Tìm lại nhân vật trong đoạn phim của Hãng ABC New Source: Ký ức 41 năm

Tìm lại nhân vật trong đoạn phim của Hãng ABC New Source: Ký ức 41 năm

Đầu năm 2009, Molly Hartman - một sinh viên người Mỹ đang học tiếng Việt tại Việt Nam - được xem đoạn phim có hình ảnh về một cô gái trẻ bị bắt giữ, hành hạ dã man sau một trận đánh năm 1968 trên Đài Truyền hình TPHCM (HTV). Ấn tượng bởi sự kiên cường của cô gái ấy, Molly liên lạc với Hãng ABC New Source (nơi nơi lưu giữ bản gốc của đoạn phim trên) để tìm bằng được đoạn phim đầy đủ. Molly được biết cô gái trong đoạn băng 41 năm về trước chính là Nguyễn Thị Hiền (Năm Lan) - thành viên của đội võ trang Nguyễn Văn Trỗi (Thành đoàn Sài Gòn - Gia Định) và tìm đến nhà của cô Hiền ở huyện Hóc Môn… Sau 41 năm, Năm Lan đã được nhìn lại hình ảnh của chính mình - một cô gái nhỏ bé, cánh tay bị trói ngoặt ra sau, khuôn mặt bình thản không hề sợ sệt, mái tóc rũ rượi vì bị những bàn tay thô bạo của bọn lính giật lên, đè xuống…

Hy sinh

Hình ảnh Năm Lan lúc bị bắt (Ảnh chụp lại từ đoạn phim tư liệu của ABC New Source).

Hình ảnh Năm Lan lúc bị bắt (Ảnh chụp lại từ đoạn phim tư liệu của ABC New Source).

Tết Mậu Thân 1968, tiểu đội võ trang Nguyễn Văn Trỗi nhận nhiệm vụ tham gia trận đánh nhà lao Chí Hòa. Đúng đêm 30 Tết, các anh Bảy Nhơn, Hai Dũng, Út Nhị cùng Năm Lan kết hợp với cánh quân của Tiểu đoàn 6 quận Bình Tân giả dạng thường dân xâm nhập vào nội thành, chuẩn bị trận đánh. Thời điểm đó, tại nhiều khu vực của Sài Gòn, cuộc chiến đang diễn ra rất quyết liệt. Sau bất ngờ ban đầu, quân địch bắt đầu phản công mạnh và cắt đứt mọi đường liên lạc giữa các lực lượng đang chiến đấu trong nội thành.

Đến mùng 5 Tết, tiểu đội của cô Hiền và Tiểu đoàn 6 đứt liên lạc. Cả tổ bị đẩy dạt về đường Minh Mạng (Ngô Gia Tự ngày nay). Phải vừa chống cự với địch vừa tìm chỗ ẩn nấp. Bảy Nhơn bàn với tổ đục tường của một căn nhà trống bên đường để vào tìm chỗ ẩn nấp chờ tối đến sẽ tìm cách thoát ra ngoại thành. Vậy mà chưa kịp yên vị, chỗ ẩn nấp bị giặc phát hiện. Đến giữa trưa, quân giặc kéo đến vây kín bên ngoài khu nhà và còn cho trực thăng quần thảo trên đầu kêu gọi đầu hàng.

Trước tình hình nguy cấp, các thành viên trong tổ hội ý, ai cũng quyết tâm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, thà chết chứ không để bị bắt. Theo phân công, Bảy Nhơn và Năm Lan sẽ chiến đấu dưới đất còn Út Nhị, Hai Dũng sẽ ở trên gác làm nhiệm vụ cảnh giới và yểm trợ. Vừa phân công xong nhiệm vụ, địch đã bắn một loạt đạn như vãi trấu vào nhà. Tiếng anh Út Nhị chợt vang lên: “Anh bị thương rồi Năm Lan ơi”. Khi Năm Lan chạy lên thì anh đã tắt thở, mắt vẫn mở trừng trừng, tay nắm chặt khẩu AK.

Bên ngoài, tiếng chửi rủa, tiếng gào thét gọi đầu hàng liên hồi. Khoảng hơn 1 giờ trưa, ba anh em khoét vách chui ra khỏi ngôi nhà, men theo những bức tường vừa chạy vừa bắn trả bọn địch. Chạy được một đoạn anh Hai Dũng bị lạc. Chạy thêm được một đoạn nữa thì Bảy Nhơn, Năm Lan đụng phải một xe chở đầy lính. Thấy một lò làm bánh mì, hai chú cháu nhảy vào.

Bảy Nhơn bảo Năm Lan: “Cháu đừng sợ, cứ trèo lên mái nhà nấp thật kỹ, chờ đến tối tình hình yên mình trà trộn tìm đường thoát ra. Còn chú thì để chú tự tính…”. Lên đến mái nhà, Năm Lan nhìn xuống thấy chú Bảy cởi áo vứt đi rồi xé toạc những xấp tiền, giấy tờ mang theo trong mình. Năm Lan biết chú đã chọn cách hy sinh, hành động như thế vừa để đánh lạc hướng kẻ thù để cô không rơi vào tay giặc. Tuy nhiên, chỉ ít phút sau, chỗ ẩn nấp của Năm Lan đã bị phát hiện…

Phải sống

Năm Lan đang xem lại đoạn tư liệu về mình.

Năm Lan đang xem lại đoạn tư liệu về mình.

Kể lại chuyện cũ, Năm Lan thật bình thản: “Khi bị bọn chúng lôi xuống từ mái nhà. Tôi nghĩ thầm trong bụng - mình cầm chắc cái chết. Hàng chục tên lính Mỹ ngụy lao vào đánh đập dã man, hết túm tóc đến trói thúc ké, đá vào bụng, ngực... Khi bị trói, tôi cảm nhận họng súng của một tên lính chĩa vào người. Chợt có một giọng nói vang lên: “Nó còn bé xíu. Việt cộng gì. Chắc trẻ con ham vui nên theo tụi này thôi…”. Sau câu nói đó, tôi biết mình sẽ không chết và thầm nghĩ - vậy là phải chuẩn bị đối phó với những món đòn tra tấn, chắc chắn sẽ rất khủng khiếp. Không biết mình có đủ sức vượt qua không. Nhưng sự hy sinh anh dũng của chú Bảy Nhơn và anh Út Nhị đã tiếp thêm sức mạnh và can đảm cho tôi”.

Bọn chúng kéo lê Năm Lan trên đường, qua chỗ có xác của Bảy Nhơn, nhằm làm nhục ý chí của cô nhưng đôi mắt cô gái trẻ vẫn sáng rực. Sau khi bị tra tấn dã man ngay tại chỗ nhưng không khai thác được gì, cuối cùng bọn giặc đưa cô về Tổng nha cảnh sát ngụy.

Một thời gian sau, không khai thác được gì từ Năm Lan, chúng kết án cô tù khổ sai và đày đi biệt xứ. Lúc đấy cô vừa mới 19 tuổi. Gần chục năm trời, Năm Lan bị chuyển hết nhà lao này sang nhà lao khác từ Thủ Đức, Chí Hòa đến Tân Hiệp rồi ra Côn Đảo. Đến năm 1974, Năm Lan được trả tự do. Tìm về với đồng đội, cô lại tiếp tục tham gia chiến đấu cho đến khi đất nước được thống nhất.

41 năm sau, từ sự nhiệt tình của cô sinh viên người Mỹ Molly Hartman, Năm Lan đã được xem những hình ảnh của mình lúc bị giặc bắt. Khi phim chiếu tới đoạn một người đàn ông cởi trần, người dính đầy máu bị lôi xềnh xệch dưới đường, Năm Lan nghẹn ngào nhận ra chú Bảy Nhơn. Đó cũng là hình ảnh cuối cùng về Bảy Nhơn - người đồng đội sát cánh cùng cô trong những ngày ác liệt của 41 năm về trước. Đoạn phim rất ngắn, chưa đầy ba phút nhưng là một tư liệu quý giá. Càng quý hơn khi nhân vật chính của đoạn phim trên vẫn còn sống. Năm Lan là một trong số những trường hợp ít ỏi còn sống sau khi bị địch bắt trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.

Năm Lan tâm sự: “Khi bị giặc bắt rồi tù đày tôi luôn nghĩ mình cầm chắc cái chết. Bây giờ tôi còn sống, có một gia đình hạnh phúc là may mắn lắm rồi. Tôi đã tìm gặp được người nhà của anh Út Nhị, chú Bảy Nhơn và được họ xem như người thân ruột thịt trong gia đình. Chỉ còn điều băn khoăn là đến tận bây giờ vẫn chưa nghe được tin tức gì về anh Hai Dũng. Không biết anh còn sống hay đã hy sinh…”.

THANH AN

Tin cùng chuyên mục