Chỉ rõ trách nhiệm những tập đoàn thua lỗ kéo dài

(SGGP). – Sáng 13-8, UBTVQH nghe báo cáo của đoàn giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty (TĐ, TCT) nhà nước. Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đề nghị đoàn giám sát chú trọng phân tích thêm về công tác quản lý vốn; quản lý sử dụng tài sản nhà nước, đồng thời chỉ ra cụ thể những khoảng trống, những điểm bất cập trong khung pháp lý cho lĩnh vực này. Báo cáo sẽ được hoàn thiện, trình QH tại kỳ họp thứ 6 tới đây.

Nhiều ý kiến trong UBTVQH bày tỏ đồng tình với các kết luận và kiến nghị trong báo cáo giám sát. Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển thì một mặt ghi nhận việc đã là TĐ thì phải kinh doanh đa ngành nghề, vấn đề là việc đầu tư có xa rời nhiệm vụ chính hay không, có rót vốn quá nhiều vào các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, tài chính, chứng khoán hay không. Ông Hiển nói: “Lãi lỗ trong kinh doanh mang tính có thời điểm, không chỉ nhìn qua một lát cắt ngang. Nhưng lỗ lũy kế lớn, kéo dài phải truy ra trách nhiệm của ai? Có tới 20 TĐ, TCT nằm trong danh sách lỗ nhiều năm”. Đặc biệt, ông Hiển đề nghị đoàn chỉ rõ trách nhiệm cụ thể đối với những TĐ, TCT có lỗ lũy kế lớn, kéo dài nhiều năm và hướng xử lý.

Theo báo cáo của đoàn giám sát, một số TĐ, TCT đã đầu tư vào lĩnh vực tài chính, bất động sản… quá lớn, trong khi chưa tập trung đủ nguồn lực tài chính cho các dự án quan trọng trong lĩnh vực chính của mình. Phần lớn số tiền đầu tư của các TĐ, TCT phát sinh trong 2 năm thị trường phát triển bong bóng nên hiệu quả không cao, nhất là trong năm 2008 và thấp hơn hiệu quả kinh doanh trong lĩnh vực chính.

Theo số liệu của đoàn giám sát, số TĐ, TCT có tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu cao có xu hướng tăng. Hệ số an toàn vốn của các TĐ, TCT vẫn nằm trong ngưỡng cho phép. Tuy nhiên, so sánh với các loại hình doanh nghiệp khác thì hiệu quả sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước nói chung và các TĐ, TCT nói riêng còn thấp, chưa tương xứng với quy mô, vị trí và vai trò trong nền kinh tế. Nhìn chung, quy mô và tốc độ tăng vốn chủ sở hữu của hầu hết các TĐ, TCT không đồng đều, một số đơn vị có vốn chủ sở hữu rất thấp, không đáp ứng đủ yêu cầu hoạt động. Tại một số đơn vị, tổng nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu rất cao, ảnh hưởng đến tính ổn định và phát triển doanh nghiệp. Đáng lưu ý, đã có TĐ phát hành trái phiếu bán cho tổ chức tín dụng và sử dụng nguồn vốn này để trả nợ ngân hàng – một biểu hiện không lành mạnh trong quan hệ tín dụng.

Qua khảo sát thực tế, nhận xét bước đầu của đoàn là việc quản lý, sử dụng đất đai của nhiều TĐ, TCT chưa chặt chẽ, hiệu quả sử dụng chưa cao, một diện tích khá lớn vẫn còn bị bỏ không, bị lấn chiếm.

Chiều cùng ngày, UBTVQH nghe tờ trình của Hội Luật gia Việt Nam về dự án Luật Trọng tài thương mại và cho ý kiến lần đầu về dự án luật này. Hoạt động chất vấn các thành viên Chính phủ sẽ diễn ra trọn vẹn trong buổi sáng nay (14-8) thay vì cả ngày như dự kiến ban đầu. Phiên chất vấn được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam VTV1.

Anh Phương

Tin cùng chuyên mục