên bến thả hoa với các hạng mục: nhóm tượng đài chính cao 29,7m, bệ đài rộng trên 50m² bằng đá granit trắng xám và các nhóm tượng đài công trình phụ trợ khác. Tổng vốn đầu tư trên 40 tỷ đồng do nhân dân cả nước đóng góp.

Đài tưởng niệm sẽ hoàn thành đúng vào dịp kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh Liệt sĩ 27-7-2012.

V.THẮNG


Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Ngã ba Đồng Lộc

(SGGP).- Ngày 24-7, tại Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc, xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận cùng lãnh đạo một số bộ, ban ngành TƯ, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, 150 đại biểu sinh viên, thanh niên kiều bào đến từ 30 quốc gia, đông đảo nhân dân các địa phương đã về dự lễ, dâng hương tưởng nhớ các anh hùng đã hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc và làm lễ giỗ tưởng niệm 42 năm ngày hy sinh của 10 nữ anh hùng TNXP (24-7-1968-24-7-2010). 

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thắp hương trước phần mộ của 10 nữ anh hùng TNXP Ngã ba Đồng Lộc.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thắp hương trước phần mộ của 10 nữ anh hùng TNXP Ngã ba Đồng Lộc.

Cách đây hơn 40 năm, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Ngã ba Đồng Lộc là con đường huyết mạch nối liền hậu phương với tiền tuyến, chi viện cho chiến trường miền Nam và Trung hạ Lào, mắt xích quan trọng trong toàn bộ mạng lưới đường giao thông của ta. Vì vậy, Mỹ hạ quyết tâm bằng mọi giá biến ngã ba này thành “tọa độ lửa”, “ngã ba chết”, thành một bãi bom hoang tàn không một bóng người... Mỹ đã ném xuống đây gần 50.000 quả bom các loại, bắn hàng vạn quả tên lửa để ngăn chặn việc tiếp tế cho chiến trường.

Có 16.000 TNXP, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị phòng không, vận tải đã ngoan cường chiến đấu, giữ vững mạch máu giao thông huyết mạch này và 465 người đã anh dũng hy sinh. Trong đó có 10 nữ anh hùng TNXP thuộc tiểu đội 4, đại đội 552.

Dịp này, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã trao và gửi 110 suất quà đến các gia đình liệt sĩ, thương bệnh binh, gia đình có công với cách mạng của tỉnh Hà Tĩnh. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng tới thăm và tặng 55 phần quà cho các đối tượng chính sách là mẹ Việt Nam anh hùng, thương bệnh binh và người có công trên địa bàn.

D.QUANG

“Tri ân quá khứ - Tiếp lửa truyền thống” 

 Chiều 24-7, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh Quân khu 5, Ban Chỉ đạo cuộc vận động sưu tầm và giới thiệu “Những kỷ vật kháng chiến” và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 tổ chức cuộc giao lưu với các nhân chứng lịch sử và tiếp nhận kỷ vật kháng chiến với chủ đề “Tri ân quá khứ - Tiếp lửa truyền thống”.

Đây là một hoạt động có ý nghĩa chính trị và nhân văn sâu sắc, tôn vinh những tấm gương tiêu biểu đã đóng góp, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, nhắc nhở các thế hệ nối tiếp truyền thống cách mạng, ra sức xây dựng quê hương, đất nước ngày một giàu mạnh, xứng đáng với lòng tin, sự hy sinh và ước mơ của các thế hệ cha ông đã ngã xuống cho quê hương.  

Tham dự cuộc giao lưu có Trung tướng Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng ban Chỉ đạo Cuộc vận động sưu tầm và giới thiệu “Những kỷ vật kháng chiến”; Trung tướng Phùng Khắc Đăng, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam; Thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn, Phó Tư lệnh Quân khu 5 cùng các tướng lĩnh, Anh hùng lực lượng vũ trang, cựu chiến binh và tuổi trẻ quân khu 5...

Cuộc vận động sưu tầm và giới thiếu “Những kỷ vật kháng chiến” Tổng cục Chính trị phối hợp với Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phát động từ tháng 2-2009. Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân và một số đơn vị tổ chức.

Tại cuộc giao lưu, các tướng lĩnh, Anh hùng lực lượng vũ trang đã ôn lại những kỷ niệm trên các chiến trường và những kỷ niệm không thể nào quên cuộc đời quân ngũ.

Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang Lê Mã Lương, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam với hơn 40 năm trong quân ngũ, tham gia chiến đấu hàng trăm trận, nhiều chiến dịch lớn nhỏ trên khắp các chiến trường, có nhiều năm lăn lộn chiến đấu trên chiến trường khu 5 đã kể về những  kỷ niệm gắn với  mảnh đất khu 5. Ông được vinh dự tham gia chiến dịch Thượng Đức năm 1974 và tham gia chiến dịch giải phóng Đà Nẵng năm 1975 với cương vị Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 24, Sư đoàn 304. Chiến dịch Thượng Đức luôn in đậm những ký ức của ông...

T.T.X. 

Tin cùng chuyên mục