Nhân 79 năm Ngày truyền thống ngành tư tưởng văn hóa của Đảng (1-8), PGS-TS PHAN XUÂN BIÊN: Thực tiễn còn nhiều điều chưa được lý luận giải đáp

Kinh tế đang phục hồi nhưng còn nhiều tiềm ẩn xấu
Nhân 79 năm Ngày truyền thống ngành tư tưởng văn hóa của Đảng (1-8), PGS-TS PHAN XUÂN BIÊN: Thực tiễn còn nhiều điều chưa được lý luận giải đáp

Vì sao chúng ta chưa lường hết những biến động vừa qua trong nền kinh tế? Phải chăng doanh nghiệp nhà nước ở TPHCM chưa đóng “vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân”? Việc một vài đơn vị ở TPHCM kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng CSVN là đúng hay sai? Có nên công khai tài sản của cán bộ để người dân giám sát giống như nước ngoài không? Có cần thiết phải quy định cấp ủy Đảng giám sát cả vợ (hoặc chồng) và người nhà của những cán bộ, đảng viên có chức quyền?... Những vấn đề trên được PGS-TS PHAN XUÂN BIÊN (ảnh), Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM cùng trao đổi với PV Báo SGGP khi bàn đến một số vấn đề tư tưởng, lý luận và thực tiễn hiện nay ở TPHCM.

Kinh tế đang phục hồi nhưng còn nhiều tiềm ẩn xấu

- PV: Từ đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X và Đại hội Đảng bộ TPHCM khóa VIII đến nay, tình hình kinh tế có những thay đổi lớn, ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống xã hội. Theo đồng chí, TPHCM rút ra được những bài học, kinh nghiệm thực tiễn gì trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo?

Nhân 79 năm Ngày truyền thống ngành tư tưởng văn hóa của Đảng (1-8), PGS-TS PHAN XUÂN BIÊN: Thực tiễn còn nhiều điều chưa được lý luận giải đáp ảnh 1

Đồng chí PHAN XUÂN BIÊN: Bài học trước hết là tính dự báo. Từ đầu nhiệm kỳ, chúng ta chưa lường hết những diễn biến phức tạp của  tình hình kinh tế thế giới.

Hai năm đầu nhiệm kỳ, tình hình vẫn diễn ra khá tốt đẹp, tốc độ phát triển GDP của TPHCM vẫn giữ nhịp độ tăng trưởng cao, nhưng từ năm 2008, nhất là vào cuối năm và sang đầu năm 2009, khủng hoảng tài chính và suy thoái toàn cầu lan rộng. Khi Việt Nam đã vào WTO, việc bên ngoài “ho” thì bên trong “xụt xịt” là điều khó tránh khỏi!

Hơn nữa, cho tới nay, nền kinh tế nước ta vẫn tùy thuộc quá nặng vào bên ngoài cả ở đầu vào (vốn, công nghệ, nguyên nhiên vật liệu) lẫn đầu ra (xuất khẩu). Từ đó, bài học nữa rút ra là tái cấu trúc lại nền kinh tế, giữ quan hệ tương thuộc nội-ngoại.

Trước tình hình đó, TPHCM cùng cả nước đẩy nhanh quá trình cải cách và chuyển đổi đầu tư để có sự tăng trưởng và phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu, chất lượng, hiệu quả và bền vững trên cơ sở phát huy nguồn lực và tính năng động của khu vực có đầu ra xuất khẩu hay hàng tiêu dùng phục vụ thị trường nội địa; tập trung đầu tư các dự án lớn cơ sở hạ tầng; xây dựng nhà ở cho công nhân, sinh viên; “tiến về” thị trường nông thôn; tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ...

Cùng với việc đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, mở thoát các “nút thắt cổ chai”, đồng thời tập trung chăm lo các vấn đề an sinh xã hội. Từ quý 2-2009, TPHCM đã bước đầu kìm hãm đà giảm phát, từng bước khôi phục tốc độ tăng trưởng. Thu ngân sách 6 tháng đầu năm đạt gần 50% trong điều kiện vô cùng khó khăn, rồi phải giãn và giảm thuế, là dấu hiệu rất lạc quan.

Kinh nghiệm cho thấy, vai trò của Nhà nước trong quản lý vĩ mô, trong đó, các doanh nghiệp nhà nước nắm những ngành lĩnh vực “yết hầu” là hết sức quan trọng. Phải kết hợp hài hòa giữa yếu tố điều chỉnh khách quan của thị trường với năng lực chủ quan của Nhà nước điều tiết thị trường.

- Nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp nhà nước ở TPHCM chưa đóng “vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân”?

Các nhà phân tích kinh tế thế giới không bác bỏ quan điểm “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân” mà chỉ nói rằng “doanh nghiệp nhà nước (DNNN) kém hiệu quả”. Từ nhiều năm nay, các DNNN đã được tạo điều kiện phát triển nhưng chưa phát huy vai trò nòng cốt, chỉ đạo, thúc đẩy sản xuất đưa nền kinh tế nước ta phát triển.

Do vậy, cần tiếp tục đổi mới, sắp xếp lại các DNNN theo hướng  rút gọn số lượng, phạm vi, làm sao để có hiệu quả. “Chủ đạo” không phải về số lượng, cũng không phải chiếm phần lớn trong việc tạo ra GDP mà là “yết hầu”, là công cụ điều tiết nền kinh tế quốc dân.

Cuộc khủng hoảng lần này là cơ hội để ta xem lại năng lực, cung cách làm ăn của các doanh nghiệp, từ đó có điều chỉnh hợp lý. Một trong những giải pháp quan trọng sắp tới là đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa DNNN để tăng tính hiệu quả của nền kinh tế.

- Nhưng việc cổ phần hóa DNNN không đạt tiến độ, theo đồng chí vì sao?

Có nhiều lý do, chẳng hạn còn nhiều vướng mắc trong định giá tài sản (nhất là tài sản vô hình), chưa tìm được cổ đông chiến lược; chưa kéo được các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào mua cổ phần… Nhưng, chính sự khác nhau, nhất là sự thiếu bình đẳng giữa DNNN với công ty cổ phần có lẽ là cản trở lớn nhất việc cổ phần hóa.

Ai cũng biết, các DNNN  đang được hưởng nhiều ưu đãi: không phải góp vốn; khi có rủi ro trong kinh doanh cũng được “chia sẻ”; đặc biệt có nhiều lợi thế hơn so với doanh nghiệp cổ phần về sử dụng đất, vay vốn ngân hàng, có khi còn được khoanh nợ, xóa nợ khi gặp rủi ro, được xét giảm, miễn thuế dễ dàng; trách nhiệm cá nhân người đứng đầu không nặng nề lắm…

Cơ cấu công nhân trong Đảng có phải ngày càng ít đi?

- Có ý kiến cho rằng, cơ cấu công nhân trong Đảng đang ngày càng ít đi, đồng chí có cho đây là “nguy cơ”?

Điều này được đề cập khá rõ trong các nghị quyết của Đảng gần đây, nhất là về xây dựng Đảng, xây dựng giai cấp công nhân. Ta đang cố gắng thực hiện, tuy vậy, phải nhìn nhận giai cấp công nhân là một phạm trù lịch sử, nên khi gắn với mỗi giai đoạn sẽ có sự khác nhau về nội hàm và phạm vi khái niệm.

Theo quan niệm hiện nay, công nhân là “những người lao động chân tay và trí óc, làm công hưởng lương trong các loại hình sản xuất, kinh doanh,  dịch vụ công nghiệp, hoặc có tính chất công nghiệp” thì trong Đảng ta, thành phần này không ít đâu. Cái quan trọng là làm sao để đội ngũ này có lập trường tư tưởng của giai cấp công nhân, giữ vai trò lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiên phong là Đảng CSVN, đại diện cho phương thức tiên tiến, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tiên phong trong sự nghiệp xây dựng CNXH…

Đại lộ Đông Tây, một công trình trọng điểm của TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đại lộ Đông Tây, một công trình trọng điểm của TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

- Hiện nay, Trung ương chưa cho phép kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng CSVN, nhưng một số cấp ủy địa phương ở TPHCM, bằng nhiều cách “lách quy định”, vẫn kết nạp một vài trường hợp. Việc này đúng hay sai?

Về nguyên tắc là sai. Nhưng khi chưa có quy định mà thực tiễn nẩy sinh yêu cầu thì cần thiết xin chủ trương, trước hết làm thí điểm, giải quyết từng trường hợp cụ thể, tiêu biểu, sau đó xem xét, tổng kết và có chủ trương chung về việc này.

- Nhưng trong quá khứ, có những cái “lách quy định” mang tính đột phá ở TPHCM sau này trở thành chủ trương chung của cả nước?

Đúng là như vậy! Không phải chỉ có ở TPHCM mà nơi khác cũng vậy. Đổi mới trước hết là tư duy; tư duy là từ trình độ lý luận, trình độ nắm bắt và phân tích thực tiễn. Cuộc sống thực tiễn luôn sinh động, phong phú, là tiêu chí kiểm tra chân lý. Do vậy, mọi quy định, chủ trương, kể cả luật đều có thể được điều chỉnh hoàn thiện qua các thời kỳ để phù hợp với thực tiễn.

Kê khai mà không công khai thì chẳng có mấy giá trị!

- Việc kê khai tài sản của cán bộ công chức (CBBC) đến nay vẫn rất hình thức, vậy có nên công khai tài sản của họ để người dân giám sát giống như nước ngoài không?

Kê khai mà không công khai thì chẳng có mấy giá trị! Người dân không nắm được thông tin về tài sản của CBCC thì làm sao “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” được. Mục đích kê khai là để biết sự minh bạch và tính hợp lý của tài sản, chứ không phải để xem nhiều hay ít.

Hiện nay, mọi cán bộ đều kê khai tài sản và nộp bản khai đó cho tổ chức để rồi… để đó, trừ trường hợp có đơn thư tố cáo cán bộ thì mới đem ra xem xét. Làm vậy rất hình thức. Nhưng công khai như thế nào cho hợp lý lại phải có quy định rõ ràng, chứ không phải chung chung, nên phải có luật định.

- Theo đồng chí, cần thiết phải có quy định cấp ủy Đảng giám sát cả vợ (hoặc chồng) và người nhà của những cán bộ, đảng viên có chức quyền?

Vấn đề không phải “giám sát cả gia đình, họ hàng” người ta, coi chừng lại bị lên án hoặc bị lợi dụng xuyên tạc là “vi phạm luật”. Quan trọng là có cơ chế, quy định quản lý cán bộ, đảng viên cho tốt.

Cán bộ, đảng viên đâu phải “độc thân” mà còn có mối quan hệ gia đình, anh em, bạn bè… Thực tế, có người đã lợi dụng mối quan hệ này để vụ lợi hoặc che giấu sự tham lam của mình, thoái thác trách nhiệm, thậm chí “chạy tội” khi bị pháp luật xử lý… Cũng có nhiều người với mưu đồ của họ đã sử dụng mối quan hệ này để “tiếp cận” cán bộ, đảng viên có chức, có quyền. Cho nên phải có cơ chế, quy định để ngăn ngừa tham nhũng, cơ hội, bảo vệ cán bộ khỏi sự cám dỗ của những chiếc “vòi bạch tuộc”.

Tuấn Sơn

Tin cùng chuyên mục